• Thi đua - Khen thưởng

Người thầy nặng lòng với học sinh vùng sâu

17/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 17/10/2019 | 06:00

STO - Nhiều năm qua, mọi người có dịp ghé thăm Trường THPT Thạnh Tân (Thạnh Trị) vào ngày thứ bảy hàng tuần, thường thấy một người đàn ông dáng người nhỏ nhắn, tóc hoa râm thấp thoáng đi đi, lại lại trong khuôn viên trường, thỉnh thoảng cúi người xuống nhặt mảnh vỏ bánh kẹo của những cô cậu học trò bỏ lại, hay những chiếc lá cây rơi… cho vào thùng rác. Rồi tiến vào khu nhà hiệu bộ, mở khóa cửa, bước vào phòng ngồi miệt mài làm việc. Người đàn ông đó chính là thầy giáo Trần Anh Tân - Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ của trường.

Thầy giáo Trần Anh Tân có rất nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu, giáo trình, bài báo khoa học chuyên ngành ngữ văn, các đề tài, sáng kiến này Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá chất lượng cao và được áp dụng thành công rộng rãi trong các trường THCS-THPT vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Cô giáo Lê Thị Trúc Mai - Bí thư Đoàn trường cho biết, thầy Tân chẳng những làm tốt công tác quản lý mà còn gặt hái nhiều thành tích trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi văn của tỉnh. Những sáng kiến của thầy là nguồn động viên rất lớn đối với các em học sinh ở đây, góp phần giúp trường tăng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia hàng năm.

Thầy Trần Anh Tân - Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ Trường THPT Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (bên phải) là người thầy mẫu mực, luôn vì đàn em thân yêu.

Cách dạy của thầy luôn sáng tạo, trong mỗi bài giảng của thầy đều có những câu chuyện minh họa thật lôi cuốn. Thầy thường vẽ sơ đồ tư duy lên bảng bằng nét bút đúng chuẩn mẫu mực của một nhà mô phạm lâu năm, nét chữ tròn vành, hài hòa, mạnh mẽ, không bay bướm mà rõ nét như bông hoa giữa mùa xuân. Thường thầy chia bài giảng ra từng ý nhỏ, sau đó triển khai mở rộng vấn đề, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh phát huy tính liên tưởng.

Khác với vẻ ngoài lạnh lùng, tiết dạy của thầy luôn giàu cảm xúc, lắng đọng trong suốt tiết dạy. Quan sát thầy giảng bài, chúng tôi không thấy thầy ngồi, mà thầy đi vòng từng dãy bàn này sang dãy bàn kia, giọng thầy nhẹ nhàng, êm êm, mắt thầy chứa đựng sâu lắng tình cảm sau đôi kính dày cộm. Chúng tôi như bị thầy thôi miên lạc vào thế giới của những số phận con người đang luận tìm lẽ sống như Vợ nhặt, Chí Phèo, Chị Dậu… Thỉnh thoảng thầy đứng lại, cúi người lượm tờ giấy của học sinh nào đó bị gió thổi bay, đặt ngay ngắn lên bàn, hay những vỏ kẹo của cô cậu học trò hay ăn vụng trong lớp học cho vào túi quần rồi chỉ mỉm cười… 

Thầy cô giáo ở đây cho biết thường mỗi niên học thầy Tân thường cùng giáo viên chủ nhiệm đích thân tới nhà các em có hoàn cảnh khó khăn nghỉ học nửa chừng động viên các em quay trở lại lớp; chú trọng việc khen thưởng, khích lệ học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm kiên trì gặp riêng những học sinh vi phạm nội quy nhà trường để lắng nghe các em để giải trình nguyên nhân những khuyết điểm của mình...Từ đó, cùng với thầy cô chủ nhiệm đưa ra cách giải quyết vấn đề giúp học sinh tiến bộ. Thầy mạnh dạn bãi bỏ cách nêu tên học sinh dưới cờ, đồng thời đề xuất xây dựng hộp thư góp ý của học sinh cho thầy cô giáo nhà trường...

Thầy thường tâm tình với cán bộ, giáo viên nhà trường, Trường THPT Thạnh Tân tọa lạc tại ấp A2 của một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, thành phần kinh tế gia đình học sinh chủ yếu là nông dân, hộ nghèo chiếm hơn 30%. Đa số các em chưa ý thức về việc học, vì hoàn cảnh mà các em gián đoạn việc học và nhiều em có tính khí bướng bỉnh hay nghịch ngợm, phá phách, nên các thầy cô phải vừa "dạy" vừa "dỗ" các em. Thầy bảo "học sinh vi phạm không phải phạm nhân", "giáo viên không phải quan tòa", "mọi người cũng không phải là người tham dự và theo dõi phiên tòa", vậy không nên biến tiết sinh hoạt lớp thành tiết "xử án" quá nặng nề; tất cả đều bình đẳng. Các ý kiến của học sinh đều được tôn trọng, bảo lưu. Giáo viên chủ nhiệm ngoài việc dạy tốt, gương mẫu còn phải có tấm lòng bao dung, rộng lượng, có thế mới tạo được môi trường thân thiện để học sinh noi theo và phát huy mặt tích cực của bản thân các em.

Với các giải pháp của thầy, thực sự góp phần làm chuyển biến tích cực tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh bỏ học nửa chừng của trường mấy năm nay liên tục giảm; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 2 năm liên tục đạt 100%; nhiều học sinh đạt giải cao trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh. Năm học vừa qua, trường được phong tặng danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc".

Được học sinh kính trọng, nhân dân tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm, quý trọng nên thầy luôn được giao cho quản lý để nâng chất những điểm trường có nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, phụ trách dạy những lớp có nhiều học sinh cá biệt, thành tích yếu kém. 33 năm làm công tác dạy học, quản lý, thầy Trần Anh Tân luôn xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Ngọc Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • Nguyễn Ngọc Minh - 14/12/2019
  • Cũng nhờ những tiết học đặc biệt ấy mà tôi từ một đứa học trò bướng bỉnh trở thành Cử nhân Ngôn ngữ học và hiện là một nhà báo trẻ. Cảm ơn thầy vì những bài học làm người!
  • Quách Phú Tồn - 17/10/2019
  • Nhớ ơn Thầy!
  • Phan Thế Vinh - 17/10/2019
  • Thầy mãi là người thầy tuyệt vời nhất của chúg em.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: