• Thi đua - Khen thưởng

Nữ biệt động quên mình vì hai chữ hòa bình

29/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 29/04/2019 | 06:00

STO - Chiến tranh đã qua đi, tuy đã bước qua tuổi thất thập nhưng trong ký ức của nữ chiến sĩ biệt động TX. Sóc Trăng năm xưa, bà Thái Thị Thanh ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) vẫn còn in đậm. Làm sao quên được những năm tháng cái chết cận kề trong gang tấc và chính sức mạnh của niềm tin vào chiến thắng, niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào cách mạng đã giúp bà vượt nhiều thử thách, hoàn thành nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn.

Hai lần rơi vào tay địch

Tuổi 16, chưa hình dung cách mạng là gì, nhưng được các chú, các anh đi trước truyền đạt, cùng với lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc, bà rời gia đình ở Phong Nẫm (Kế Sách) lên TX. Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) hoạt động. Từng học lớp trinh sát ở Cà Mau được trang bị kỹ năng cơ bản về cách di chuyển mà địch không phát hiệu dấu vết, đặt mìn, tháo súng, bắn súng, gài trái nổ… bà được phân công vào Đội Biệt động nữ TX. Sóc Trăng thành lập cuối năm 1967 (khi mới thành lập có 9 nữ, sau phát triển được 18 nữ). Nhiệm vụ của đội là nắm mục tiêu đánh được địch, báo cáo cấp trên, dẫn đường tiêu diệt địch.

Bà Thái Thị Thanh, người chiến sĩ nữ biệt động gan dạ, dũng cảm.

Là người gan dạ, nhanh trí, bà đã có những đóng góp vào chiến công làm tiêu hao sinh lực địch. Năm 19 tuổi, bà vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Xoay về ký ức, bà chia sẻ: “Nhớ lần dẫn lực lượng tiến công vào thị xã diệt ác, phá kìm, tiêu diệt các trưởng ấp ác ôn, lúc đó tôi thấy lo sợ. Không phải sợ cho mình mà sợ mình có sơ suất gì thì anh em mình hy sinh hết. Nên trong khi làm công tác, tôi thận trọng từng ly, từng tý”.

Năm 1969, khi nghỉ phép về thăm gia đình, bà bị địch bắt, đưa lên Khám lớn Cần Thơ giam 6 tháng. Trong thời gian bị bắt, dù địch dùng nhiều cách chiêu dụ, khai thác, đánh đập, bà nhanh trí khai những thông tin hợp lý nên địch không có chứng cứ kết tội bà và bà được trả tự do.

Ngày trở về, bà tiếp tục tham gia đội biệt động. Sau đó, bà được phân công làm Đội trưởng Đội giao liên với công việc giao thư vào Căn cứ Mỹ Phước. Nhớ thời gian làm giao liên, có những kỷ niệm khó quên với bà, bà cười: “Có lần chạy ghe lạc đường, chạy hết 20 chục lít xăng mà không ra được bùng binh, đường nào cũng giống nhau, chạy tới sáng thấy người ta đi chợ đi theo. Lúc đó mà gặp địch đổ quân cũng không biết làm sao”.

Năm 1972, do có người chỉ điểm nên bà bị địch bắt lần thứ hai. Tuy địch dùng nhiều biện pháp tra khảo, dụ dỗ nhưng bà vẫn giữ khí tiết, giữ vững lập trường, không hé lộ thông tin với địch. Sau đó chúng giam bà trong Khám lớn Sóc Trăng, đến năm 1975 bà được trả tự do.

Phía sau song sắt

Khi bị địch bắt lần thứ hai bà đang mang thai đứa con thứ hai được hơn 3 tháng. Qua nhiều lần bị đòn roi của địch, nhưng thật may mắn bà vẫn giữ được đứa con trong bụng. Trong khám, bà gặp chị em cùng lý tưởng, thấy hoàn cảnh bụng mang dạ chửa lại bị giam cầm, chị em ai cũng thương và giúp đỡ. Lúc mang thai sinh sống trong nhà tù với chế độ ăn uống thiếu thốn và tù túng, nhưng vì sự sống đứa con trong bụng, bà luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Khi sinh, bà được bà Nguyễn Thị Phú (nguyên Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh) đỡ đẻ.

Chia sẻ về chuyện sinh con, bà Thanh chạnh lòng: “Trong điều kiện thiếu thốn, chị Năm Phú chỉ lén gửi mua được thuốc cầm máu chứ không còn thuốc gì nữa. Anh em trong tù dùng hộp kim loại chế thành cái lò để nấu nước sôi dùng trong lúc sinh. Chỗ nằm cũng không có chiếu, nằm trên gạch lạnh. Thấy sinh bé gái, chị Năm Phú đặt tên là Thanh Bình với ước mong về ngày hòa bình. Đôi khi cũng tủi thân, lo cho con mình hoàn cảnh vậy nuôi được tới đâu. Mỗi lần nhìn lên bức tường trong khám lớn, mà mong ước một ngày được thoát ra. Nuôi con được chừng 3 tuổi thì tôi gửi con ra ngoài cho người cô nuôi”.

Sau giải phóng, bà làm Cửa hàng trưởng cửa hàng vải thuộc Công ty thương nghiệp. Không bao lâu thì bà chuyển công tác làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Phường 2, thuộc TX. Sóc Trăng (nay là Hội LHPN Phường 2). Với phần việc này, bà tích cực vận động chị em vào hội, phát động nhiều phong trào, hoạt động thu hút nhiều chị em tham gia. Bà còn tham gia Ban Liên lạc nữ tù chính trị tỉnh và từng là Phó Ban Liên lạc nữ tù chính trị tỉnh (nay là Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh) 10 năm. Với cương vị này, bà tích cực thực hiện các hoạt động chăm lo đời sống hội viên, đóng góp công sức trong xây dựng tổ chức hội.

Nghĩ về chiến tranh, bà nhớ và thương đồng đội của mình, những đồng đội không may mắn đã nằm xuống trong cuộc chiến. Khi nói về Đảng, về cách mạng, bà bảo đó là nguồn sức mạnh vô biên, khiến bà không sợ, lo lắng cho tính mạng bản thân. Chỉ lo bản thân không tròn công việc, ảnh hưởng đến anh em, đồng đội.

Thế Bằng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: