• Huyện Cù Lao Dung

Bãi bồi và rừng phòng hộ ven biển - Kỳ I

23/03/2017 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 23/03/2017 | 08:00

STO - Tuy là vùng đất cách trở với đất liền, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho Cù Lao Dung những tiềm năng, lợi thế, mà những nơi khác trong tỉnh không thể có được.

Kỳ I: LỢI THẾ GIỮA SÔNG LẠI GIÁP BIỂN

Dù sang Cù Lao Dung theo hướng Đại Ngãi, hay Long Phú hoặc Kinh Ba (Trần Đề), chỉ cần phà ra đến giữa dòng sông Hậu là du khách có thể thỏa thích ngắm những rặng bần xanh um bao bọc Cù Lao Dung chạy dài đến tận cửa biển. Đặt chân lên dãy đất hình tam giác cân này, du khách có thể cảm nhận ngay luồng không khí trong lành, mát rượi từ những vườn cây ăn trái, những rẫy mía, những rặng bần và cả từ con sông Hậu mang đến. Có thể nói không ngoa rằng, bây giờ và cả trong tương lai, ở Sóc Trăng gần như chỉ có Cù Lao Dung là có điều kiện sinh thái lý tưởng nhất, không khí trong lành nhất, nhờ vào lợi thế tự nhiên “giữa sông lại giáp biển”.

Nói đến màu xanh, không ít người biết đến Cù Lao Dung qua tên gọi: “Đảo ngọt” - bởi nơi đây vốn là vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh, với diện tích mỗi năm từ 7.000 - 10.000ha. Nhưng đâu chỉ có mía, Cù Lao Dung còn khoác lên mình màu xanh của những vườn dừa, bưởi da xanh, nhãn và độc đáo là vườn xoài Đài Loan, mà mỗi trái cân nặng vài ký là “chuyện bình thường”.

Hệ thống rừng bần phòng hộ đang ngày một dầy thêm. Ảnh: QUỐC KHA

Càng xuôi về phía biển, sự đa dạng sinh học ngày càng lớn hơn, rõ nét hơn, khi có thêm những vuông tôm tung bọt trắng xóa và đặc biệt là những cánh rừng bần phòng hộ ven biển trải dài trên suốt 11km, tựa tấm lá chắn vững chắc, giúp đất có điều kiện “sinh” sôi, tạo nên hàng chục ngàn hécta bãi bồi lấn dần ra biển. Bên dưới những tán rừng phòng hộ, trên những bãi bồi là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài động, thực vật có giá trị cả về mặt đa dạng sinh học lẫn phát triển kinh tế, nhất là du lịch sinh thái.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn huyện Cù Lao Dung có diện tích 1.424,7ha, trải dài 11km ven biển, mang tính đặc trưng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Rừng ngập mặn còn là nơi cung cấp thức ăn và là nơi sinh sản, trú ngụ của các loài thủy sản; là nơi có giá trị quan trọng đối với việc bảo vệ cảnh quan của vùng đất ngập nước, hỗ trợ các quá trình sinh thái ở vùng cửa sông, ven biển, đặc biệt là quá trình diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái ngập mặn.

Ngoài vị trí thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, Cù Lao Dung còn là nơi có cảnh quan môi trường sinh thái đa dạng, thuận lợi cho phát triển du lịch - sinh thái, nghỉ dưỡng trong tương lai khi các khu công nghiệp, khu kinh tế đang phát triển mạnh ở đất liền. Do đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị về môi trường, đa dạng sinh học và cả về kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây là rất quan trọng, để vừa đảm bảo an toàn cho sản xuất, sinh sống, vừa giúp kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững, với trọng tâm trong tương lai sẽ là du lịch sinh thái.

Nếu nhìn trên bản đồ, Cù Lao Dung mang hình dáng gần giống một tam giác cân, gồm một dãy cù lao chắn giữa con sông Hậu, càng gần giáp biển càng nở phình ra. Đây chính là sự hào phóng mà dòng sông Hậu ban tặng cho dãy đất cù lao này trước khi hòa mình vào biển cả. Bởi thế, ở đây mới có chuyện đất đang “sanh” đều đặn mỗi năm vài trăm mét. Đất “sanh” ra đến đâu, sự sống phát triển dần ra đến đó và hiện tại nơi đất đang “sanh” này, từ tự nhiên và bàn tay bảo vệ của con người, hàng ngàn hécta cây bần đang vươn mình, tạo nên thế trận phòng thủ nhiều tầng vững chắc trước những con sóng và gió biển.

Câu chuyện về vùng đất đang “sanh” ở nơi cuối nguồn sông Hậu này trước đây, tôi đã được nghe ông “Mười Đài” (Phạm Văn Mười), người cố cựu ở đây kể: “Khoảng năm 1950, mép biển còn nằm ở đầu lộ xã An Thạnh Ba bây giờ. Còn nhà tui hiện tại, xưa là bãi biển, chỉ lác đác bần thôi. Lần hồi đất bồi ra miết rồi bần theo đó mà mọc um tùm lên thành rừng như bây giờ. Nếu tính từ đó (đầu lộ xã An Thạnh Ba – PV) đi tới đây ít gì cũng 8 - 10km”.

Hoàng Nhã

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: