• Thi đua - Khen thưởng

Thu tiền tỉ từ mô hình nuôi tôm công nghiệp

07/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Ba, 07/11/2017 | 06:00

STO - Với 10ha nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, chú Đặng Văn Khởi ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề) đã thu về hàng tỉ đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Với cách làm ăn hiệu quả, nên nhiều năm liền chú Khởi là gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Thời gian qua, đời sống của người dân ở khu vực ven biển thuộc các xã bãi ngang trên địa bàn huyện Trần Đề nói chung và xã Trung Bình nói riêng chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó, nuôi tôm quảng canh là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng bất thường, nên đã xuất hiện nhiều dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, nhưng với sự quyết tâm, kiên trì vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, chú Đặng Văn Khởi đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Đưa chúng tôi đi tham quan những vuông tôm sắp đến ngày thu hoạch, chú Khởi vui vẻ cho biết: “Trước đây, vùng đất này là cánh đồng năn bạt ngàn, nước mặn xâm nhập nên không làm lúa được. Sau giải phóng, được Nhà nước đầu tư con đê ngăn mặn cùng với sự góp công, góp sức của người dân và chủ trương của huyện giải phóng cánh đồng năn nên người dân địa phương được chia ruộng đất trồng lúa, nhưng thấy không hiệu quả nên mọi người chuyển dần sang nuôi tôm. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 13 vuông tôm thẻ chân trắng, với diện tích 10ha”.

Chú Đặng Văn Khởi (ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, Trần Đề) bên những vuông tôm sắp thu hoạch.

Cũng theo chú Khởi, khi mới bắt tay vào nuôi tôm do đất đai còn mới nên nuôi tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Dần về sau này, do đất nuôi đã thoái hóa nên năng suất thấp. Vì vậy, chú chuyển toàn bộ diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua quá trình nuôi 1 năm/2 vụ, chú nhận thấy năng suất con tôm thẻ cao hơn hẳn nuôi tôm sú, lại dễ tiêu thụ và thời gian nuôi ngắn, khoảng 90 ngày là thu hoạch.

Những năm gần đây, do thời tiết khắc nghiệt, nếu nuôi tôm theo phương pháp truyền thống thì rủi ro rất cao, hơn nữa thị trường tiêu thụ ngày càng khó tính. Từ suy nghĩ đó, chú Khởi đã chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, đặc biệt thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP do hội nông dân các cấp phối hợp tổ chức. Chú cũng không ngại khó khăn tìm kiếm cách làm hay, sáng tạo qua báo, đài và các mô hình tiên tiến để tích lũy kiến thức kinh nghiệm qua những buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, chú Đặng Văn Khởi chân tình bộc bạch: “Nếu áp dụng nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP sẽ mang lại lợi nhuận tương đối cao, đặc biệt chất lượng con tôm an toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính như hiện nay. Ngoài ra, nuôi theo hướng này đất ao nuôi sẽ không bị thoái hóa, chi phí nuôi thấp, tôm nuôi sẽ mau lớn, sức đề kháng cũng tốt hơn, năng suất, chất lượng tôm nuôi tăng cao, từ đó mà con tôm bán được giá và lợi nhuận cao”.

Cùng với việc tuân thủ những khuyến cáo của ngành chức năng và áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách vào thả nuôi tôm nên hiệu quả kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, với diện tích nuôi như trên, mỗi năm chú thu hoạch từ 60 tấn - 70 tấn tôm thẻ chân trắng, nếu giá bán ổn định thì chú Khởi cũng thu về hàng tỉ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chú Khởi, nuôi tôm không phải là dễ, nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay. Con giống chính là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại. Vì vậy, phải chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có thương hiệu đáng tin cậy. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật là vấn đề quan trọng nhằm tránh được rủi ro khi nuôi tôm. Ngoài làm kinh tế giỏi, chú Khởi còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và nhiệt tình hướng dẫn bà con địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế. Đặc biệt là chú cũng tích cực tham gia tuyên truyền để nâng cao ý thức cho bà con trong việc bảo vệ môi trường trong nuôi tôm an toàn, bền vững.

Gia đình chú còn tạo việc làm thường xuyên cho 34 lao động tại địa phương; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 25 hộ; giúp đỡ 11 hộ thoát nghèo có việc làm và thu nhập ổn định. Mô hình nuôi tôm của chú Khởi cũng được bà con địa phương đến tham khảo, học tập và được nhân rộng. Bản thân chú luôn làm tốt công tác từ thiện xã hội ở địa phương, như: đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân, vì người nghèo và các loại quỹ khác do địa phương phát động với số tiền trên 40 triệu đồng/năm.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền, chú Khởi đều đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp và đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt trong năm 2017, chú Đặng Văn Khởi là 1 trong 5 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh được tham dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V tại thủ đô Hà Nội.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: