• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh với cán bộ y tế

11/05/2020 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 11/05/2020 | 08:00

STO - Dân tộc Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo” rất quý trọng người thầy. Từ “thầy” được sử dụng để gọi thầy giáo và thầy thuốc. Nhân dân đặt địa vị của người thầy dạy chữ ngang với cha, người thầy thuốc như mẹ. Thầy thuốc là người mẹ đẻ lần thứ hai cứu người bệnh thoát khỏi tử thần. Ở nước ta thời trước, thầy dạy chữ cũng thường là thầy thuốc. Các vị thầy đó thường là những người học rộng và hiểu biết nhiều. Khi thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, phần lớn các thầy nho vừa dạy chữ vừa chữa bệnh. Chữa bệnh về sức khỏe, chữa bệnh tinh thần và thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới ngành y tế và dành tình cảm sâu sắc tới đội ngũ người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo Người, ngành y tế trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng không trực tiếp làm ra lương thực, thực phẩm tươi sống, không trực tiếp cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc nhưng công việc của ngành y tế là một nhiệm vụ rất vẻ vang, nhân văn, đó chính là cứu người. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2-1955, Người nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang”.

Cán bộ y tế đến các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer để khám bệnh và cấp thuốc điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào Khmer. Ảnh: NGỌC HẢI

Khi đề cập đến việc xây dựng chế độ mới, Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân có đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc…”. “Ốm đau có thuốc” chính là nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người nhắc nhở rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Chủ nghĩa xã hội không thể xây dựng thành công nếu không có những con người khỏe mạnh, đủ sức lao động và cống hiến. Vì thế, Người rất chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và nêu cao vai trò trách nhiệm của ngành y tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người công tác trong lĩnh vực y tế cần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Theo Người, một trong những đức tính quan trọng của người thầy thuốc là phải có ý chí chịu khó, chịu khổ, đầy lòng bác ái hy sinh. Những đức tính cần thiết của người cán bộ y tế là: niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình, cẩn trọng, chu đáo, chăm sóc ân cần, tỉ mỉ khi dặn dò và trong những trường hợp khó khăn, nguy kịch thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh quên mình để làm tròn bổn phận cứu người.

Người thầy thuốc cần tránh những thói xấu như: cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giàu nghèo, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ, đố kị… Thầy thuốc phải luôn trau dồi tư tưởng đạo đức cách mạng của một cán bộ trong chế độ mới. Chế độ dân chủ yêu nước, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác. Cán bộ y tế luôn phải học tập, nghiên cứu để tiến bộ nhưng phải chú ý thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh đất nước. 

Trong những ngày bước qua năm mới, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức hoạt động văn nghệ mang âm nhạc đến bệnh viện và tặng quà tết, phiên chợ 0 đồng dành cho gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGỌC HẢI

Người còn căn dặn, người công tác trong lĩnh vực y tế chỉ có tâm, có đức thôi thì chưa đủ, bởi việc chữa bệnh là khoa học nên cán bộ y tế cần có chuyên môn giỏi. Theo Hồ Chí Minh, tài và đức là cặp quan hệ song hành, biện chứng với nhau. Người cán bộ y tế cần có tài và đức, để đội ngũ y tế ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Người yêu cầu người cán bộ y tế: Về chuyên môn, cần luôn luôn học tập nghiên cứu để tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh. “Về chính trị: cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ, yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”. 

Bác Hồ cũng yêu cầu, người làm trong ngành y tế luôn đề cao năng lực sáng tạo, cách làm mới, sáng kiến phù hợp với thực tiễn. Bất cứ lĩnh vực nào thì nghiên cứu sáng tạo luôn là bệ phóng cho những thành công mới. Đối với ngành y tế thì nghiên cứu, sáng tạo là rất cần thiết để tìm ra nhiều hơn nữa những phương pháp mới áp dụng vào công tác. Thực hiện sáng tạo không ngừng sẽ góp phần đưa ngành y tế Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ công tác trong ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo niềm tin đối với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân khi đến khám và điều trị bệnh. Ngoài ra, cán bộ y tế còn tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần đến các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer để khám bệnh và cấp thuốc điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào Khmer. Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã diễn ra chương trình văn nghệ mang âm nhạc đến bệnh viện với chủ đề "Vui xuân đón tết, trao hết yêu thương" và phiên chợ 0 đồng, phục vụ cho 300 bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mua sắm miễn phí các sản phẩm, thực phẩm cần thiết cho ngày tết. Cũng từ nguồn vận động, nhiều gia đình bệnh nhân đã nhận được những món quà tết ý nghĩa.

Cán bộ công tác trong ngành y tế là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: KGT

Bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thị Hoàng Yến – Trưởng Khoa Khám - Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh chia sẻ: “Ban đầu mong muốn vào ngành y để có thể chăm sóc sức khỏe những người thân trong gia đình tốt hơn. Nhưng khi công tác trong ngành y thì gửi lại con cái cho gia đình chăm sóc, công việc của chúng tôi không có thời gian nghỉ cố định, trực đêm là chuyện bình thường. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe bệnh nhân là quan trọng nhất, khi thấy bệnh nhân vượt qua nguy hiểm, chúng tôi xem đó là thành quả của sự cố gắng của mình”.

Có thể nói, Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu rất toàn diện đối với người làm công tác y tế. Cùng với tâm đức trong sáng, năng lực chuyên môn vững vàng, người thầy thuốc sẽ phải góp phần quan trọng trong sự nghiệp cao cả là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Và trong cuộc đấu tranh chống dịch bệnh, cụ thể là dịch bệnh Covid-19, lực lượng trong ngành y tế đã góp phần quan trọng đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Lưu Diễm Trang

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: