• Huyện Châu Thành

Châu Thành – niềm tin nông thôn mới

14/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 14/02/2021 | 06:00

STO - Với quan điểm xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống, huyện Châu Thành đã thực hiện mô hình kinh tế theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ phù hợp tình hình sản xuất của địa phương. Đây được xem là một trong những định hướng xuyên suốt nhằm tạo được sự đồng lòng, quyết tâm, chung sức của người dân.

Đồng chí Ngô Thanh Toàn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Châu Thành cho biết, năm 2010, xã Phú Tân được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, năm 2011 huyện tiếp tục chọn xã Hồ Đắc Kiện thực hiện, sau đó đẩy mạnh thực hiện ở các xã còn lại. Ban chỉ đạo đã tập trung sắp xếp ưu tiên đầu tư, vận động phát huy sức mạnh của nhân dân đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các xã Phú Tân, Hồ Đắc Kiện, An Hiệp, An Ninh, Thiện Mỹ đã được công nhận đạt chuẩn; còn lại xã Thuận Hòa đạt 15 tiêu chí, xã Phú Tâm đạt 17 tiêu chí. Có thể nói, với những nỗ lực, hiện nay huyện Châu Thành đang trong tốp 5/10 huyện, thị xã, trên địa bàn tỉnh có số lượng đạt chuẩn nông thôn mới từ 5 xã trở lên (Mỹ Xuyên, Ngã Năm, Châu Thành, Trần Đề, Long Phú).

Những con đường hoa rực rỡ phần nào thấy được ý nghĩa sự đổi thay của nông thôn mới. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Châu Thành là tập trung tăng trưởng sản xuất thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mô hình sản xuất an toàn được quan tâm và thực hiện khá toàn diện, như mô hình lúa an toàn (tại các xã Phú Tâm, Phú Tân, An Hiệp, An Ninh, Thiện Mỹ); mô hình trồng táo an toàn trong nhà lưới (Thuận Hòa); mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới (ở các xã An Ninh, An Hiệp, Phú Tân, Thuận hòa, Hồ Đắc Kiện)…

Đặc biệt, UBND huyện Châu Thành đã thông qua đề cương Dự án Xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội triển vọng phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương thông qua quy trình sản xuất hiện đại. Đây là dự án lớn của huyện nằm trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chủ động thực hiện quy hoạch lại vùng sản xuất, phù hợp với lợi thế tự nhiên và theo nhu cầu của thị trường, giúp nông dân khắc phục những tồn tại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Dự án thay đổi chuyển dịch mùa vụ, từ 3 vụ lúa trong năm chỉ còn sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Quy mô cánh đồng sản xuất thông minh khoảng 300ha (chia ra các hợp tác xã, tổ hợp tác) với các dịch vụ liên kết về giá, tiêu thụ. Xây dựng giá trị sản xuất đạt 160 triệu đồng/ha/năm, tập trung sản xuất lúa đặc sản đạt tiêu chuẩn GAP, 2 vụ/năm đạt từ 90 triệu đồng đến 95 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất luân canh trồng màu các loại dưa hấu, bí đao, đậu bắp 1 vụ/năm đạt từ 50 triệu đồng đến 55 triệu đồng/ha. “Khi thực hiện mô hình nông nghiệp mang tính ứng dụng khoa học, công nghệ, người nông dân biết nhiều kỹ thuật hơn, chất lượng, tiêu chuẩn được kiểm định, vì thế sẽ tăng lợi thế cạnh tranh. Đây là điều mà người nông dân như chúng tôi cần nhất và đang được định hướng thực hiện” – ông Lâm Trường, ấp Phước An (Phú Tân) chia sẻ.

Hiện nay, Châu Thành tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện gắn với đô thị hóa và hiện đại hóa, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn kiểu mẫu. Huyện chú trọng triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (gồm bánh pía nhân đậu xanh, lạp xưởng mai quế lộ, thịt heo khô của Công ty TNHH Quãng Trân; sữa tươi tiệt trùng có đường, sữa tươi tiệt trùng ít đường, sữa tươi hương dâu của Công ty Cổ phần Sữa Evergrowth; sản phẩm nấm rơm đóng hộp, bắp non đóng hộp, hạt sen đường phèn của Công ty TNHH Tư Thao) và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (bánh phồng tôm của Công ty TNHH Quãng Trân và mì nui của cơ sở bún khô Thanh Đại).

Xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh, hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Hướng phát triển nông thôn mới của huyện còn gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái và bảo tồn văn hóa đồng bào Khmer. Đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ ở nông thôn. Điển hình là huyện đã thu hút đầu tư, đang thi công Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên gắn với chuỗi liên kết du lịch tại địa phương, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer, thưởng thức văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống của vùng đất, con người Sóc Trăng. Bà Triệu Thị Vui, người gắn bó với nghề vẽ tranh trên kiếng, đồng tình: “Tôi đang lo vẽ tranh trên kiếng sẽ bị mai một, nhưng tương lai phát triển thành làng nghề thì mở ra cơ hội giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước. Đồng thời, cái nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ cũng được duy trì”.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn tại huyện đã có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và dần nâng cao. Cụ thể, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng; hộ nghèo giảm 1,82%, trong đó hộ Khmer nghèo chiếm 1,96% (giảm hơn 10% so với năm 2015). Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới tại các xã. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Mần (xã Phú Tâm) hiến đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng; đại đức Thích Huệ Thuận - Trụ trì chùa Sơn Linh (xã Hồ Đắc Kiện) vận động xây dựng 1 tuyến đường giao thông nông thôn, vận động quà hỗ trợ cho người nghèo; ông Trần Văn Mi, ấp Châu Thành (xã An Ninh) vận động thực hiện 8 công trình lộ đal nông thôn...

Đồng chí Ngô Thanh Toàn cho biết, phương hướng tới, huyện xác định sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã An Hiệp, xã Hồ Đắc Kiện, xã Thiện Mỹ). Để thực hiện đạt mục tiêu, huyện xác định phải xây dựng lòng tin và củng cố sự đoàn kết, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu sâu sắc hơn chủ trương, ý nghĩa của sự đổi thay khi thực hiện thành công nông thôn mới.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: