• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

10 năm thực hiện Quy chế dân chủ theo lời Bác Hồ dạy

16/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 16/03/2018 | 06:00

STO - Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được Quốc hội thông qua vào năm 2007 với những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, góp phần khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc thực hiện dân chủ cơ sở. Người nói: “Dân chủ có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ”. Để nhân dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với tư cách là người chủ thực sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn vì nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Người từng dặn dò: “Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết” và “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Công khai, minh bạch theo Pháp lệnh số 34.

Từ lời dạy của Bác Hồ và nhận thức được tầm quan trọng của dân chủ, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn vào năm 2007. Pháp lệnh quy định rõ những nội dung cần công khai cho dân biết, những nội dung nhân dân bàn, quyết định hoặc tham gia góp ý trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, những nội dung nhân dân giám sát… Đây là một trong những khâu quan trọng góp phần phát huy nội lực, động viên sự đóng góp của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Qua 10 năm, việc thực hiện dân chủ càng thấm sâu trong đời sống xã hội, tạo ra bầu không khí dân chủ và huy động được sức dân thực hiện nhiều công trình phúc lợi xã hội. Cụ thể, huyện Trần Đề huy động nhân dân tham gia đóng góp 357 công trình với tổng số tiền 356 tỉ đồng, gồm các công trình nạo vét kênh thủy lợi, cống thoát nước, cầu nông thôn.

Huyện Châu Thành tổ chức đưa ra họp 396 cuộc để dân tham dự, bàn bạc và trực tiếp quyết định việc thực hiện 146 công trình như thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, hiến đất… với tổng trị giá trên 100 tỉ đồng. Huyện Mỹ Xuyên tổ chức 3.884 cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân đối với 231 công trình nông thôn mới với tổng số tiền đầu tư trên 505 tỉ đồng.

Thông qua việc thực hiện dân chủ, huyện Long Phú huy động vốn trong nhân dân được gần 182 tỉ đồng đóng góp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng TX. Vĩnh Châu đã công khai, xét chọn đối tượng để xây dựng được 3.314 căn nhà tình nghĩa, tình thương và để dân bàn, quyết định trực tiếp việc thực hiện 236 công trình cầu, đường, nạo vét thủy lợi nội đồng...

Người dân được tham gia cho ý kiến những phần việc mà địa phương sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của tỉnh, qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34 cho thấy hình thức công khai tại một số địa phương còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thông qua phương tiện truyền thanh của xã, chưa chú trọng hình thức tuyên truyền miệng (trong khi hình thức này được các địa phương đánh giá là mang lại hiệu quả nhất); hoặc có thực hiện, nhưng chưa đảm bảo thông tin hai chiều, nội dung, kế hoạch công khai chưa cụ thể. Đồng thời, ban chỉ đạo một số nơi hoạt động còn hạn chế; việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; việc công khai những nội dung cho dân biết đôi lúc chưa đạt yêu cầu; một số dự án triển khai trên địa bàn chậm thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống và gây bức xúc trong nhân dân.

Theo nhận định của đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trên cơ sở lời dạy của Bác Hồ và nội dung Pháp lệnh số 34, trong 10 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt dân chủ cơ sở với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đạt được những kết quả tốt. Từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân trong lao động, sản xuất và đời sống. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm giải quyết. Đồng thời, đoàn kết, tập hợp nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước, nhất là thực hiện quyền giám sát để hạn chế quan liêu, tham nhũng, lãng phí. 

Để dân chủ cơ sở tiếp tục được phát huy, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện dân chủ bằng nhiều phương thức phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm việc thực hiện dân chủ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: