• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chị Lý Thị Sà Quyên: Học Bác - vượt khó khăn, thử thách để vươn lên

05/06/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 05/06/2017 | 06:00

STO - Học tập đức tính tiết kiệm, không nản lòng trước khó khăn, hăng say trong lao động của Bác Hồ, chị Lý Thị Sà Quyên không ngừng phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Hiện tại, chị là nhóm trưởng nhóm phụ nữ tiết kiệm ấp An Trạch, xã An Hiệp (Châu Thành) với 14 thành viên, đa số là đồng bào Khmer. Chị là người tiên phong trong việc hướng dẫn các thành viên trong tổ chuyển đổi mô hình kinh tế, giúp gia đình các chị em có mức sống từ trung bình khá trở lên. 

Trước đây ở nông thôn, phụ nữ đều lấy chồng sớm, chị cũng không ngoại lệ. Tuổi đôi mươi, lập gia đình, cả hai bên nội, ngoại đều nghèo, chị nghĩ rằng tương lai mình chắc cũng chẳng khá hơn nên cứ an phận làm dâu, chưa có ý chí làm giàu. Năm 2003, vợ chồng ở riêng, gánh nặng chén cơm, manh áo, thương các con đang ngày một lớn lên trong thiếu thốn thôi thúc chị phải mạnh mẽ hơn trong cuộc sống mưu sinh. Lúc đó, ở An Trạch mua bán bắp được xem là nghề dễ làm, thay vì đi làm thuê, chị tập tành mua bán bắp, chồng chạy xe ôm. 

Chị Sà Quyên sử dụng máy vi tính để học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả. 

Theo chị Sà Quyên, sau thời gian tích góp, chị mua được 2 công đất ruộng, sửa lại căn nhà lành lặn hơn. Năm 2007, chị vào Chi hội Phụ nữ ấp An Trạch, năm 2008 được chọn làm nhóm trưởng nhóm phụ nữ tiết kiệm. Chị Sà Quyên chia sẻ: “Mỗi thành viên trong nhóm hàng tháng góp 100.000 đồng, các chị sẽ vay xoay vòng với lãi suất rất thấp. Sau này, nhóm được Hội LHPN tỉnh ưu tiên hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo, mức thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng. Tôi có trách nhiệm giữ tiền từ thành viên trả mỗi tháng và giao về trên, không gây thất thoát”.

Thấy chị em trong nhóm với nghề mua bán bắp truyền thống không mang lại hiệu quả cao, chị tìm hiểu thêm các ngành nghề khác, bàn với các thành viên chuyển sang buôn bán trái cây. Mỗi ngày, chị cùng chồng đến các vườn thu mua trái cây và phân phối lại cho các chị trong nhóm và một số mối ở chợ An Hiệp, mức thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Chị Sà Quyên bộc bạch: “Mùa trái nào thì thu mua trái đó, nhiều nhất là miệt Kế Sách, Long Phú. Đối với chị em trong nhóm, tôi để lại giá rẻ hơn, khi họ bán hết mới lấy tiền. Một số chị bán tại nhà, một số thì chở trên xe đạp bán ở trạm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 1A hoặc ở chợ. Thấy đây là hướng đi đúng nên tôi được Hội LHPN xã, huyện và các chị em ủng hộ”.

Việc quản lý nhóm cũng không hề đơn giản, có người xin vào vay tiền xong rồi bỏ xứ đi, các thành viên phải chia nhau trả, đương nhiên với vai trò là người đứng đầu chị nhận trách nhiệm phần nhiều. Chính vì sự thẳng thắn, nhiệt tình, chị ngày càng nhận được sự yêu mến của mọi người.

Căn nhà lát gạch men sáng bóng với đầy đủ tiện nghi, đặc biệt chiếc tivi hiện đại kết nối internet đặt ở trung tâm phòng khách là nơi quây quần của cả gia đình vào mỗi tối. Để có cơ ngơi này là cả một quá trình lao động miệt mài, có lúc thất bại tưởng chừng không thể vượt qua của chị.

Chị Quyên kể: “Có khoảng thời gian gia đình khó khăn đến mức không có gạo nấu cơm, đứa con trai lớn định bỏ học nhưng tôi nhất quyết không cho. Có người quen rủ lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân nhưng tôi từ chối vì sợ ảnh hưởng việc học các con. Đời chúng tôi vất vả vì thất học thì đâu thể nào để thế hệ tương lai chịu cảnh giống mình”.

Học vấn mà theo cách nói vui của chị là mới xong trường làng. Biết chữ nghĩa không bằng ai, những lúc rảnh rỗi chị kêu con trai đang học lớp 10 dạy thêm. Đặc biệt, chị còn biết sử dụng máy vi tính để xem tin tức, những mô hình kinh tế hiệu quả, những tấm gương vượt khó để vươn lên.

Chị Sà Quyên chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất của tôi là khi vào tổ chức hội được học hỏi nhiều thứ, nhất là được tuyên truyền, hướng dẫn làm theo gương Bác. Tôi thường hay lên mạng xem những câu chuyện kể về Bác, mỗi câu chuyện đều để lại một bài học sâu sắc về sự tiết kiệm, lòng thương người, quý trọng thời gian hay tinh thần vượt khó”.

Chị hào hứng mở máy tính cho chúng tôi xem “kho tư liệu” về Bác với nhiều hình ảnh, bài viết được chị cẩn thận lưu lại. Theo chị Quyên, những tư liệu này được dùng để tuyên truyền cho các thành viên vào dịp họp định kỳ. Chị là một trong những điển hình được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giờ đây, chị không còn lam lũ mỗi ngày với công việc bán rong, chồng chị cũng không còn vất vả với nghề chạy xe ôm lúc mưa dầm, nắng gắt. Niềm vui của chị là không ngừng phấn đấu cùng các thành viên trong nhóm phát triển kinh tế gia đình, ngày càng “ăn nên làm ra”, con cái đủ điều kiện đến trường, gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Chị Sà Quyên chân thành chia sẻ: “Tôi cho rằng, xã hội ngày càng phát triển nên mình đừng bằng lòng với hiện tại, cần không ngừng phấn đấu để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi cũng tự hứa sẽ tích cực hơn nữa trong việc rèn luyện theo gương Bác Hồ để xứng đáng với vai trò là nhóm trưởng, với lòng tin yêu của mọi người”. 

Ngọc Diễm

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: