• Huyện Cù Lao Dung

An Thạnh Tây trước ngày công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới

27/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 27/12/2018 | 06:00

STO - Có dịp đến An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) trong những ngày này khi địa phương đang chuẩn bị được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hầu hết mọi ngả đường và từng ngôi nhà đã được “thay màu áo mới”, người dân hăng hái lao động sản xuất phục vụ thị trường ngày tết; trẻ con tung tăng đến trường và dòng xe cộ cứ tấp nập vận chuyển hàng hóa ngược xuôi tạo nên không khí rộn ràng.

Tâm tình người dân xã đảo… 

Cần mẫn cuốc từng cuốc đất lên luống chuẩn bị gieo hạt cải xanh xen dưới vườn dừa đang độ phát triển xanh tốt, ông Đỗ Văn Nên, ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây tâm tình: “Mấy chục năm, bà con nông dân mình chỉ chuyên canh sản xuất cây mía. Mía đã trở thành cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của bà con. Bản thân tôi nghĩ ở cái xứ “ngăn sông cách chợ” phải lụy đò này chắc chắn chỉ có thể trồng được cây mía để thuận tiện cho việc bán buôn 1 lần/năm. Nhưng đời sống người dân luôn gặp khó khăn bởi giá mía giảm liên tục. Nhiều hộ cầm cự không nổi bởi lỗ nặng, phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Thế mà giờ đây, mọi chuyện đã đổi mới, khi xã, huyện có chủ trương chuyển đổi cây mía sang trồng các loại cây ăn trái, chuyển sang nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân bắt đầu khởi sắc”.

Một góc đường quê ở xã An Thạnh Tây.

Cũng theo ông Nên, từ lúc xã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt xã nhà ngày càng đổi mới. “Nếu như trước đây, đường lộ đi lại còn khó thì ngày nay, các tuyến đường đã được bêtông hóa nối liền ấp, liền xã, từ đó giúp việc vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch thuận tiện hơn, giá bán sản phẩm cao hơn do có nhiều thương lái đến tận nhà dân thu mua. Với nông dân chúng tôi, ngoài chuyển đổi mía sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao thì còn xen canh, chuyên canh các loại cây màu, nhờ đó tăng thu nhập, đời sống ngày càng đi lên. Hiện nay, bà con đang trông chờ xã được công nhận đạt chuẩn NTM vì đó là niềm hãnh diện của người dân, bởi chúng tôi cũng góp phần hoàn thiện 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM” - ông Nên phấn khởi cho biết thêm.

Đang chăm sóc mấy chậu hoa kiểng trước hiên nhà, ông Lê Văn Thành, ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây bộc bạch: “Nghe xã nhà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, sẽ làm lễ công bố trong nay mai, tôi rất phấn khởi nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi chăm sóc vườn cây ăn trái, cắt tỉa lại hàng rào cây cảnh cho gọn gàng, nhà sơn lại cho mới hơn để đón chào ngày “trọng đại” của xã nhà. Ngay từ khi nghe xã tuyên truyền về xây dựng NTM, tôi rất tâm đắc, bởi ở “xứ đảo” chỉ có NTM mới thay đổi được diện mạo làng quê. Tôi thích nhất là xã có nước sạch nông thôn sử dụng, không phải nhọc công gánh nước hay dùng nước giếng khoan”.

Diện mạo mới xã đảo…

Nếu như trước khi xây dựng xã NTM, đường sá đi lại còn khó khăn, thì hiện tại tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, đảm bảo ôtô thuận tiện đi lại quanh năm đạt 100%. Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp được chủ động 80% trở lên. Số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn xã gần 99%. Đồng thời, xã có các điểm trường học, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng đáp ứng việc học tập, vui chơi giải trí mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Có dịch vụ viễn thông, internet của các nhà mạng phủ sóng 3/3 ấp cùng với đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ truy nhập internet ở các ấp trên địa bàn xã. Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt từ 90% trở lên và để tăng cao thu nhập người dân, liên kết hộ sản xuất tập trung, xã có 1 hợp tác xã nông nghiệp. 

Qua kết quả của tiến trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 62 hộ (3,96%). Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây Lê Thị Hồng Loan chia sẻ: “Bài học kinh nghiệm xã rút ra được trong công tác hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM theo đúng kế hoạch trên giao là làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của người dân là quan trọng, sự hỗ trợ ngân sách nhà nước là cần thiết”; tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị…”.

“Sau khi đã được cấp trên công nhận xã đạt chuẩn NTM, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện nâng chất các tiêu chí đã đạt nhưng chưa cao; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; quan tâm phát triển kinh tế tập thể theo hướng liên kết chuỗi giá trị; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền” - đồng chí Lê Thị Hồng Loan cho biết thêm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: