• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Làm theo gương Bác, tỏa ngát hương xuân

19/01/2017 23:20 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 23:20

STO - Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ tỉnh đến cơ sở đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu “làm theo” gương Bác từ những việc làm nhỏ nhất nhưng hết sức thiết thực, hiệu quả và nhận được sự đánh giá cao từ các cấp ủy đảng, chính quyền cùng cộng đồng. Đó là những bông hoa ngát hương trong vườn hoa xuân dâng Bác, đã và đang làm đẹp cho đời...

Trường THCS Tôn Đức Thắng: VIẾT TIẾP NHỮNG ƯỚC MƠ

Vào những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường THCS Tôn Đức Thắng (TP. Sóc Trăng), ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với trên 85% học sinh Khmer và phần lớn gia đình các em đều rất khó khăn. Thế nhưng, những đôi chân nhỏ nhắn ấy chưa bao giờ chùn bước và ngày ngày vẫn bước tiếp đến trường, vẫn vô tư nô đùa dưới ánh ban mai ấm áp, bởi vì bên cạnh các em luôn có thầy cô, bạn bè đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các em được viết tiếp những ước mơ trong tương lai.

Tiếp sức cho học sinh đến trường từ những hạt gạo yêu thương.

Ôm túi gạo trong tay, em Lâm Đang - học sinh lớp 6/2, nở nụ cười thật tươi rồi nhanh miệng khoe: “Hôm nay, con được thầy giáo tặng gạo, con rất vui. Chiều nay tan học, con sẽ mang về để mẹ nấu cơm cho cả nhà ăn”. Lời tâm sự hết sức mộc mạc của Đang làm chúng tôi đỏ hoe cả mắt vì thương em và vui mừng trước sự san sẻ, hỗ trợ thiết thực của nhà trường đối với các hoàn cảnh khó khăn. Việc làm đầy ý nghĩa đó được Ban Giám hiệu nhà trường bắt đầu thực hiện từ năm học 2012 - 2013, với tên gọi “Hũ gạo tình thương - Tiếp sức đến trường”. Khéo léo đổ những hạt gạo cuối cùng vào hũ gạo tình thương đặt trên bàn trong tiết chào cờ đầu tuần, thầy Thái Lợi - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Tôn Đức Thắng giục các thầy cô nhanh tay để phần gạo của mình vào, dành thời gian cho các em học sinh lên quyên góp những túi gạo mang sẵn từ nhà vào trước sự chứng kiến của thầy cô và bạn bè. Cứ như thế, các em thay nhau đặt các túi gạo lớn, nhỏ đủ loại lên bàn.

Nâng niu túi gạo trên tay, em Huỳnh Thị Phụng Kiều - học sinh lớp 8/1, hồn nhiên chia sẻ: “Trong trường có rất nhiều bạn nghèo, gia đình thiếu đủ thứ hết, con thương bạn lắm nên thứ hai hàng tuần con đều xin mẹ ít gạo bỏ vào bọc nilông, đem vô trường để tặng các bạn, con hy vọng san sẻ một phần khó khăn để các bạn không phải bỏ học giữa chừng”. Còn cô Trần Thị Kim Oanh, dạy môn công nghệ cũng không nén được xúc động khi nói về hoàn cảnh những học trò nhỏ của mình: “Trước đây, tôi dạy ở Phường 6, khi ấy lớp tôi chủ nhiệm chỉ có vài em khó khăn thôi, nhưng từ khi về trường này công tác tôi mới biết hết gia cảnh của các em. Vì vậy, ngoài đóng góp gạo, tôi còn vận động người thân, bạn bè tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập giúp các em tự tin, vững bước đến trường”. Từ suy nghĩ đến hành động thực tế của thầy trò Trường THCS Tôn Đức Thắng cho thấy, phong trào tiếp sức đến trường đã và đang tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa rộng rãi không chỉ trong khuôn khổ nhà trường.

Đưa chúng tôi tham quan quanh trường, vừa đi thầy Thái Lợi vừa chia sẻ hoàn cảnh ra đời của mô hình Hũ gạo tình thương - Tiếp sức đến trường: “Lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục. Người cũng chỉ rõ: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”. Nếu vì nhà nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc mà học sinh phải nghỉ học thì chúng ta chưa làm tốt lời Bác dạy. Chính vì vậy, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường đã bàn bạc, thống nhất xây dựng mô hình học tập và làm theo Bác để đoàn kết thầy cô, học sinh, chính quyền và xã hội chung tay tiếp sức cho các em đến trường. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rõ qua từng năm, số học sinh khá, giỏi ngày càng tăng cao. Tính đến nay, mô hình hũ gạo tình thương của trường đã được hơn 5 năm học và số gạo mà thầy cô, học sinh và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ năm sau cao hơn năm trước”.

Cũng theo thầy Thái Lợi, ngoài hỗ trợ gạo hàng tháng cho 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số gạo quyên góp trong năm học sẽ được nhà trường trao tận tay các em học sinh nghèo, mỗi em 10kg gạo nhân các dịp khai giảng năm học mới, Ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ tổng kết năm học, Tết Nguyên đán, Tết Chôl Chnăm Thmây và lễ Sen Đôn Ta của đồng bào Khmer, với tổng số gạo trên 3 tấn mỗi năm học. Bên cạnh đó, nhà trường còn vận động quần áo, mì gói, tập học... hỗ trợ kịp thời cho các em, giúp các em yên tâm cắp sách đến trường.

Cùng thầy hiệu trưởng dạo quanh sân trường dưới những hàng cây xanh tỏa mát; những nụ mai đang chớm nở chào xuân mới, thầm nghĩ với việc làm đầy ý nghĩa này của các thầy trò Trường THCS Tôn Đức Thắng, những ước mơ của các em học trò nhỏ đang ấp ủ sẽ được đơm hoa, kết trái, vươn đến những mùa xuân tươi đẹp.

Ông Từ Đức Thành - ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành): NGƯỜI NỐI NHỊP MÙA XUÂN

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp tết, chúng tôi tìm đến nhà ông Từ Đức Thành như lời hẹn trước. Dáng vẻ hiền lành, ông bước vào nhà trong bộ quần áo dính đầy nước sơn, phân bua: “Tết tới rồi, tôi tranh thủ xây thêm mấy cây cầu ở ấp Phước Phong, Phước Bình, Phước Hòa để mùa xuân đến với bà con nơi đây thêm ý nghĩa, vui tươi”.

Bằng giọng nói hiền hòa, ông Thành kể lại: “Năm 1984, cây cầu bằng bêtông mà tôi vận động được làm trên kênh Cây Me ở ấp Phước An, xã Phú Tân. Lúc đó, vất vả nhất là khâu mua vật liệu, phải vận chuyển từ TP. Sóc Trăng về bằng phương tiện thô sơ. Vậy mà cây cầu đầu tiên cũng hoàn thành trong sự hân hoan, phấn khởi của mọi người”. Ông kể rằng, trước đây Phú Tân là xã nghèo với tỷ lệ đồng bào Khmer cao. Đường đất, cầu khỉ rất nhiều, bà con đi lại vô cùng vất vả. Trăn trở cùng những khó khăn của quê hương, ông quyết định góp sức bằng việc vận động xây cầu dù gia đình ông cũng chẳng khá hơn ai. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã vận động xây dựng hơn 50 cây cầu bêtông với chiều dài mỗi cây cầu từ 25m đến 45m, trị giá từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Tất cả đều do ông tự tay thiết kế và huy động nhân lực tại địa phương góp công, góp sức, thời gian làm của mỗi cây cầu lâu nhất chỉ mất khoảng 7 ngày.

Chỉ là nông dân “tay lấm, chân bùn”, nhưng ông Từ Đức Thành đã sớm nhận thức cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để vận dụng vào cuộc sống, dù chỉ là công việc nhỏ. Ông cho biết, rất thích đọc sách kể về Bác, trong đó có câu chuyện kể lúc Bác đến thăm một hợp tác xã của một tỉnh miền Bắc và nói “Chúng ta làm ruộng, muốn lúa tốt, thu hoạch nhiều, phải hiểu thế nào là “một nước, hai phân, ba cần, bốn giống”. Phải có đủ mạ tốt và cấy đúng thời vụ, phải chăm sóc cây lúa từ lúc còn là cây mạ đến lúc thu hoạch, bón đủ phân và có đủ nước, thường xuyên chống sâu, chuột”.

Suy nghĩ đến lời khuyên của Bác, ông chăm chỉ học tập và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tham gia cánh đồng mẫu, trồng giống lúa có chất lượng, làm đúng thời vụ theo khuyến cáo nên đạt năng suất ngày càng cao. Giờ đây, cuộc sống không phải là giàu nhưng khá ổn định, ông bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho niềm “mong ước” của mình. Ông nói vui: “Có những cây cầu làm đến công đoạn cuối cùng lại thiếu vật tư, thế là tôi phải bù thêm, may mà vợ con hiểu nên hết lòng ủng hộ. Những việc làm trên đều xuất phát từ tấm lòng chân thật, như câu nói của Bác Hồ “Điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm, điều gì có hại cho dân thì hết sức tránh” mà tôi được học qua sách, báo”.

Tết này, ông đã gần 60 tuổi nhưng hơn 30 năm qua, ông đã mang đến cho bà con nơi đây niềm vui trọn vẹn vì “qua sông không phải lụy đò”. Những cây cầu hoàn thành trước tết càng có ý nghĩa hơn vì đã kết nối niềm vui mùa xuân, gắn kết tình làng nghĩa xóm, mang đến niềm tin yêu vào cuộc sống. Đưa chúng tôi ra xem thành quả lao động của mình, nhìn những chiếc xe của bà con chở đầy thực phẩm chuẩn bị cho ngày tết nối tiếp nhau chạy qua cầu, ông Thành cười mãn nguyện. Giữa mênh mông đất trời, êm đềm con nước chảy, chúng tôi cảm nhận được không khí mùa xuân bình yên, đầm ấm như chính cuộc đời người nông dân dành hơn nửa đời người cho hành trình kết nối đôi bờ mùa xuân.

Ông Hà Văn Giới - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Thuận, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên): CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHẢI LUÔN LÀ CÔNG BỘC CỦA DÂN

Đó phương châm làm việc của ông Hà Văn Giới - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Thuận. 49 tuổi đời, hơn 15 năm công tác ở địa phương nhưng chưa bao giờ lòng nhiệt huyết trong ông vơi đi, hàng ngày vẫn miệt mài, tận tụy với công việc. Đặc biệt, từ khi được học tập ở Bác, ông nỗ lực gấp trăm lần để làm người công bộc tốt của nhân dân.

Bí thư Chi bộ Hà Văn Giới không chỉ là đảng viên người công giáo được tín nhiệm bầu chọn là người lãnh đạo cao nhất của ấp mà còn được bà con công giáo cử làm Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Phú Thuận. Dẫn chúng tôi trên con đường nhỏ được phủ lớp đá 4 x 6 rộng chừng 0,6m, anh Vương Văn Hiên, cho hay: “Toàn bộ tuyến đường này đều do người dân tình nguyện đóng góp. Tuy xã Thạnh Phú được Nhà nước đầu tư nhiều công trình lớn nhưng do người dân sống theo thói quen “đất đâu thì nhà ở đó” nên địa bàn có rất nhiều tuyến nhánh chưa được bêtông hóa, việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Thấy bà con đi lại quá vất vả do sình lầy, chú Hà Văn Giới ra sức vận động bà con góp tiền mua đá làm đường. Nhờ chú tuyên truyền, thuyết phục, bà con thấy được lợi ích nên ủng hộ nhiệt tình, nhờ đó hơn 2 năm nay việc học hành của con em người dân trong xóm Kinh Nhất cũng thuận tiện, dễ dàng hơn so với trước nhiều”. Cũng theo anh Hiên, ông Giới không chỉ là người có uy tín tại địa phương mà còn là tấm gương sáng về đạo đức, chịu thương chịu khó phát triển kinh tế gia đình để bà con trong ấp học tập noi theo.

Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi tìm đến nhà văn hóa ấp để gặp ông Giới. Mời khách ly nước, miệng nở nụ cười hiền hòa, ông Giới chia sẻ: “Nhà văn hóa này cũng do người dân hiến đất xây dựng. Ở vùng quê này, bà con mình rộng lượng lắm, hễ vận động làm gì có ích cho dân, cho nước là ủng hộ ngay”. Câu nói đùa của ông Giới quả không sai nhưng để có thành quả đó, ông là người trực tiếp đóng góp rất nhiều công sức và tất cả việc làm đó xuất phát từ tấm lòng của người cán bộ nguyện suốt đời làm những việc tốt cho dân. Nhâm nhi tách trà nóng, ông từ tốn thố lộ: Sinh thời Bác Hồ từng dạy “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì nguy hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Mình là cán bộ thì phải làm “công bộc của dân”.

Biến suy nghĩ thành hành động, khắp đường làng, ngõ xóm không có nơi nào mà không ghi lại dấu chân ông, dù nắng hay mưa, công việc cần là ông có và việc gì có lợi cho dân là ông không câu nệ. Thấy bà con ở các khu dân cư đi lại khó khăn, ông chủ động họp bàn các đoàn thể ấp để cùng nhau vận động bà con đổ đá làm đường. Thấy các cháu học sinh đi học qua cầu khỉ gập ghềnh, nguy hiểm, ông lại trăn trở tìm nguồn xây cầu qua kênh xáng, với số tiền gần 100 triệu đồng. Giá trị 3km đường đổ đá với 2 cây cầu bêtông tuy không nhiều nhưng đã đáp ứng một phần mong mỏi của người dân, qua đó thấy được ông đã đi sâu, đi sát và nắm được tâm tư, nguyện vọng và bức xúc trong dân để đáp ứng, việc mà không phải Bí thư Chi bộ ấp nào cũng làm được.

Tuy nhiên, công việc vận động không hề đơn giản chút nào, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Để vận động người dân tuân thủ quy hoạch phát triển sản xuất 1 vụ lúa 1 vụ tôm của địa phương, bản thân ông đi đầu trong thực hiện, tuyên truyền theo hướng nêu gương điển hình tiêu biểu, đồng thời chỉ ra được thiệt hại lâu dài khi làm 2 vụ tôm liên tiếp, những nghiên cứu khoa học chứng minh tính bền vững khi sản xuất xen canh tôm, lúa... Hiện mô hình tôm - lúa ở ấp phát triển bền vững và đạt trên 90% diện tích, đời sống người dân nâng cao rõ nét, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của ấp Phú Thuận giảm còn 5,5%, ấp giữ vững danh hiệu ấp văn hóa nhiều năm liền, chi bộ năm nào cũng được công nhận “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Riêng bản thân ông cũng được chính quyền các cấp khen thưởng, biểu dương nhưng phần thưởng mà ông tự hào nhất đó chính là sự tin yêu, quý mến của bà con dành cho mình.

Chia tay ra về nhưng chúng tôi vẫn không quên những dự định tâm huyết của ông trong huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới, để góp phần cùng huyện Mỹ Xuyên thành huyện nông thôn mới của tỉnh. Với lòng nhiệt huyết, năng động, chúng tôi tin rằng mong ước của ông Giới sớm thành hiện thực, để mỗi mùa trên quê hương Phú Thuận đều xuân, mùa của niềm vui và no ấm.

H.LAN - NGỌC DIỄM - MỸ LINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: