• Thi đua - Khen thưởng

Mô hình thanh niên sản xuất giỏi 9X

03/07/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 03/07/2017 | 06:00

STO - Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng các bạn thanh niên thuộc thế hệ 9X ở ấp Xóm Chòi, xã Kế An (Kế Sách) đã trở thành những nông dân thực thụ, khi bản thân trở thành trụ cột chính trong gia đình đảm nhận công việc đồng áng. Với chung niềm đam mê “trồng cam”, các bạn đã tập hợp thành lập Tổ hợp tác (THT) cam sành 26-3. Khi THT đi vào hoạt động, đời sống của các thành viên ngày càng khấm khá do thu nhập từ vườn cam mang lại.

THT cam sành 26-3 đi vào hoạt động đã hơn 2 năm và diện tích vườn là 67ha, với 11 thành viên tham gia. Theo tính toán, số tiền THT thu về mỗi năm gần 6 tỉ đồng, đây là số tiền đáng mơ ước đối với các bạn trẻ khi khởi nghiệp bằng nghề trồng trọt. Trao đổi với chúng tôi, Tổ trưởng THT cam sành 26-3 Tô Văn Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi trồng 15 công cam sành, tính đến nay đã hơn 7 năm tuổi và đã thu hoạch trái 4 năm nay. Hiện tại, cây cam đang độ sung sức, năng suất luôn đạt ở mức cao, mang về số tiền gần 1,2 tỉ đồng/năm”.

Tổ trưởng THT cam sành 26-3 Tô Văn Nghĩa.

Đưa khách tham quan vườn cam sành đang cho trái trĩu cành, Tô Văn Nghĩa chia sẻ: “Toàn bộ diện tích vườn cam trước đây gia đình tôi canh tác lúa, với 3 vụ/năm. Nhưng cây lúa cho thu nhập thấp, giá thành bấp bênh nên gia đình quyết định lên liếp trồng cây ăn trái. Thời điểm đó, chưa biết chọn loại cây trồng nào phù hợp với vùng đất và lo nhất là đầu ra cho loại sản phẩm. Tôi tìm tòi các nguồn thông tin trên mạng internet và quan sát tại địa phương xem bà con trồng giống cây nào được thị trường ưa chuộng”.  

Sau hơn 3 tháng cải tạo ruộng lúa hoàn chỉnh thành khu vườn và nhận thấy cây cam sành được nhiều bà con trồng mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, mặc dù thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch trái là 3 năm, nhưng lợi nhuận đem về rất lớn, đầu ra ổn hơn các loại cây trồng khác nên gia đình Nghĩa đã chọn cây cam sành làm cây trồng độc canh. Để giúp cây phát triển tốt cũng như có “đồng ra đồng vào”, lúc cây cam còn nhỏ, Nghĩa tiến hành trồng một số loại rau màu xen với vườn cam và có thời điểm trồng chuối để vừa tạo bóng mát vừa che chắn cho cây lúc cây còn nhỏ, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đợi khi cây đâm chồi, cành lá trưởng thành thì ngưng trồng xen canh cây màu, cây chuối. Sau hơn 3 năm trồng, cây cam sành cho thu hoạch chưa nhiều, chỉ ước vài tấn/năm và giờ đây, khi đã 7 năm tuổi cây cam đã cho thu hoạch hơn 69 tấn trái/15 công/năm. “Với những hiệu quả nêu trên, dự định thời gian tới, tôi sẽ vận động các bạn thanh niên có vườn trồng cam sành vào THT, tạo đà vững chắc để THT tiến dần lên thành hợp tác xã, khi đó trái cam sành do các bạn đoàn viên sản xuất đến được các siêu thị lớn và hướng đến việc ký kết với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu” - Tô Văn Nghĩa phấn khởi thông tin thêm.

Qua lời giới thiệu của Tô Văn Nghĩa, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vượt hơn 2km đường đồng tìm đến nhà bạn Huỳnh Văn Ngân, là thành viên THT cam sành 26-3. Đón khách ngay ngoài cổng, Ngân đưa chúng tôi ra thẳng phía sau nhà, nơi có vườn cam với diện tích gần 8 công, từng cây cam cho trái trĩu cành đến nỗi phải dùng đến cây tràm chống đỡ để cành không bị gãy. Thấy khách khen vườn cam nhiều trái, Ngân bộc bạch: “Vườn cam của tôi ăn trái hơn 3 năm nay, đây được xem là giai đoạn cây đủ sức và cho trái nhiều nhất. Bởi vậy, mấy đợt mưa lớn vừa rồi, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái, một số trái non bị rụng do mưa kèm theo gió lớn. Biết thời tiết thất thường nên tôi đã cẩn thận dùng một số cây chèn chống để tránh cam bị ngã cũng như tìm cách hạn chế tối đa việc cam bị rụng trái, thông qua học hỏi kinh nghiệm của các thành viên trong THT”.

Lấy một đoạn cây tràm chống cành cam đầy trái đang sà trên mặt đất, Ngân tiếp lời: “Nếu chăm chỉ chăm sóc và áp dụng đúng các kỹ thuật bón phân, phun thuốc, cung cấp đủ nước và phòng ngừa tốt sâu hại tấn công, cây cam cho trái “đặc nghẹt”, độ lớn đồng đều, rất đẹp mắt, thương lái rất thích mua và giá luôn ở mức cao. Vườn cam của tôi mỗi năm thu hoạch ước đạt 35 tấn trái, trừ hết chi phí, lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Với mức lợi nhuận như trên, hướng tới tôi sẽ chuyển đổi 5 công đất trồng lúa sang trồng cam để tăng thu nhập cho gia đình”.

Tổ trưởng THT cam sành 26-3 Tô Văn Nghĩa cho biết thêm: “Để duy trì và phát triển diện tích trồng cam sành của các thành viên và tạo đầu ra sản phẩm đạt chất lượng cao, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào và giúp tăng sản lượng trái. Đồng thời, mở thêm dịch vụ thu mua cam sành của bà con trên địa bàn xã để chuyên chở đến các cơ sở thu mua lớn nhằm tăng nguồn thu cho THT. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ huy động nguồn vốn nhàn rỗi của thành viên để phân bổ lại cho các thành viên khác có nhu cầu về vốn với lãi suất thấp”.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cam sành ở THT cam sành 26-3 mang lại là rất rõ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, trong thời gian tới, THT sẽ phối hợp cùng các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn cam trước tình hình biến đổi khí hậu cho các thành viên; mở rộng thêm thị trường tiêu thụ cam sành trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cung cấp cây cam giống sạch, kể cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân có nhu cầu trồng cam và bao tiêu sau thu hoạch.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: