• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI CUỘC THI VIẾT "TUỔI TRẺ VIỆT NAM HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"

Từ trái tim nghị lực đến trái tim nhân ái

03/10/2017 17:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/10/2017 | 17:00

STO - “Sắp tới, Tuyền sẽ cố gắng tập trung vào việc học và vẫn tiếp nối các công việc hiện tại của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuyền mong muốn sẽ được một chuyến về làm công tác từ thiện tại vùng quê Long Đức thân yêu”. Đó là ước mơ của Trương Thị Thanh Tuyền, một cô gái giàu nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn và có những hoài bảo giúp người, giúp đời.

Nói về tư tưởng, đạo đức và phong cách sống thì Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta là một tấm gương vĩ đại và trong sáng nhất. Cả cuộc đời Bác đã dành trọn cho dân, cho nước. Người ra đi đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt đối với thế hệ thanh niên, Bác đã gửi gắm những lời dạy chân thành và sâu sắc nhất. Đó là ngọn hải đăng soi sáng cho mỗi hành động, mỗi bước đi của thanh niên Việt Nam trên con đường dài phía trước. Những lời Bác dạy, chúng cháu sẽ không bao giờ quên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Từ khi nhận được thông tin về cuộc thi viết với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi cảm thấy vừa vui mừng lại vừa có đôi chút trăn trở. Vui mừng vì đây là một cơ hội để tôi tìm hiểu, học tập về tư tưởng, đạo đức lớn của Bác. Trăn trở vì lời văn của tôi còn hạn hẹp, khô khan, sợ rằng chưa đủ sức thuyết phục để cuốn hút người đọc vào câu chuyện về một tấm gương mà tôi sắp kể ngay sau đây, đó là một người bạn trẻ xứng đáng là gương điển hình cho đoàn viên, thanh niên Việt Nam về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Tuyền đen” là tên gọi thân quen, dí dỏm mà cả lớp tôi đặt cho cô bạn này khi còn là học sinh Trường THPT Đại Ngãi (Long Phú). Còn tên thật của cô là Trương Thị Thanh Tuyền, sinh ra tại một vùng quê nghèo ở ấp Thạnh Đức, xã Long Đức (Long Phú). Tuyền là cô bé xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cha thì làm vườn trên một mảnh đất nhỏ do ông bà để lại, mẹ thì không thể lao động được do mắc nhiều loại bệnh: Tiểu đường, thận, cao huyết áp. Thu nhập của chị hai và anh ba đi làm thuê không bao nhiêu, riêng chị tư và Tuyền còn đi học. Vừa đi học Tuyền vừa lo liệu việc nhà, tiêu xài tiết kiệm để chị tư được học tập đầy đủ hơn.

Mỗi ngày đi học về, nhìn thấy mẹ mệt mỏi chống chọi với bệnh tật, lòng Tuyền đau như cắt, vì cô lo sợ cái ngày khủng khiếp ấy sẽ đến, cái ngày mà mẹ cô vĩnh viễn ra đi. Nỗi đau đớn đó chính là động lực giúp Tuyền nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ để cứu lấy người mẹ thân yêu của mình và chữa khỏi bệnh cho thật nhiều bà con nghèo. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước đối với cô học trò tội nghiệp khi vào thời điểm thi tốt nghiệp lớp 12 năm học 2008 - 2009 thì bệnh tình của mẹ Tuyền đột nhiên trở nặng. Thấy cha vất vả chạy tiền thang thuốc cho mẹ, còn sức mẹ thì đang yếu dần, Tuyền quyết tâm hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp rồi đành gác lại ước mơ vào đại học để ở nhà chăm sóc cho mẹ già. Thế nhưng, ở một vùng quê làm gì để có tiền? Nếu không có tiền, bệnh của mẹ làm sao chữa khỏi? Bằng cách nào để giúp chị tư tiếp tục đi học?... Rất nhiều câu hỏi quẩn quanh trong đầu vì cái nghèo cứ đeo bám gia đình mình, Tuyền nghẹn ngào quyết định xa quê lên Cần Thơ làm thêm để gửi tiền về nuôi cha mẹ và lo cho người chị tiếp tục vào đại học. Tâm sự với tôi, Tuyền nói: “Mình đã không có cơ hội thực hiện ước mơ thì nhất định không để chị đánh mất cơ hội đó thêm lần nữa!”.

Vậy mà đau khổ vẫn tiếp tục ập xuống thân cô gái ấy khi nghe tin người mẹ thân yêu của mình qua đời vào cuối năm 2009. Vì đi làm xa nhà nên cô không kịp nhìn thấy mặt mẹ lần cuối. Đau thương đè nặng lên đôi vai, đứng trước bàn thờ của mẹ, lòng cô như chết lặng. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, “Tuyền đen” đã nhanh chóng lau khô nước mắt, tự nhủ với bản thân không được chùn bước, phải mạnh mẽ vượt qua, làm việc, học tập và sống tốt để mẹ được “yên lòng”. Với ý nguyện giúp đời, giúp người, bằng một ý chí mãnh liệt, lần thứ hai cô quyết định cất bước ra đi tìm việc làm để biến ước mơ làm bác sĩ trở thành sự thật.

Sau một năm làm thêm vất vả, Tuyền tích góp tiền học lớp sơ cấp y vào năm 2010. Con đường thực hiện hoài bão đã dần mở ra với cuộc đời cô gái. Năm 2013, Tuyền tốt nghiệp ngành y sĩ đa khoa. Trải qua biết bao nhọc nhằn nhưng với nghị lực phi thường và trái tim nhân ái dành cho những mảnh đời nghèo khổ. Từ năm 2013 đến năm 2015, Tuyền tạm ngưng việc học và tham gia công tác tại Phòng Khám bệnh từ thiện TP. Cần Thơ. Mỗi ngày, phòng khám nơi Tuyền làm đều rất đông bà con đến khám bệnh và xin thuốc, có khi Tuyền phải nhịn cả cơm trưa để giải quyết công việc, nhưng gương mặt cô gái thì vẫn luôn tươi cười.

Trong quá trình làm việc tại phòng khám từ thiện, Tuyền tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng đồng nghiệp mình ở một số nơi khác như: Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang… Do công việc khá bận rộn nên hình ảnh lưu lại trong các lần hoạt động từ thiện không nhiều, một số hình ảnh minh họa trong bài viết này tôi thu thập và xin trực tiếp từ Tuyền. Lúc đầu khi ngỏ ý xin hình, Tuyền cũng ngại cho vì cảm thấy việc mình làm còn quá bé nhỏ so với nhiều bạn khác nhưng khi nghe tôi nói nếu bài viết này được đón nhận thì sẽ có nhiều người ủng hộ công việc của Tuyền hơn và mình có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, nghe nói đến đây Tuyền mới gật đầu đồng ý.

Ngoài ra, Tuyền còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như hiến máu nhân đạo, vận động quyên góp quỹ giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, phát quà cho các em học sinh nghèo vùng sâu vùng xa, phát cơm và gạo, bánh cho những bệnh nhân nghèo, tặng xe lăn cho người tàn tật...

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng Tuyền vẫn luôn nung nấu ý định học tập cao hơn để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Nói đến đây tôi thật sự xúc động trước một cô gái chỉ mới vào cái tuổi 27 nhưng giàu nghị lực, suốt nhiều năm học tập và làm việc vất vả, vẫn nghèo khó bữa no bữa đói, nhưng mục đích lớn nhất mà cô hướng tới không phải là kiếm nhiều tiền mà để làm giàu thêm tri thức cho bản thân, có thêm cơ hội để khám chữa bệnh miễn phí cho nhiều người, có thêm nhiều nguồn quỹ để giúp đỡ cho những mảnh đời nghèo khổ. Với niềm mơ ước đó, năm 2015, Tuyền thi đỗ vào Đại học liên thông bác sĩ đa khoa và hiện là sinh viên năm thứ hai.

Để có thể đi học tiếp, Tuyền phải tự trang trải mọi khoản chi tiêu, từ học phí cho đến tiền ăn, tiền ở, đi lại, sinh hoạt hằng ngày và gửi một phần về lo cho người cha đã ngoài 60 tuổi đang sống ở quê nhà một mình dõi mắt theo các con. Khi tôi hỏi với nhiều khoản chi phí như vậy làm sao Tuyền lo liệu được, Tuyền vui vẻ đáp: “Công việc ở phòng khám từ thiện là hoàn toàn không có lương, Tuyền phải làm thêm nhiều việc để kiếm sống như bán một số đồ dùng, quần áo trên mạng, bán trái cây, bán hoa tươi trong các dịp lễ… Ngoài ra, Tuyền còn phụ việc trong một phòng khám tư nhân, lương mỗi tháng cũng được một triệu rưỡi Út ơi!”. Mỗi lần về thăm nhà Tuyền rất vui, vách lá đơn sơ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Khi đi, Tuyền còn được cha hái chuối già ở quê chở lên Cần Thơ bán. Món quà quê giản đơn Tuyền mang theo như mang cả tình thương ngọt ngào của cha theo mình vậy.

Tâm sự về những kế hoạch trong thời gian tới, Tuyền điềm tĩnh kể: “Sắp tới, Tuyền sẽ cố gắng tập trung vào việc học và vẫn tiếp nối các công việc hiện tại của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuyền mong muốn sẽ được một chuyến về làm công tác từ thiện tại vùng quê Long Đức thân yêu”. Từ lòng yêu thương con người, hiếu thảo với cha mẹ, cùng một ý chí kiên định không nản lòng trước khó khăn cho đến việc dám hy sinh hạnh phúc của bản thân vì mọi người, với những phẩm chất đạo đức và hành động đó, Tuyền thật sự xứng đáng là gương của tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời dạy của Bác mà mỗi đoàn viên, thanh niên chúng ta cần phải trân trọng, cố gắng học hỏi và phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới.

Đến đây, câu chuyện về một trái tim nghị lực - trái tim nhân ái tôi xin phép tạm dừng lại nhưng có lẽ trang nhật ký về hoạt động thiện nguyện của cô gái trẻ Trương Thị Thanh Tuyền sẽ không bao giờ khép lại.

Riêng bản thân tôi luôn lấy người bạn này làm gương để tiếp tục phấn đấu trong công tác giáo dục và giảng dạy của mình. Những năm học qua, tôi luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong công tác và cuộc sống có lúc gặp khó khăn, vất vả, nhưng tôi luôn học cách không nản lòng, không sợ gian khó, cố gắng phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam để cống hiến sức mình cho đất nước. Đồng thời tuyên truyền, vận động bạn bè đồng nghiệp tích cực học tập làm theo lời Bác để là gương sáng cho các em học sinh nỗ lực rèn luyện. Tuy nằm ở một vùng quê xa xôi của tỉnh Sóc Trăng nhưng tập thể giáo viên và học sinh Trường THCS và THPT Hưng Lợi vẫn luôn cố gắng từng ngày, từng giờ để nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục của địa phương. Trong các năm học vừa qua, trường tôi đã tổ chức và tham gia một số hoạt động hướng về Bác.

Lục Thị Út (giáo viên Trường THCS Thạnh Trị)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: