• Thi đua - Khen thưởng

Người mẹ của những trẻ kém may mắn

12/03/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 12/03/2018 | 13:00

STO - Không mang nặng đẻ đau, không dứt ruột sinh ra, nhưng chị Mạch Thị Thu Oanh, nhân viên chăm sóc trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh xem các trẻ ở trung tâm như là con ruột của mình. Mỗi trẻ một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung số phận bị cha mẹ bỏ rơi, mang bệnh trong người. Chính sự chăm sóc, yêu thương, chị Oanh cùng các chị phụ trách công việc chăm sóc trẻ tại trung tâm đã giúp các trẻ tìm thấy nụ cười, ấm áp trong vòng tay che chở.

Từ thời tóc xanh đến khi tóc bạc

Hiện nay, công việc chăm sóc trẻ ở trung tâm có 6 chị phụ trách. Thế nhưng có đến 3 chị có thâm niên làm việc hơn 20 năm, trong đó chị Thu Oanh đã làm việc hơn 22 năm. Chị Oanh cười, ví von, lúc mới vô thì còn trẻ, giờ còn bao năm nữa bước qua tuổi 50. Cái thời tóc xanh đã qua, nay tóc đã điểm bạc. Nguồn vui trong công việc của chị em nơi đây là nụ cười của trẻ và kỳ tích của những trẻ chiến thắng bệnh tật, kéo dài sự sống.

Chị còn nhớ rất rõ, năm 1995 (sau 1 năm trung tâm thành lập), hay tin trung tâm tuyển người nên chị xin vào làm. Lúc đó, chị mới 25 tuổi thôi. Ban đầu, việc chăm sóc trẻ với chị cũng khó do chị không biết bế, cho ăn, cho uống, vệ sinh trẻ thế nào. Nhờ các chị đồng nghiệp hướng dẫn nên chị cũng thạo việc chỉ trong thời gian ngắn.

Chị Mạch Thị Thu Oanh, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh xem các trẻ ở trung tâm như là con của mình.

Việc chăm sóc trẻ bình thường đã khó, với trẻ bị bệnh tật thì càng khó hơn. Công việc của trung tâm được chia làm 2 ca (1 ngày làm 1 ca, 1 ca có 2 chị chăm sóc trẻ). Ca ngày thì từ 7 giờ sáng đến 19 giờ và ca đêm từ 19 giờ đến 7 giờ sáng. Nếu rơi vào ca ngày thì phần việc chủ yếu là cho trẻ ăn, vệ sinh, chơi với trẻ, dọn dẹp. Nhưng trực ca đêm thì khá cực, phải thức xem chừng xem các trẻ có biểu hiện lạ thì báo lên tổ y tế xử lý kịp thời.

Chị Oanh chia sẻ: “Trung tâm hiện có 15 trẻ được nuôi dưỡng đa số bị bệnh tật, trong đó có 4 trẻ nằm liệt một chỗ (3 trẻ bị bệnh bại não, 1 trẻ bị não úng thủy). Trẻ nằm một chỗ thì phải ẵm bồng mỗi khi muốn di chuyển trẻ đi tắm rửa, vệ sinh cá nhân, ai không thạo việc cũng vã mồ hôi. Người nào ngại bẩn, ngại khó, thiếu kiên trì thì không làm được việc này đâu”.

Với tinh thần làm việc hết mình, chị được lãnh đạo trung tâm đánh giá cao. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Ngọc Thơ đánh giá: “Chị Oanh là người rất nhiệt tình trong công việc. Chưa bao giờ chị từ chối, nề hà với công việc khó. Đối với đồng nghiệp, chị luôn hòa đồng, nhiệt tình giúp đỡ. Chị là người luôn trân quý thời gian mọi người, chị luôn đúng giờ, không để người khác chờ đợi. Hơn 22 năm làm việc tại trung tâm, chị luôn xem các trẻ là người thân của mình và dành cho trẻ sự chăm sóc, thương yêu của người mẹ dành cho các con. Những ca trực đêm chị ít khi ngủ tròn giấc, mà chăm từng giấc ngủ cho các trẻ”.

Nỗi lòng người mẹ của trẻ bất hạnh

Thấy các trẻ thiếu tình thương nên các chị ở trung tâm đều xưng là mẹ và gọi các trẻ là con, chị Oanh cũng thế. Tình thương chị dành cho các trẻ ở đôi mắt thương yêu luôn dõi theo các trẻ, đôi bàn tay ẵm bồng, nâng niu khi trẻ khóc đòi mẹ, kiên trì hàng giờ để cho các bé ăn… Nhờ sự chăm sóc tận tâm mà nhiều trẻ đã chiến thắng bệnh tật, kéo dài thời gian sống. Chị Oanh kể: “Hiện tại, trung tâm có 1 trẻ bị bệnh não úng thủy. Bác sĩ từng chẩn đoán với căn bệnh này nếu không được chăm sóc tốt thì trẻ không sống lâu. Rất vui với sự cố gắng của chúng tôi, năm nay bé đã được 5 tuổi rồi”.

Và phép mầu cũng đến với bé Nguyễn Thị Phương Nghi. Vốn mắc bệnh tim bẩm sinh nên bé Nghi rất khó nuôi. Mới sinh, bé nặng chưa đến 1kg. Chị Oanh thuật lại: “Bé khóc suốt luôn. Khi cơn bệnh trở nặng, trung tâm đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng điều trị, sau đó chuyển lên TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó, chúng tôi luân phiên lên TP. Hồ Chi Minh nuôi bệnh bé Nghi. Bé này khó nuôi lắm, có thể kéo dài sự sống cho bé đối với chúng tôi đó là kỳ tích”. Nghe chị Oanh nói bé đã hơn 3 tuổi nhưng nhìn bề ngoài thì trông bé chỉ chừng 12 tháng. Bởi bé chưa biết đi, mới bập bẹ vài tiếng và nặng hơn 8kg.

Điều làm chị Oanh cũng như 5 chị làm công việc chăm sóc trẻ ở trung tâm thấy buồn lòng là những bà mẹ khác chăm sóc con thì được nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành, nhưng với các chị, thì thời gian sẽ kéo các trẻ dần xa rời các chị. Với những bệnh tật bẩm sinh, đời sống của các trẻ không quá 18 năm, có trẻ chỉ sống được vài năm thì qua đời. Cho nên các chị luôn cố gắng níu giữ từng nhịp thở của các trẻ, ngoài chăm miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ, các chị luôn chú ý quan sát diễn biến từng bé, khi có dấu hiệu phát bệnh, kịp thời báo cho tổ y tế xử lý.

Ai đã từng đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, ghé thăm các trẻ ở trung tâm thì sẽ không khỏi chạnh lòng thương cảm cho những số phận kém may mắn từ khi mới chào đời. Mỗi ngày trôi qua, chị Oanh cùng các chị tại trung tâm cứ âm thầm chia bớt sự bất hạnh, đồng hành cùng các trẻ vượt qua bệnh tật. Ước mơ của chị là mong các bé được khỏe mạnh, không bị cơn bệnh hoành hành. Mỗi lần thấy các trẻ khó chịu, khóc la, chị thấy đau vì bất lực không làm được gì. Đó là những điều mà tôi cảm được ở tấm lòng yêu trẻ của chị Thu Oanh, người luôn hết lòng vì những đứa trẻ bệnh tật.

Thế Bằng

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: