• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

20/05/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/05/2020 | 13:30

STO - Huấn luyện cán bộ (HLCB) giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh, định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, những tư tưởng của Người về HLCB vẫn mang đậm ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần nghiêm túc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về HLCB có nội dung rất toàn diện, cụ thể và sâu sắc, song có thể khái quát ở những luận điểm cơ bản.

Vì sao phải HLCB. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, HLCB là công việc gốc của Đảng”. Để có đội ngũ cán bộ đông về số lượng, tốt về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đảng phải xây dựng một chiến lược cán bộ một cách khoa học; đầu tư trí tuệ, công sức và tiến hành HLCB một cách “công phu”, “chu đáo”, như người làm vườn chăm sóc những cây quý của mình. Người chỉ rõ: Đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo… là một việc thất bại cho Đảng.

Mục đích HLCB. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của HLCB là nhằm làm cho người học tiếp thu, bổ sung thêm những kiến thức mới, nâng cao tầm nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; rèn luyện phong cách làm việc tốt hơn. Sau khi được huấn luyện, người cán bộ có thể thực hành trong thực tiễn công tác, làm việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn. Vì vậy, việc huấn luyện phải gắn liền với nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế.

Ai huấn luyện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải ai cũng có thể làm công tác HLCB được. “Người huấn luyện đào tạo phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc” và “phải học thêm mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Với quan điểm đó, Hồ Chí Minh ví người huấn luyện như “máy cái” trong công nghiệp để sản xuất các “máy con”. Cái “máy cái” là quyết định tư tưởng, hành động, hiệu quả của các “máy con”; “máy cái” mất định hướng, lệch lạc tư tưởng sẽ làm cho các “máy con” rối loạn, xã hội rơi vào trạng thái “rơi tự do”. Người huấn luyện phải luôn luôn biết trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, khoa học và thực tiễn cho mình để thực sự trở thành những “máy cái” vận hành, định hướng vận động của xã hội theo quy luật nhất định.

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên đóng vai trò quan trọng. Ảnh: Ngọc Hải

Nội dung, phương châm, phương pháp HLCB. Về nội dung huấn luyện: Người yêu cầu phải hết sức thiết thực, “phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy”. Ngoài dạy lý luận, chuyên môn, còn phải dạy công tác, tức phải dạy chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Dạy, học lý luận Mác - Lênin phải biết liên hệ thực tế, thực hành lý luận, tránh nhồi nhét lý luận suông.

Về phương châm, phương pháp huấn luyện: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra hệ thống nguyên lý, phương châm, phương pháp HLCB như: “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”. “Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế”. “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu”. “Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng”. “Coi trọng nâng cao và hướng dẫn việc tự học”.

Với những luận điểm trên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ xuất sắc cho Đảng, cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân ta đạt được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác để chúng ta có được cuộc sống độc lập, tự do như hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về HLCB có nhiều giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mọi giai đoạn cách mạng. Việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những luận điểm của Người về HLCB là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Song, trong giới hạn bài viết này và xuất phát từ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, xin đề xuất một số nội dung trong thực hiện các khâu thuộc quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trước hết, xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Chất lượng giảng viên là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Chất lượng đó được thể hiện ở 3 khía cạnh: Đạt trình độ đào tạo theo chuẩn quy định cho mỗi chức danh giảng viên; sự đồng bộ các chuyên ngành được đào tạo của đội ngũ giảng viên phù họp với nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trường và đảm nhận giảng dạy các chương trình do trường thực hiện; sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong làm việc khoa học, có kỹ năng sư phạm. Nói cách khác, đã làm thầy thì phải có tâm, đủ tầm và trách nhiệm.

Mạnh dạn vận dụng nội dung và đổi mới phương pháp giảng dạy. Về nội dung chương trình: tuy nội dung chương trình các lớp đào tạo, bồi dưỡng (kể cả sự phân bổ thời gian cho từng khâu trong quy trình đào tạo) trong các trường được xem là phần “cứng” do cấp thẩm quyền quy định. Song, không nên cứng nhắc từng nội dung, từng khâu trong quy trình đào tạo khi thực hiện ở từng lớp với đối tượng học viên khác nhau; có thể tăng, giảm một nội dung hay ở khâu nào đó, nhưng không tùy tiện và phải bảo đảm tính khoa học, tính lý luận và tính thực tiễn.

Về phương pháp giảng dạy: Mỗi giảng viên phải làm chủ kiến thức chuyên môn, chuẩn bị kỹ bài giảng, có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng nắm bắt những vấn đề thời sự quốc tế, trong nước và địa phương để liên hệ làm sáng tỏ nội dung lý luận, định hướng nhận thức và khả năng ứng dụng cho người học. Giảng viên phải hiểu đối tượng mình dạy là ai, họ cần kiến thức gì, nên truyền đạt những nội dung gì là trọng tâm, với phương pháp, phương tiện gì là phù hợp. Hạn chế cách dạy truyền thống “thầy đọc, trò ghi”, áp dụng phổ biến các phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng các phương tiện công nghệ hiện đại vào quá trình giảng dạy nhằm giúp cho bài giảng sinh động, phát huy tối đa khả năng nhận thức, ghi nhớ, sáng tạo của người học.

Xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên nhất định phải học - đó vừa là trách nhiệm, vừa là một trong những yêu cầu bắt buộc để rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng và năng lực trí tuệ đủ sức hoàn thành trọng trách “là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Vì vậy, khi vào học, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trách nhiệm học tập, đào sâu suy nghĩ, gắn lý luận với thực tiễn và giải đáp những thắc mắc từ thực tiễn; phải tạo cho mình một thói quen học tập, một sự ham mê với những gì mình học được.

Thực tế có một bộ phận cán bộ, đảng viên “lười học tập lý luận chính trị”; một số cán bộ, đảng viên lại xem việc đi học lý luận chính trị chỉ để hoàn thiện tiêu chuẩn của ngạch, bậc, vị trí đang đảm nhận nhằm củng cố địa vị hiện có; một số khác, khi vào học nhưng không chịu khó học tập để bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà viện nhiều lý do có thể để vắng mặt… Suy cho cùng, những viện dẫn trên cho thấy động cơ học tập của họ chỉ mưu lợi cho cá nhân chứ không vì công việc hay tổ chức, nên việc học không thể có chất lượng, hiệu quả tốt.

Để khắc phục bệnh “lười học tập lý luận chính trị” và những nhận thức sai lệch trong học tập chính trị nói trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác tổ chức cán bộ, song, điều quan trọng nhất là người học phải thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích học tập của cán bộ, đảng viên để có thái độ, động cơ học tập đúng đắn theo phương châm: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”.

Sử dụng hiệu quả thời gian tự học, tự nghiên cứu của học viên. Tự học, tự nghiên cứu suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Chính Người là tấm gương sáng ngời về tự học và học tập suốt đời. Theo Người, tự học, tự nghiên cứu là một dạng lao động khoa học, không phụ thuộc về không gian, thời gian, do người học tự giác, độc lập tìm hiểu, phân tích một vấn đề lý luận hay thực tiễn đặt ra để tiến tới làm chủ tri thức. Chính việc tự học, tự nghiên cứu sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống. Qua đó, người học sẽ hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Nhưng, nếu người học thiếu sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự nghiêm túc bản thân thì sẽ không thể thực hiện được tự học, tự nghiên cứu.

Thời gian qua, cả nhà trường và học viên chưa quan tâm đúng mức, chưa coi trọng, thậm chí buông lỏng vấn đề này! Lịch học tập các môn học, phần học tuy có bố trí thời gian “tự nghiên cứu”, nhưng nghiên cứu gì, sản phẩm thu được là gì và đánh giá như thế nào về tự học, tự nghiên cứu của học viên… chưa đặt ra! Kết quả là bỏ phí thời gian này. Để việc tự học, tự nghiên cứu của học viên đạt kết quả tốt, nên chăng cần quan tâm: Ngoài việc bố trí thời gian hợp lý thì quan trọng hơn là phải xác định cụ thể nội dung tự học, tự nghiên cứu của học viên là gì, có gợi ý những vấn đề cần thu hoạch được; hướng dẫn học viên tự học, khai thác tài liệu. Học viên phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn, tích cực bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Phòng quản lý - đào tạo, chủ nhiệm lớp, ban cán sự lớp tăng cường kiểm tra việc tự học, tự nghiên cứu của học viên bằng các hình thức phù hợp.

Nâng cao chất lượng đánh giá kết quả học tập phù hợp với đối tượng học viên và loại hình mở lớp. Việc đánh giá kết quả học tập của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng hiện nay phổ biến là: bài kiểm tra; bài thu hoạch, bài thi tự luận hoặc bài tiểu luận cuối khóa. Song, dù bằng hình thức nào cũng phải đạt 3 yêu cầu: Đánh giá khả năng ghi nhớ kiến thức lý luận đã học; đánh giá khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề (tình huống) trong thực tiễn; đánh giá khả năng phân tích và tổng hợp kiến thức của học viên. Thời gian qua, việc đánh giá kết quả học tập của học viên chủ yếu mới dừng lại ở việc người học tái hiện lại kiến thức đã học và một phần có liên hệ hay vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn hay thực tế công tác, nhưng chất lượng đạt thấp so với yêu cầu đặt ra.

Để nâng cao chất lượng đánh giá kết quả học tập của học viên, thiết nghĩ cần làm tốt 3 việc: Nội dung đưa ra để đánh giá kết quả học tập phải rõ ràng, bảo đảm tính khoa học, tính lý luận và tính thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và trình độ của người học. Bản thân học viên phải có ý thức tự giác, tự thân vận động, độc lập, sáng tạo, trách nhiệm với sản phẩm của mình. Hoàn thành nhiệm vụ học tập cũng chính là hoàn thành nhiệm vụ được cấp ủy, cơ quan phân công. Giảng viên tham gia đánh giá kết quả học tập phải dựa trên định hướng đáp án được duyệt và phải trách nhiệm, khách quan, công tâm.

Tăng cường công tác quản lý dạy và học. Ban Giám hiệu tăng cường công tác thanh tra công tác đào tạo, bồi dưỡng ở tất cả các khâu trong quy trình đào tạo, nhất là khâu giảng bài, tự học, thảo luận, các lớp mở tại ngành, địa phương. Nhà trường phối hợp với các đơn vị cử cán bộ đi học để quản lý học viên bằng cách định kỳ giữa khóa học và khi kết thúc khóa học gửi phiếu thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan chủ quản học viên; đồng thời, đề nghị cơ quan, đơn vị này lấy kết quả học tập, rèn luyện của học viên làm một trong những tiêu chí bình xét thi đua, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm...

Kiên Trung

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: