• Thi đua - Khen thưởng

Ông Ba thương binh nặng tình với đồng đội

23/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/07/2018 | 06:00

STO - Dù bị thương tật ở chân, đi đứng không được linh hoạt nhưng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Thạnh Trị Nguyễn Hoàng Bé Ba được mệnh danh là người có đôi chân không mỏi. Ông thường có mặt ở các xã, ấp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để tìm giải pháp giúp đỡ và hướng dẫn cán bộ hội cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với những đồng đội năm xưa, ông xem như người thân và tận tình giúp cho họ được tiếp cận với chế độ, chính sách của người có công với cách mạng.

Tinh thần thép của ông Ba thương binh

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời bình chỉ biết về chiến tranh qua lời kể, thước phim lịch sử, sách vở… và những thương tật trên thân thể của những người tham gia kháng chiến sống sót trở về sau chiến tranh. Họ có những quá khứ chiến đấu khác nhau nhưng có chung quan điểm sẵn sàng hy sinh tính mạng, thân thể vì quê hương, đất nước. Ngày họ trở về, phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả do sức khỏe giảm sút vì mất đi một phần thân thể, mang thương tích trên người. Nhưng với tinh thần thép của Bộ đội Cụ Hồ, họ lại giành chiến thắng, hiên ngang đứng vững trước thử thách.

Nghe ông kể, khi mới 15 tuổi (năm 1969) ông đã tham gia đội du kích xã Vĩnh Lợi (Thạnh Trị). Ông được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, đảm nhận vị trí chỉ huy ở tuổi đời còn rất trẻ. Năm ông 19 tuổi (năm 1973), ông được phân công làm Xã đội phó của xã Vĩnh Lợi, đến cuối năm 1973 là Xã đội trưởng của xã Vĩnh Lợi; 20 tuổi là Chính trị viên Đại đội 1, Địa phương quân (Thạnh Trị); 21 tuổi là Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Phú Lợi 4 (Sóc Trăng)... Đến tháng 3-1978, ông được điều động về Sư đoàn 339 (Quân khu 9). Đầu năm 1979, Sư đoàn 339 trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.

Chủ tịch Hội CCB huyện Thạnh Trị Nguyễn Hoàng Bé Ba là người mẫu mực, luôn sống vì mọi người.

Ông còn nhớ rất rõ vào ngày 3-9-1983, trên đường hành quân, ông đạp mìn và bị thương nặng ở chân trái. Quá khứ chợt ùa về, ông kể chi tiết ngày định mệnh đó: “Khi hoạt động trong rừng sâu, trên đường về căn cứ thì bị đạp mìn, chân trái tôi bị thương, máu ra rất nhiều. Được đồng đội đưa về bệnh xá đơn vị trị thương. Do mất máu nhiều, rồi tôi bị sốt rét rừng nên nằm mê man bất tỉnh. Lúc đó, tôi đang ở ranh giới giữa sống và chết. Anh em trong đơn vị cũng chuẩn bị lo hậu sự. May thay, tôi được truyền bịch máu kịp thời, nhờ vậy tôi qua cơn nguy kịch. Sau đó, tôi được chuyển về Bệnh viện Quân y 121 của Quân khu 9 điều trị. Do vết thương bị nhiễm trùng, tôi phải phẫu thuật 2 lần. Khi vết thương lành hẳn, tôi tập đi tó thời gian, rồi qua trung tâm chỉnh hình làm chân giả. Lúc mới lắp chân giả, đi không quen, phải tập đi xuyên suốt hơn 1 tháng trời mới di chuyển bình thường được”.

14 năm (1969 - 1983) tham gia kháng chiến, 3 lần ông bị miểng đạn ghim sâu vào da thịt, khiến cho cơ thể ông nhiều chỗ có vết sẹo sâu. Lần thứ 4 bị thương, mất đi một chân, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan, cố gắng điều trị để nhanh bình phục trở về gia đình. Bất giác đưa tay sờ vào chân trái, ông Ba tâm tình: “Nhìn đồng đội điều trị chung với mình không ai lành lặn cả. Trở về sau chiến tranh đó là cái may mắn rồi. Còn sức khỏe thì cứ tiếp tục cống hiến”. Sau khi trở về quê, ông học bổ túc văn hóa cấp 2, sau đó đi làm ở công ty lương thực của huyện, rồi vừa làm vừa học cấp 3. Đến năm 1992, công ty giải thể. Năm 1993, ông công tác ở Hội CCB huyện Thạnh Trị cho đến nay.

Người “anh cả” của CCB Thạnh Trị

Đảm nhận công việc nào ông cũng làm việc trách nhiệm, tận tâm. Đi đứng tuy khó nhưng ông chăm đi, theo ông đi nhiều mới nắm hết tình hình anh em, biết anh em cần mình chuyện gì, mình làm được gì, chưa làm được gì. Gần 30 năm gắn bó với Hội CCB huyện Thạnh Trị (được kết nạp vào hội năm 1989), hơn ai hết ông nắm rõ tình hình từng cơ sở hội, từng hội viên. Là cán bộ hội, ông luôn quan tâm đến công tác phát triển hội viên, nhằm tập hợp cựu quân nhân vào tổ chức hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng đội ngày càng tốt hơn. Trong những lúc ngơi việc, trở về nhà ông gánh vác chuyện đồng áng, phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, có không ít hội viên không mặn mà với tổ chức hội vì cho rằng không thấy lợi ích khi tham gia vào hội, nên một mặt ông tuyên truyền về quyền và lợi ích khi tham gia hội để hội viên nắm, mặt khác ông tìm những giải pháp giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Uống ngụm nước trà lấy giọng, ông chia sẻ: “Các cựu quân nhân trở về địa phương chỉ có cái ba lô với mấy bộ đồ cũ kỹ. Nếu gia đình có ruộng đất thì đỡ vất vả hơn, còn không thì tự lập nghiệp. Hiểu được hoàn cảnh của anh em, tôi cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội xây dựng, nhân rộng mô hình góp vốn để giúp hội viên được tiếp cận nguồn vốn sản xuất. Hiện nay, 74/74 chi hội ấp đều có tổ hùn vốn để anh em nào khó khăn thì vay vốn. Tranh thủ sự hỗ trợ như cho vay vốn lãi suất ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng…, hội đã giúp cho nhiều hội viên khó khăn được tiếp cận để vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Có nhiều hội viên đã xây dựng được nhà ở khang trang, sở hữu ruộng đất có giá trị. Hiện nay, số lượng hội viên của hội ngày càng tăng, theo thống kê năm 2018, có trên 1.600 hội viên”.

Ông cũng rất tích cực tham gia công tác rà soát đối tượng người có công, giúp đỡ những đồng chí, đồng đội được thụ hưởng chính sách. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, nhưng ông rất chăm đi thăm hỏi, tặng quà, động viên những hội viên đau ốm, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhắc đến ông, hội viên CCB ai cũng bày tỏ sự quý mến và xem ông là người anh cả. Năm 2014, đến tuổi nghỉ hưu theo luật lao động, được sự tín nhiệm của Hội CCB tỉnh, lãnh đạo huyện, Ban Chấp hành Hội CCB huyện đề xuất ông tiếp tục tham gia công tác hội. Ông Nguyễn Tấn Út - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện chia sẻ: “Anh Bé Ba là đàn anh, anh em hội viên ai cũng quý mến. Anh là người mẫu mực, xây dựng sự đoàn kết trong hội, điều gì anh em gặp khó, anh giúp đỡ ngay. Thấy cán bộ hội cơ sở chưa làm tốt phần việc được giao, anh gặp trao đổi, góp ý chân thành những phần còn thiếu sót để anh em sửa chữa”.

Tôi đứng phía sau ông, lặng nhìn ông bước đi về phía trước. Nhìn ông bước thấp, bước cao mà trong đầu tôi xuất hiện biết bao điều suy nghĩ. Suốt cuộc đời ông luôn gắn liền với trách nhiệm, trách nhiệm với đất nước, với nơi mình sinh ra và khi trở về quê, mất đi một phần thân thể, ông lại cố gắng đứng lên, lo cho gia đình. Từ khi tham gia công tác hội, ông lại thấy mình có trách nhiệm với những hội viên, những người lính đã cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc.

Thế Bằng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: