• Thi đua - Khen thưởng

Vững bước đi lên bằng vết chân tròn

21/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 21/08/2017 | 06:00

STO - Đón khách bằng nụ cười thật tươi, đôi chân tuy khập khiễng nhưng khá nhanh nhẹn nên chẳng mấy chốc chúng tôi đã có bình trà nóng nhâm nhi, đó là hình ảnh của ông Nguyễn Văn Quới (Ấp 14, xã Vĩnh Lợi), người cựu chiến binh đã cống hiến một phần thân thể khi sang giúp nước bạn Campuchia.

Trong ký ức của người lính tuổi 52, ấn tượng về những ngày tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia không bao giờ phai nhạt. Hai năm làm nghĩa vụ quốc tế là hành trình đầy ắp nghĩa tình. Ông Quới nhớ lại: “Tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 330, Quân khu 9 năm 1984. Có trải nghiệm thực tế tôi mới thấy sự hy sinh lớn lao của những người làm nhiệm vụ quốc tế. Chúng tôi sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn khi thiếu mặc, đói ăn, đối mặt với hiểm nguy. Lúc ấy, hợp tan, ly biệt đau lòng đến mức nước mắt chảy ngược mà chẳng ai nản chí, sờn lòng”. 

Dù chỉ còn một chân lành lặn, ông Nguyễn Văn Quới vẫn vươn lên làm giàu. 

Khoảng thời gian này, ông Quới tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, có khi nghỉ ngơi, quần áo chưa khô lại phải đi tiếp. Theo lời ông, vùng Bát Đom Boong có rất nhiều suối và nước chảy mạnh, lực lượng Pôn Pốt thông thạo địa hình, dùng tre kết bè tận dụng dòng nước để đưa quân vào những nơi hiểm yếu. Ông nhớ nhất là lúc đánh chiếm và giải phóng được một phần của Bát Đom Boong, người dân tản cư lại quay về với lao động thường ngày, tích cực tăng sản xuất, chiều chiều ra suối tắm giặt, cuộc sống thật yên bình và gần gũi. Đến năm 1986, sau trận đánh trả lại lực lượng Pôn Pốt, ông bị thương, vĩnh viễn mất đi một chân và xuất ngũ. 

Ngày trở về, ông bước đi trên con đường đất quen thuộc, nhìn lại sau lưng là vết chân tròn, tuy có chút tủi thân nhưng niềm hãnh diện vì đã tròn nhiệm vụ với Tổ quốc nhiều hơn. Bằng ý chí được rèn luyện ở chiến trường, ông Quới càng quyết tâm phấn đấu hơn. Dần dần, ông cũng quen với sinh hoạt thường ngày trên đôi chân khập khiễng. Từ sự siêng năng, chịu khó, ông Quới được cô hàng xóm phải lòng. Năm 1989, một đám cưới nhỏ nhưng ấm áp diễn ra, sau đó gia đình lại đón thêm thành viên mới, hạnh phúc càng được nhân đôi. Ông Quới chia sẻ: “Giai đoạn năm 1990, phụ cấp thương binh hạng 2/4 và các khoản thu nhập khác cũng chỉ có thể lo cho vợ con cái ăn, cái mặc, không thể giúp chúng ăn học đến nơi, đến chốn. Đây là một trong những nỗi day dứt của bậc làm cha, làm mẹ. Biết mình không bằng ai, tôi phải làm gấp 5, gấp 10 người khác, mong có cơ hội vươn lên”. Vợ chồng đồng lòng “cày sâu, cuốc bẫm” trên 3 công ruộng được hai bên gia đình cho lúc ra riêng, tận dụng mùa nước nổi cắm câu, giăng lưới, thả nò để tăng thu nhập.

Thấy sức mình ngày càng không khỏe, ông suy nghĩ đến việc nhẹ nhàng hơn. Khoảng năm 2000, ông bàn với vợ tận dụng trồng màu và duy trì cho đến nay. Mùa nào thì trồng cây đó, mỗi tháng cho thu nhập 5 - 6 triệu đồng, riêng dịp lễ, tết lợi nhuận rất cao. Hiện tại mô hình màu của ông ngày càng thành công, lúc nào trước nhà cũng có rau xanh, sạch với các loại: đậu bắp, cải xanh, rau thơm, rau muống, mướp, dưa leo…Việc trồng lúa cũng được ông chịu khó học hỏi kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất nên cho năng suất, chất lượng cao. Với khả năng tính toán để tiết kiệm tối đa chi phí, gia đình ông Quới là một trong những hộ khá trong ấp với mức lợi nhuận hàng năm hơn 100 triệu đồng.  

Không chỉ là một thương binh cần cù trong lao động, ông còn là chi hội trưởng hội cựu chiến binh hết lòng vì hội viên. Tuy không có điều kiện giúp đỡ về vốn nhưng ông luôn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, huy động vốn xoay vòng giúp hội viên nghèo có điều kiện phát triển mô hình kinh tế. Đồng chí Nguyễn Văn Hào - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Lợi nhận xét: “Với sự kiên cường của người lính, dù khó khăn, thiếu thốn ông Quới vẫn không đầu hàng số phận, phấn đấu vươn lên làm tấm gương cho con cháu. Nhờ sự tâm huyết của mình, ông không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đưa Chi hội Cựu chiến binh Ấp 14 không còn hội viên nghèo, luôn được xếp loại xuất sắc”.

Vẫn bước thấp, bước cao quen thuộc, ông đưa chúng tôi đi vòng quanh cơ ngơi, đó là căn nhà trị giá hơn 300 triệu đồng, mái ấm thân thương để con cháu quây quần sau ngày lao động. Phía sau nhà ruộng lúa mênh mông, cá dưới ao đớp mồi đầy mặt nước, phía trước là những luống rau xanh mướt mắt. Ông tươi cười vẫy tay chào rồi nhanh nhẹn bước xuống nhổ thêm mớ rau để vợ kịp bán buổi chợ sáng mai.

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: