• Thi đua - Khen thưởng

Tấm lòng cô nuôi Lê Thị Hồng Giao

15/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 15/11/2018 | 06:00

STO - Gặp chị Lê Thị Hồng Giao - Phó trưởng Phòng Chăm sóc, Giáo dục (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) khi bắt đầu một ngày mới bằng công việc thường nhật của các cô nuôi. Vừa nhẹ nhàng đút từng muỗng cháo thơm lừng cho cụ bà trong bữa ăn sáng, chị vừa chào khách bằng nụ cười hiền. Xong xuôi đâu đấy lại hỏi thăm các cụ khác về tình hình sức khỏe khi thời tiết thay đổi.

Năm 1995, chị bắt đầu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh công tác khi gần 30 tuổi, được phân công phụ trách qua các công việc như phục vụ trẻ em, cấp dưỡng, quản lý chăm sóc người cao tuổi và đến năm 2013 được đề bạt làm Phó trưởng Phòng Chăm sóc, Giáo dục. “Lúc đó cũng nhiều bỡ ngỡ, không quen vì phải chăm sóc rất nhiều đối tượng khác nhau, mỗi người mỗi tính, mỗi độ tuổi, mỗi đặc điểm, mỗi đối tượng có nỗi niềm riêng nên mình rất khó khăn khi tiếp cận và chăm sóc, nhưng dần dần cùng với mọi người mình cũng tiếp cận được công việc. Cái chính là phải kiên trì, nhẹ nhàng, phải xem họ như người thân thì họ mới tin mình và làm tốt công việc được giao”- chị Hồng Giao chia sẻ.

Cô nuôi Lê Thị Hồng Giao luôn chăm sóc các đối tượng bảo trợ tận tình.

Cùng với tập thể đơn vị, chị Hồng Giao làm hết trách nhiệm của người cán bộ làm công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các cảnh đời cơ nhỡ, trong đó có các đối tượng người già, trẻ em mồ côi, người tàn tật, tâm thần để mọi người đều xem nơi đây là ngôi nhà chung của mình, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

Với chị, mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc 19 giờ với các công việc giống như chăm sóc một gia đình nhưng có điều đây là đại gia đình nên công việc không lúc nào ngơi tay. Từ việc tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân, đút thức ăn cho các cô chú già yếu, trẻ em tàn tật, đối tượng tâm thần không thể tự thực hiện được, cũng như hỗ trợ các sinh hoạt hàng ngày.

Tuy vậy, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên khi cô nuôi chăm sóc, hỗ trợ cũng phải khác nhau, tùy vào từng đối tượng để mọi người cảm thấy tin tưởng vào các cô nuôi, người chăm sóc, nuôi dưỡng, từ đó chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống không gia đình, không người thân, qua đó xem trung tâm là gia đình, mọi người ở đây là những người thân thuộc. Tạo không khí gia đình ấm áp và giúp mọi người không còn mặc cảm tự ti, vươn lên trong cuộc sống. “Phải có tâm, đặt mình vào hoàn cảnh của mọi người để hiểu, thông cảm, giúp đỡ các đối tượng” - chị Giao bộc bạch.

Có những lúc, các cụ lớn tuổi hay những đối tượng khác trở bệnh khi trái gió trở trời mà không có người thân bên cạnh, chị lại là người thân nhất, túc trực cả đêm để chăm sóc, lo lắng đến khi bình phục. Có khi chăm sóc, dỗ dành cho những trẻ mồ côi như những người mẹ hiền. Hay có những khi các đối tượng tâm thần không kiềm chế được các hành động, lời nói, phá phách trong cơn mê loạn, chị phải rất nhẹ nhàng như người mẹ, người chị, chuyên nghiệp như người thầy thuốc để giúp họ trở lại với cuộc sống thực tại.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Văn Bé cho biết: “Cô nuôi Lê Thị Hồng Giao luôn chăm sóc các đối tượng bảo trợ tận tình, tâm huyết với công việc, không ngại khó, ngại khổ. Chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho các đối tượng sống tại trung tâm. Luôn hòa đồng, gần gũi với mọi người trong đơn vị. Cô đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho các thành tích đạt được trong quá trình công tác”.

DNT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: