• Thi đua - Khen thưởng

Từ nạn nhân trở thành tuyên truyền viên phòng, chống bạo lực gia đình

27/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 27/11/2017 | 06:00

STO - Đó là câu chuyện về cuộc đời của cô Nguyễn Thị Lượm - tuyên truyền viên phòng, chống bạo lực gia đình của ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên).

Cô Lượm sinh năm 1966, quê gốc ở Nam Định. Bằng chất giọng của một người con đất Bắc sống nhiều năm ở miền Nam, cô Lượm kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của đời mình. Có lúc, đôi mắt ấy rơm rớm nước mắt nhưng cũng có lúc, câu chuyện lại không kém phần hài hước (dù mọi chuyện đã qua hơn 1/4 thế kỷ). 

Ở tuổi 21, cô quyết định lập gia đình với một người đàn ông thành đạt. Hai người đã yêu nhau nhiều năm trước khi đi đến hôn nhân. Sau ba tháng lập gia đình, cô Lượm lần đầu bị chồng đánh và bắt đầu giai đoạn buồn khổ của cuộc đời.

Cô Lượm tâm sự: “Lúc quen nhau thì người ta không lộ ra tính xấu đâu. Cưới về rồi mới ngỡ ngàng. Chồng trước của cô có tính hay ghen. Nhiều điều vô lý và buồn cười lắm, mình vô tình cười hay thậm chí chỉ cần đi cạnh người đàn ông khác là về đến nhà liền bị chồng đánh. Nhiều khi bỗng dưng y về nhà lôi mình ra đánh mà mình cũng không biết lý do. Phần lớn phụ nữ khi bị chồng đánh đều là cam chịu, cố gắng giấu giếm, không để cho bà con dòng họ, chòm xóm biết kẻo xấu mặt. Có lúc vừa đánh mình xong, có khách đến nhà là nhanh chóng thay đổi sắc mặt, xởi lởi với khách, bảo mình đi pha trà mời cứ như gia đình hạnh phúc lắm”. 

Nghe những người xung quanh bảo rằng, đàn ông ghen là vì yêu và chỉ cần có con thì sẽ bớt ghen lại. Cô Lượm cũng nhanh chóng mang thai, nhưng 2 lần cô Lượm sinh con thì chẳng được bao lâu, tình trạng bạo lực gia đình lại tái diễn. Chịu đựng mối quan hệ hôn nhân đó được 5 năm, không thể tiếp tục được nữa nên cô Lượm viết đơn ly dị. Ngày ra tòa, cô chỉ giành quyền nuôi con mà không đòi hỏi bất cứ thứ tài sản nào. Sau ly hôn, một mình cô nuôi con cho đến năm 1997 mới gặp gỡ, quen biết và tái hôn với người chồng hiện tại. Cùng chồng đến Sóc Trăng lập nghiệp, gia đình cô Lượm mua được 10 công đất. Rồi từ đấy, hai vợ chồng tích lũy và sang thêm đất, đến nay đã được hơn 100 công. Người chồng hiện nay rất thông cảm với hoàn cảnh của cô nên luôn cố gắng mang đến hạnh phúc cho cô. 

Lúc đến sống tại ấp Phú Giao, cô Lượm nhận thấy tình trạng bạo lực gia đình diễn ra khá nhiều. Nhưng vì là người nơi khác đến, nên thời gian đầu cô còn e ngại. Năm 1998, cô mới “bén duyên” với công tác phòng, chống bạo lực gia đình khi chứng kiến một chị gần nhà uống thuốc tự tử do bị chồng bạo hành. Cô Lượm đi theo chăm sóc chị này trong thời gian điều trị và cố gắng khuyên can, hòa giải. Sau khi chị này đã bình phục, vợ chồng đã bình tâm.

Cô Lượm tâm sự: “Nhìn thấy hoàn cảnh chị em như vậy, tôi lại nhớ đến hoàn cảnh của tôi ngày trước nên ra tay giúp đỡ. Lúc đầu, chồng tôi cũng không đồng ý đâu. Anh cũng thường rầy tôi “ăn cơm nhà, lo chuyện hàng xóm”. Nhưng dần rồi anh ấy cũng hiểu và chấp nhận, ủng hộ việc tôi làm. Bây giờ, thấy ở đâu có bạo lực gia đình là anh ấy về nói cho tôi biết. Cứ có thông tin là tôi lại “mò” đến ngay”.

Cũng từ đó, gia đình cô Lượm trở thành địa chỉ tin cậy của các chị em phụ nữ trong ấp mỗi khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Có những cô bé, cậu bé 4 - 5 tuổi của ngày nào chạy sang nhà cô Lượm nhờ giúp đỡ khi cha đánh mẹ mình, giờ cũng đã ở vào tuổi đôi mươi, trưởng thành và lập gia đình. 

Phần lớn các trường hợp xảy ra bạo lực gia đình khi cô Lượm đến hòa giải thì đối tượng gây ra bạo lực cũng chịu lắng nghe. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp ngoại lệ. Cô Lượm kể lại, có lần, có một chị bị bạo lực gia đình đã chạy đến nhà cô thì anh chồng gõ cửa xin vào nhà, vừa gặp vợ đã vung tay định đánh. Cô Lượm nhanh chóng đẩy anh chồng ra, sập cửa lại và bảo muốn gì thì nói chuyện với cô chứ không được hành xử như vậy vì đây là nhà cô. Có trường hợp khác anh chồng đến nhà cô lăm lăm cục đá trong tay rồi đi qua đi lại trước nhà. Thấy vậy cô Lượm mới hỏi anh ấy tìm ai. Anh chồng trả lời biết vợ mình đang trong nhà cô Lượm. Cô đáp ngay, biết vợ đang ở nhà cô thì đâu có đi đâu làm chuyện bậy bạ mà phải tìm… Vậy mới thấy rằng công tác phòng, chống bạo lực gia đình có thể nói là một công tác khó khăn và cũng không kém phần nguy hiểm. 

Không chỉ giúp đỡ các gia đình lúc cấp bách khi xảy ra bạo lực gia đình, cô Lượm còn quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và chia sẻ, cũng như tìm các giải pháp để giải quyết vấn đề. Qua nỗ lực của cô Lượm và các đoàn thể địa phương, tình trạng bạo lực gia đình tại ấp Phú Giao đã giảm rất đáng kể.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Quới Nguyễn Thị Thủy nhận xét: “Trước nay, cô Lượm luôn là địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình. Phần lớn các trường hợp cô hòa giải đều không xảy ra tình trạng tái diễn về bạo lực gia đình. Có thể nói, những năm qua, ấp Phú Giao gần như không xảy ra bạo lực gia đình, chỉ thỉnh thoảng có một vài vụ mâu thuẫn nhỏ, cự cãi chút rồi thôi”. 

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: