• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học Bác về lòng vị tha đối với những người “lầm đường lạc lối”

30/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 30/08/2019 | 06:00

STO - ​Chủ tịch Hồ Chí Minh cả một cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột. Người là biểu tượng sáng ngời về lòng nhân ái, vị tha mà mỗi chúng ta tự hào suốt đời học tập và noi theo. Lòng khoan dung, nhân ái của Người dành cho tất cả mọi thành phần từ già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược… kể cả những người “lầm đường lạc lối”.

Từ trong tư tưởng, quan điểm, cho đến cách sống, cách nói, cách viết, Hồ Chí Minh luôn giáo dục cán bộ, đảng viên về tấm lòng vị tha, nhân ái, vì mọi người. Bác căn dặn: người cách mạng là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng. Với Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm sao ích quốc lợi dân. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn đau khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, “suốt đời, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tạo điều kiện để người nghiện ma túy sau khi cai nghiện có thể làm lại cuộc đời. Ảnh: Đ.H

Bác Hồ yêu thương công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ, phụ lão, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, các chiến sĩ ngoài mặt trận, “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng. Lấy lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn”. Bác quan tâm ân cần đối với những đau thương, mất mát của những người vợ, người mẹ, người chị có chồng con hy sinh. Đối với thiếu niên nhi đồng, Bác đã dành muôn vàn tình thương yêu cho các cháu. Những ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu hay ngày khai trường hoặc mỗi khi các cháu làm được việc tốt, Bác thường có thư khen ngợi, tặng quà. Đó là những giá trị tư tưởng, đạo đức cao cả thấm đậm tính nhân đạo và nhân văn.

Bác còn thể hiện tấm lòng nhân ái vị tha, khoan dung, nhân hậu đối với những người lầm đường lạc lối. Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác. Nhưng thế này thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”. Có thể thấy, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhưng rất đỗi chân phương, bình dị ai cũng có thể học tập và có thể làm theo để hoàn thiện mình và trở thành người tốt, hướng tới “chân, thiện, mỹ”.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng luôn chung lòng chung sức, vượt qua mọi gian khổ, cùng với cả nước đấu tranh quyết giành lấy độc lập dân tộc, từng bước xây dựng quê hương phát triển, đem lại hạnh phúc ấm no cho mọi nhà. Tuy nhiên, điều trăn trở của các cấp ủy, chính quyền là thời gian qua, vẫn còn không ít những trường hợp “lầm đường lạc lối” gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, phải vướng vào cảnh tù tội. Hay tình trạng buôn bán, sử dụng chất kích thích vẫn còn xảy ra, gây bất an cho nhiều gia đình và toàn xã hội. Dù vậy, thời gian qua, bên cạnh những biện pháp răn đe, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tỉnh còn thực hiện những chính sách đầy tính nhân văn, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỡ được hoàn lương. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có gần 1.400 người tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án tù trở về địa phương và con số người nghiện ma túy trong diện quản lý cũng trên 200. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương hết sức quan tâm vấn đề tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy. Với mục đích cuối cùng là giáo dục, cải tạo họ thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội.

Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 – 2025”. Đây là công tác có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất nhân đạo tốt đẹp của xã hội ta, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng ngừa tái phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để làm chuyển biến cơ bản nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa về công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, cải tạo và giúp đỡ người đang chấp hành án, người đang cai nghiện ma túy; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất tái phạm tội, vi phạm pháp luật và tái nghiện. Đồng thời, thực hiện đảm bảo đúng, đầy đủ các quy định về cơ chế, chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm đối với họ; chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giải quyết việc làm, quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, hỗ trợ 50% người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy cư trú trên địa bàn tỉnh có việc làm phù hợp; 100% phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, người đang cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được giáo dục, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, được định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cũng như trợ giúp, tư vấn về tâm lý và các biện pháp hỗ trợ cần thiết khác để tái hòa nhập cộng đồng.

Với những giải pháp thiết thực đó, nhiều trường hợp sau chấp hành án tù, sau cai nghiện ma túy trở về địa phương đã thật sự hoàn lương. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, đoàn thể cùng với ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, họ đã thực sự vượt qua mọi cám dỗ, lôi kéo và quyết tâm trở thành người có ích. Anh H.N.T ở TP. Sóc Trăng đã từng có thời gian sa vào con đường nghiện ngập. Sau khi ở trại cai nghiện trở về, anh mới thấy trước đây mình đã để tuổi xuân trôi qua một cách vô nghĩa. Vì vậy, anh luôn nỗ lực làm việc, tránh xa những lôi kéo, cám dỗ của bạn bè xung quanh. May mắn hơn, anh còn có người phụ nữ đồng cảm, thấu hiểu và chấp nhận cùng anh xây dựng mái ấm gia đình. Đó chính là động lực lớn lao để anh nỗ lực phấn đấu. Sau khi được xem xét hỗ trợ vay vốn dành cho người hoàn lương tiến bộ, cùng với sự giúp đỡ của người thân, anh T. tập trung phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi cá. Tuy chưa phải là giàu có nhưng thu nhập cũng đủ để lo cho cuộc sống gia đình. Với anh như vậy thật sự là niềm hạnh phúc vì mình đã chiến thắng bản thân, chiến thắng trước những cám dỗ mà nhiều người rất khó vượt qua.

Có thể nói, bài học về lòng yêu thương, vị tha của Bác vẫn luôn nguyên vẹn đối với mỗi chúng ta, nhất là sự khoan dung, giúp đỡ đối với những người lầm đường, lạc lối. Sự cảm hóa sẽ dần giúp cho mỗi người cảm nhận cuộc sống xung quanh mình luôn tốt đẹp và hướng đến “chân, thiện, mỹ”, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh trật tự.

Mai Khôi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: