• Huyện Cù Lao Dung

Bãi bồi và rừng phòng hộ ven biển - Kỳ 2

25/03/2017 16:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 25/03/2017 | 16:35

STO - Tuy là vùng đất cách trở với đất liền, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho Cù Lao Dung những tiềm năng, lợi thế, mà những nơi khác trong tỉnh không thể có được.

Kỳ 2: Bảo tồn để khai thác và phát triển bền vững

Những bãi bồi ven biển rộng hàng chục ngàn hécta, lúc nào cũng khoác lên mình màu xanh bất tận của hệ thống rừng phòng hộ ven biển, cùng sự đa dạng sinh học bên trong những tán rừng đã tạo nên tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch sinh thái ở nơi đầu sóng, ngọn gió của dãy đất Cù Lao Dung.

Trong những năm qua, Nhà nước rất quan tâm đầu tư phát triển rừng phòng hộ ven biển, với các Chương trình 327, Dự án 661, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020... nên diện tích rừng trồng ngày càng mở rộng, lấn chiếm bãi bồi tạo nên đay rừng phòng hộ suốt chiều dài ven biển của huyện.

Khám phá rừng phòng hộ ven biển để hiểu thêm về sự đa dạng sinh học là trải nghiệm lý thú dành cho du khách. Ảnh: QUỐC KHA

Nhìn chung, hệ động vật trên địa bàn Cù Lao Dung phong phú, những loài chiếm ưu thế là chim, cò, lưỡng thê và bò sát... Theo kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học tại tỉnh Sóc Trăng của Sở Tài nguyên và Môi trường  năm 2012 cho thấy, có 15 loài thuộc 10 họ và 2 bộ động vật lưỡng cư và bò sát; trong đó, có 4 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Về lớp thú, có 18 loài thuộc 9 họ và 5 bộ; trong đó, có 1 loài có tên trong phụ lục IIB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 22-4-2006 của Chính phủ) là loài Khỉ đuôi dài tên khoa học là Macaca fascicularis (Rafles, 1821), thuộc họ Cercopithecidae, giống Pygathrix, loài P. Nigripes. Lớp chim có 77 loài thuộc 32 họ, 13 bộ; trong đó, có 1 loài chim được ghi nhận nằm trong Sách đỏ Việt Nam là cốc đế (Phalacrocorax Carbo Sinensis) thuộc loài hiếm, có số lượng ít. 

Trên các bãi triều ven biển - là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thủy triều, nước lợ, mặn, quần thể thực vật phát triển chủ yếu là các loài cây ngập mặn, như: đước, bần, mắm, dà, vẹt, dừa nước, chà là, mái dầm và các loài ô rô, cóc kèn... trong đó; các họ quan trọng là đước (Rhizophoraceae), họ bần (Sonnoeratiaceae), mắm trắng (Avicennia alba)... là những loài thực vật chiếm ưu thế; họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), họ bàng (Combretaceae)... Còn trên các giồng cát, quần thể thực vật chủ yếu là các loài trâm bầu, tre gai và các loại trúc, me keo, so đũa, rau dừa cạn, phi lao...

Ngoài ra, huyện Cù Lao Dung còn có nhiều diện tích đất cồn, bãi bồi ven biển có nhiều giống nghêu, sò tự nhiên xuất hiện với sản lượng lớn, diện tích và sản lượng không đồng đều qua từng năm. Cũng theo khảo sát của ngành chức năng, hiện nay, nguồn tài nguyên thủy sản tự nhiên trên địa bàn huyện đang có xu hướng giảm cả về số lượng lẫn số loài, do khai thác thiếu bền vững, môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm.

Theo báo cáo tổng hợp “Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020”, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cù Lao Dung được chọn theo tiêu chí quy hoạch khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh (hạng IIa), gồm:  là nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã thuộc “Danh mục cấm khai thác ngoài tự nhiên”, trong đó có 11 loài thú trong danh mục sách đỏ IUCN với mức độ LC (Least Concern) cần được bảo tồn; có giá trị về sinh thái vùng cửa sông ven biển, thuộc vùng hạ lưu sông Mê Kông, nơi cư trú của các loài cá di cư sinh sản, nơi ươm dưỡng các loài thủy sản; có chức năng bảo vệ môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, có thể du lịch sinh thái.

Còn theo những cư dân địa phương thường xuyên vào khai thác các nguồn lợi dưới tán rừng ngập mặn, hiện trong rừng ngập mặn Cù Lao Dung có khoảng 3 - 4 đàn khỉ đuôi dài, số lượng khoảng 200 cá thể. Đây là đàn khỉ tự nhiên đã có từ lâu, nhưng từ trước đến nay, việc quan sát theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của đàn khỉ này chưa được thực hiện. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái rất cần có một đề án bảo tồn và phát triển đàn khỉ hiện có, làm cơ sở cho việc đề xuất lập khu bảo tồn các sinh cảnh, loài quan trọng và đặc thù của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Dung và Trần Đề.

Nếu việc bảo tồn được thực hiện tốt, sẽ giúp khai thác tiềm năng và giá trị cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa và lịch sử của địa phương, cũng như sử dụng hợp lý các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển nguồn gen, loài sinh vật và bảo đảm cân bằng sinh thái phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện thu nhập cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết để tiến tới thành lập “Khu Dự trữ thiên nhiên đất ngập nước vào năm 2020 hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 8-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Với tiềm năng, lợi thế hiện có, chỉ cần có thêm những chương trình, dự án tác động vào, không bao lâu, khu rừng phòng hộ và bãi bồi huyện Cù Lao Dung sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Hoàng Nhã

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: