• Thi đua - Khen thưởng

Sát cơ sở nghe hơi thở của đất, tiếng nói của nông dân

09/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 09/11/2018 | 06:00

STO - Với Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật, mỗi công việc có tính chất đặc thù khác nhau nhưng làm việc trong ngành nông nghiệp thì phải năng đi cơ sở để hiểu được vùng đất đó nên phát triển cây trồng, vật nuôi nào và lắng nghe nông dân để cùng đồng hành với họ.

Đồng hành cùng nông dân

Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn nên anh hiểu rõ những vất vả của người nông dân, dầm mưa dãi nắng để đổi lấy bát cơm. Anh chọn học ngành nông học tại Trường Đại học Cần Thơ với dự tính mang kiến thức mình học được phục vụ quê nhà. Khi ra trường, anh Nhật công tác tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngã Năm (nay là TX. Ngã Năm). Sau nhiều lần luân chuyển công tác, đến năm 2014 anh được phân công làm Phó trưởng Phòng Kinh tế và năm 2015 là Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm đến nay.

Với từng công việc phụ trách, anh cho rằng muốn làm tốt việc không thể xa dân mà gần dân, lắng nghe người dân cần gì, và mình giúp được gì cho dân. Anh cũng không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để đáp ứng công việc phụ trách. Năm 2012 đến năm 2014, anh theo học và tốt nghiệp thạc sĩ ngành phát triển nông thôn.

Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật (ngoài cùng bên trái) năng đi cơ sở, gặp gỡ, đồng hành với nông dân trong sản xuất.

Khi chia sẻ về tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay, anh cho rằng: “Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nên sản xuất nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Về phía ngành nông nghiệp, chúng tôi phải sâu sát tình hình để tham mưu với lãnh đạo thị xã cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất ở Ngã Năm; định hình và thay đổi tập quán sản xuất không phù hợp của nông dân, tuy nhiên muốn thay đổi thói quen sản xuất cũng là cả quá trình không đơn giản”.

Để thực hiện quá trình đó, anh xuống các khóm, ấp tham gia tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi giống lúa, cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn đối với vùng sản xuất lúa kém hiệu quả. Chuyển đổi các giống lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích và hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới giảm lao động, đạt sản lượng, sản phẩm đạt chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Anh cũng phân công cán bộ ngành năng đi cơ sở, xuống tận khóm, ấp, xuống đến tận mô hình người dân thực hiện. “Đối với mô hình tự phát, mình cũng phải xuống tới nơi xem họ trồng gì, nếu họ gặp khó thì mình hỗ trợ. Qua đó, có định hướng cho người dân, tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận trước mắt, rơi vào tình trạng trồng rồi chặt”, anh Nhật diễn giải thêm.

Thấy nhiều hộ dân chưa tận dụng triệt để diện tích đất trồng, anh cùng cán bộ ngành hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế. Qua đó, góp phần tăng diện tích trồng cây ăn trái từ 515ha lên 1.054ha. Đến TX. Ngã Năm hôm nay, vùng hạ ngày nào đã chuyển mình, ngày càng phát triển. Nếu như trước đây người dân chỉ trồng lúa thì hiện nay nhiều hộ đang hướng tới mô hình kết hợp cá - lúa - cây ăn trái; dừa - bưởi - cá - bông súng; chanh - cá - bông súng... hay mô hình trồng rau nhà lưới, trồng nấm rơm trong nhà kín… Bây giờ, việc sản xuất nông nghiệp cũng dễ dàng hơn do hạ tầng thủy lợi được đầu tư phát triển khá hoàn chỉnh với 63 trạm bơm (58 trạm bơm điện, 5 trạm bơm dầu) với công suất từ 600 đến 9.600m3/giờ, đảm bảo tưới tiêu trên 7.063ha.

Ước mơ phủ xanh vùng đất phèn trũng

Vùng đất Ngã Năm là vùng phèn trũng nên việc chọn cây, con gì để phát triển là một bài toán không hề dễ giải. Anh Nhật chia sẻ: “Việc bố trí cây trồng, vật nuôi phải phù hợp với vùng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua tìm hiểu, thì tôi cùng cán bộ ngành hướng dẫn bà con nên chọn giống lúa chịu phèn, mặn kết hợp với nuôi cá. Hình thành vùng chuyên canh một loại cây, loại con và hướng tới nâng cao giá trị nông sản”.

Cũng theo anh chia sẻ, trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc quy hoạch tại Ngã Năm không thuận lợi, vì việc chọn phát triển loại cây trồng, vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu đạt năng suất, được giá thành và mang tính bền vững. Hiện nay, địa phương đang nhân rộng mô hình trồng cây mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo vùng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương là trà mãng cầu, nước ép trái mãng cầu… hướng tới nâng cao giá trị nông sản.

Theo chân anh xuống nhà hộ dân, thấy mọi người vui khi anh đến. Họ dẫn anh ra thăm mô hình trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Bên trong hàng rào lưới là những luống bắp xanh tốt, đan xen là ao trồng bông súng và nuôi cá. Sắp tới, họ sẽ bổ sung trồng thêm cây dừa ta lùn trên mảnh đất này. Ngồi nhấm nháp ly trà, cùng hộ dân bàn chuyện lấy giống cây dừa ở đâu và khó khăn của hộ dân thực hiện mô hình này, chỗ nào hộ dân không hiểu anh nói chậm, giải thích rõ hơn. Anh cũng hướng dẫn người dân việc sử dụng phân hữu cơ để cây trồng phát triển tốt và hướng tới sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Mọi người ai cũng chăm chú lắng nghe anh nói và vững lòng tin mô hình sẽ thành công.

Với sự đồng hành của ngành nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân có bước chuyển đáng kể. Hiện nay, tại Ngã Năm đã hình thành vùng chuyên canh cây mãng cầu ở xã Vĩnh Quới, trồng dừa ở nhiều xã, chanh không hạt ở Long Bình, Mỹ Bình… Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn, hình thành vùng chăn nuôi tập trung như nuôi gà ở Tân Long; nuôi trâu, bò ở Mỹ Bình, Mỹ Quới; nuôi heo ở Vĩnh Quới, Long Bình…

Là người tâm huyết với công việc, Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật luôn năng đi cơ sở để nắm chắc tình hình sản xuất nông nghiệp của hộ dân để tìm cách tháo gỡ khó khăn và có đề xuất, kiến nghị kịp thời với lãnh đạo để giúp người dân có được vụ mùa bội thu, góp phần tô điểm bức tranh vùng nông thôn Ngã Năm với nhiều gam màu sáng, xanh tươi.

Ngọc Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: