• Thi đua - Khen thưởng

Sáng ngời ý chí người lính Cụ Hồ

05/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Tấn Phát
  • Thứ Ba, 05/09/2017 | 06:00

STO - Sau những năm tháng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia trước họa diệt chủng của Pôn Pốt, trở về với đời thường, thương binh Dương Mãnh Liệt ở ấp Phú Đa, xã Phú Hữu (Long Phú) luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Từ đó, ông đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, đồng thời gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và trong công tác hội, trở thành tấm gương điển hình cho sự cần cù, ý chí vươn lên của người lính Cụ Hồ.

Với thương binh Dương Mãnh Liệt, ký ức về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Campuchia luôn khắc sâu trong tâm trí. Đưa mắt nhìn về phía xa xăm, người thương binh bồi hồi nhớ lại, năm 1981, ông lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Tháng 4 năm 1985, trong trận đánh tại thị trấn Pai Lin, tỉnh Bát - đom - boong, ông bị thương, mất đi vĩnh viễn chân phải và phải xuất ngũ. Khoảng thời gian đầu sau khi xuất ngũ, ông Liệt theo học nghề sửa chữa điện tử và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Sau 3 năm, nhận thấy thu nhập từ việc sửa chữa điện tử ngày càng bấp bênh, người thương binh ấy trở về địa phương, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình tại mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Ông Liệt tâm sự: “Thời gian đầu khi trở về địa phương, việc khiếm khuyết chân phải khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong lao động sản xuất. Nhưng là người lính Cụ Hồ, tôi luôn tự nhủ phải làm sao khắc phục bản thân, vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con, cho cháu, cho đồng đội cùng học tập kinh nghiệm để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng địa phương”.

Với tinh thần không cam chịu đói nghèo, thương binh Dương Mãnh Liệt đã nỗ lực vươn lên, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở địa phương và các vùng lân cận để xây dựng, phát triển mô hình kinh tế. Khởi nghiệp với 7 công đất vườn và 7 công ruộng của cha mẹ để lại, ông Liệt thực hiện nhiều mô hình như trồng mía, trồng nhãn, trồng bưởi Năm roi cùng với việc trồng lúa trên đất ruộng.

Tuy nhiên, do lợi nhuận từ trồng vườn giảm dần, đồng thời thu nhập từ cây lúa khá bấp bênh nên ông ra sức tìm tòi, nghiên cứu các mô hình sản xuất mang tính bền vững. Nhận thấy dừa là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên đầu năm 2004, ông Liệt trồng thử 40 cây dừa dâu, đồng thời chuyển dần đất trồng lúa sang trồng dừa. Đến nay, vườn dừa của ông Liệt đã có trên 100 cây, cho thu nhập mỗi năm gần 50 triệu đồng, đồng thời từ năm 2016 đến nay, ông đã tận dụng đất trống trong vườn để trồng trên 120 cây mãng cầu xiêm và 120 cây buởi da xanh.

Ông Liệt chia sẻ: “Thông qua nhiều chuyến tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, tôi biết đến cách trồng mãng cầu, bưởi da xanh xen với dừa, cho lợi ích kinh tế cao nên tôi mạnh dạn thực hiện. Hiện mãng cầu xiêm và bưởi đang phát triển tốt”. Bên cạnh đó, ông Liệt còn chăn nuôi gà, vịt, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Thương binh Dương Mãnh Liệt chăm sóc những cây bưởi da xanh mới trồng.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, thương binh Dương Mãnh Liệt còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào của hội CCB xã. Từ năm 2003 đến năm 2014, trên cương vị là Chủ tịch Hội CCB xã Phú Hữu, ông đã tích cực tuyên truyền, quán triệt đến hội viên chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu chấp hành điều lệ hội, nghị quyết của hội các cấp, vận động hội viên thực hiện xây dựng nông thôn mới; đồng thời, luôn quan tâm đời sống, động viên hội viên CCB tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, ông đã chủ động đề xuất nhiều mô hình kinh tế phù hợp thực tiễn địa phương cho hội viên thực hiện, xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng để tạo điều kiện về vốn hỗ trợ hội viên, đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất đến hội viên, qua đó góp phần nâng cao đời sống hội viên. Hiện nay, dù thôi giữ chức chủ tịch hội CCB xã nhưng ông Liệt vẫn tham gia sinh hoạt chi hội CCB ấp đều đặn và có nhiều đề xuất, đóng góp xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Đồng chí Đỗ Quốc Khanh - Chủ tịch Hội CCB xã Phú Hữu cho biết: “Thương binh Dương Mãnh Liệt là tấm gương tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Ông đã mạnh dạn thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đạt hiệu quả cao, đồng thời ông còn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình với các phong trào của hội. Sự kiên cường và tinh thần cần cù, dám nghĩ dám làm của thương binh Dương Mãnh Liệt không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình ông mà còn tạo động lực thúc đẩy các hội viên trong hội phấn đấu phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Từ những thành quả đạt được trong những năm qua, tin tưởng rằng trong thời gian tới, thương binh Dương Mãnh Liệt sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy hơn nữa phẩm chất người lính Cụ Hồ, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tấn Phát

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: