• Thi đua - Khen thưởng

Lớp học của “thầy” Hoa

07/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 07/02/2021 | 06:00

STO - Giữa cuộc sống bộn bề những toan lo, ai cũng cố gắng chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc của mình, mong kiếm thêm thu nhập để ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Tuy vậy, vẫn có nhiều người sẵn sàng làm những việc được cho là “bao đồng”, chỉ vì một lẽ, là mong muốn cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, chứ chẳng nghĩ gì đến lợi ích cho riêng mình.

Về Ấp 1, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách hỏi thầy Hoa thì ai cũng biết. Bởi việc làm hết sức ý nghĩa, đậm tính nhân văn của “thầy”, đó chính là việc dạy chữ Khmer miễn phí cho trẻ em trong ấp.

“Thầy” Hoa hướng dẫn học sinh viết chữ.

Thầy Hoa tên thật là Lâm Lý Hoanh, sinh năm 1989 tại Ấp 1, xã Trinh  Phú. Tuy nhiên, bà con trong ấp vẫn quen gọi bằng cái tên quen thuộc là thầy Hoa. Gọi là thầy nhưng thầy Hoa chưa hề được đào tạo qua một trường lớp sư phạm nào mà chủ yếu đến với việc dạy học bằng niềm đam mê và tâm huyết của chính mình.

Ấp 1, nơi thầy sinh ra và lớn lên là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất trong xã Trinh Phú. Thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu từ nông nghiệp. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đời sống của đồng bào Khmer ngày một nâng cao. Đa số trẻ em đến độ tuổi đã được huy động vào trường học. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều trẻ em người Khmer biết nói nhưng không biết viết tiếng dân tộc mình. Từ đó, người đoàn viên thanh niên Lâm Lý Hoanh đã xin phép chính quyền địa phương cho mở lớp học dạy chữ Khmer miễn phí cho trẻ em trong ấp.

Vốn kiến thức mà thầy Hoa sử dụng trong quá trình dạy học chính là nhờ vào những năm tháng tu học tại chùa. Năm 2004 sau khi tốt nghiệp THCS, cậu học trò Lâm Lý Hoanh được gia đình cho phép vào tu học tại chùa Bến Đổi, xã Trinh Phú theo phong tục tu để trả hiếu cho cha mẹ của đồng bào Khmer. Đến cuối năm 2005 thì được nhà chùa gửi đến tu học tại chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu) tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Tại đây, cậu bé Lâm Lý Hoanh ngoài việc được học giáo lý nhà Phật còn được học chữ Khmer. Sau 6 năm tu học, do điều kiện gia đình khó khăn, cha bệnh nặng, anh em trong nhà lại có gia đình ra ở riêng nên Lâm Lý Hoanh đành xin xuất tu để về nhà phụng dưỡng cha mẹ.

Sau ngày xuất tu rồi lập gia đình, bao nhiêu “gánh nặng” trên vai nhưng người thanh niên Lâm Lý Hoanh không bao giờ từ bỏ ước mơ đem con chữ Khmer đến với những trẻ em trong ấp. Sau nhiều năm ấp ủ, đến giữa năm 2020 sau khi xin phép địa phương, Hoanh đã đến từng nhà trong ấp vận động bà con cho con em mình theo học chữ Khmer. Lúc đầu, mọi người còn ái ngại nhưng sau nhiều lần vận động, thấy được sự nhiệt tình, tâm huyết của Hoanh nên bà con ai cũng đồng ý.

Hoanh đã chủ động vận động một người bà con trong ấp là chú Trà San, năm nay đã 75 tuổi cho mượn nhà để mở lớp học. Nhận thấy việc làm tốt và ý nghĩa của Hoanh nên chú Trà San rất vui lòng ủng hộ. Ngoài việc tạo điều kiện về chỗ dạy, chú Trà San còn tự tay đóng một số bàn ghế để các em nhỏ có chỗ ngồi học thoải mái. Lớp học thường diễn ra từ 17 đến 20 giờ mỗi ngày nhưng chú chưa bao giờ thu một đồng tiền điện nào từ thầy Hoa và lớp học.

Thời điểm hiện tại, lớp học của thầy Hoa có 14 “học sinh”, trong đó có 4 nhà sư đang tu học tại chùa Bến Đổi theo học. Tài liệu dạy học được thầy mượn từ nhà chùa, theo chương trình dạy học tiếng Khmer từ lớp 1 đến lớp 5. Dù chưa từng trải qua khóa đào tạo nào từ trường sư phạm nhưng theo nhiều em nhỏ đang theo học, cách dạy của thầy Hoa rất dễ hiểu, thầy dạy từng chữ, từng nét, chừng biết rành chữ này, nét này thì mới sang chữ khác, nét khác. Nhờ vậy mà “học sinh” học đến đâu là nắm chắc đến đó.

Khi được hỏi về công việc hiện tại mà mình đang làm, thầy Hoa vui vẻ chia sẻ: “Em mở lớp học này không mong muốn gì hơn là để giúp các em biết đọc, biết viết. Thứ nhất là để các em biết được chữ viết của dân tộc mình, thứ hai là để các em có thêm hiểu biết về cuộc sống, sau này lớn lên không bị kẻ xấu lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, thứ ba là nếu được tiếp tục học lên tại các trường dân tộc nội trú thì các em cũng đã có nền tảng kiến thức về đọc, viết chữ Khmer vững vàng, không bị các bạn học tại những nơi có dạy chữ Khmer trong trường trước đó bỏ xa”.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trên gương mặt của “thầy” và “trò” tại lớp học giữa mênh mông ruộng đồng này vẫn ngời lên một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Các em nhỏ trong lớp học này rồi sẽ như những chẽn lúa đòng đòng kia đang ngậm sữa, vô gạo dâng hạt ngọc trắng trong cho đời. Và những hạt ngọc ấy có được cũng chính là nhờ vào sự mài giũa từ ban đầu của một người thầy giáo giàu tâm huyết và tận tụy như “thầy” Hoa.

QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: