• Thi đua - Khen thưởng

Sóc Trăng huy động nhiều nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

01/03/2021 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 01/03/2021 | 06:01

STO - Trong 5 năm qua, từ việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư và triển khai nhiều chương trình, dự án về giảm nghèo, Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững.

Huy động nhiều nguồn lực cho giảm nghèo

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các đối tượng… hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo và các sở, ngành đã tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo tại các địa phương, cơ sở để phát hiện những sai sót, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn cũng như tháo gỡ các khó khăn của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; các văn bản liên quan của chương trình, dự án về giảm nghèo đến tận cơ sở bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, nhất là mở được khá nhiều lớp tập huấn về chính sách, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo.

Để tập trung nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, trong giai đoạn 2016 - 2021, nguồn lực đầu tư cho chương trình đã được nâng lên rõ rệt, với kinh phí triển khai thực hiện là 478.579 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 334.293 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 143.286 triệu đồng.

Ngoài các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo, tỉnh luôn quan tâm và tập trung huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng cơ nhỡ, già yếu; trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết mai táng phí, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng…

Mô hình nuôi bò hiệu quả được Nhà nước hỗ trợ cho hộ Khmer nghèo ở xã Tuân Tức (Thạnh Trị). Ảnh: CHÍ BẢO

Để có đủ nguồn lực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình phân công cơ quan, cán bộ, đảng viên và vận động doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo; hỗ trợ công cụ, phương tiện, giống, vốn và hướng dẫn cách thức làm ăn, giúp hộ nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Đồng chí Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, với đặc điểm là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do đó trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ Trung ương để triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu, nêu cao quyết tâm chính trị, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội đã đề ra. Nhờ đó, diện mạo nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc không ngừng đổi mới.

Bà Quách Thanh Vân - Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có nguồn lực để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tổng nguồn vốn đến nay là 3.805.405 triệu đồng, tăng 974.321 triệu đồng (tăng 25,6%) so với năm 2015. Tổng doanh số cho vay (giai đoạn 2016 - 2020) đạt 3.588.673 triệu đồng với 164.668 lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.568.814 triệu đồng với 195.099 khách hàng còn dư nợ, tăng 940.322 triệu đồng (tăng 26,35%) so với năm 2015”.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Có thể nói, trong 5 năm qua, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực. Nếu đầu năm 2016, qua kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 57.814 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,89%, trong đó hộ nghèo đồng bào Khmer chiếm 26,90%, thì đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8.617 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,66%, trong đó hộ đồng bào Khmer giảm còn 4.140 hộ, chiếm tỷ lệ 4,13%. Qua đó hàng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer là trên 4,5%/năm.

Đến xã Tuân Tức, một trong những xã có đông đồng bào Khmer của huyện Thạnh Trị, cảm nhận được sự đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Là địa phương có đến 69% đồng bào Khmer, trước đây, tình hình kinh tế - xã hội của xã còn rất khó khăn, nhưng trong những năm trở lại đây nhờ được đầu tư, hỗ trợ theo Chương trình 135 và các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi.

Ông Lý Quýt, ở ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức phấn khởi cho biết: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất vất vả, không đất sản xuất, lại đông con. Tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống và vay vốn 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nuôi bò mà tôi có tiền để xây dựng nhà mới”.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 29 xã đặc biệt khó khăn và 158 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 46 xã khu vực II; có 14 xã được công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Qua các năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có 7 xã khu vực 3 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 3 xã được công nhận hoàn thành Chương trình 135), 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng số lượng xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 50 xã.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh cơ bản thực hiện đạt các mục tiêu thuộc nội dung chương trình về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo về bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu khác chưa đạt theo kế hoạch đề ra như: hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo có hố xí hợp vệ sinh còn thấp (chiếm tỷ lệ 55,2%)… Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tổ chức xây dựng nội dung và thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: