• Huyện Cù Lao Dung

Cần lắm nguồn "nước sạch"

18/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 18/07/2018 | 06:00

STO - Tuy có nước ngọt từ con sông Hậu cung cấp quanh năm nhưng người dân Cù Lao Dung vẫn thích sử dụng nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) phục vụ. Theo nhiều hộ dân, việc dùng nước sạch đảm bảo sức khỏe cho bản thân cùng người thân trong gia đình, còn dùng nước sông thì luôn lo sợ bởi các chất thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và vấn đề vứt rác bừa bãi trên sông của nhiều người kém ý thức. Chính vì vậy, hộ dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là người dân và chính quyền xã An Thạnh Tây đang mong chờ nguồn nước sạch về nông thôn.

Địa phương và người dân mong nước sạch…

Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây Lê Thị Hồng Loan cho biết: “Xã có 3 ấp với gần 1.600 hộ, trong đó số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 100%, đa số hộ sử dụng nước giếng khoan, chỉ có 83 hộ có kết nối đồng hồ nước sạch từ đường ống của Trung tâm NS-VSMTNT đi ngang qua, chiều dài tuyến khoảng 4km. Dự kiến nếu đường ống cấp nước kéo dài 20km - 30km của 11 tuyến dân cư và dọc lộ nông thôn sẽ có thêm 1.000 hộ kết nối đồng hồ nước. Đối với xã, dù tình hình sử dụng nước giếng khoan và tại kênh rạch hay con sông Hậu khá thuận lợi, nhưng để dùng nguồn nước trên, người dân phải sử dụng môtơ điện bơm nước, làm tăng chi phí. Vấn đề hiện nay, chính quyền và người dân quan tâm nhất là nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm, việc dùng nước không đảm bảo vệ sinh về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân”.

Chị Trần Thị Bé Thi, ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) chờ đường ống nước nông thôn đi qua nhà để kết nối nước.

Cho rằng nước sạch là sự cần thiết đối với đời sống người dân nông thôn, trước tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường nước ngày càng nhiều, đồng chí Lê Thị Hồng Loan đưa chúng tôi đi thực tế tại các hộ dân đang sử dụng nước giếng khoan. Ghé nhà chị Trần Thị Bé Thi, ấp An Lạc đang lúc chị bật môtơ điện bơm nước dùng cho sinh hoạt gia đình, đưa tay chỉ chiếc môtơ đang chạy phát tiếng ồn, chị Bé Thi bộc bạch: “Tôi khoan giếng nước này hơn 10 năm nay, việc bơm nước khá dễ dàng dù mùa mưa hay mùa nắng. Cứ bật môtơ điện là có nước lên ào ào, có nước thì cứ sử dụng chứ nhiều lúc để đôi ba hôm nước đóng phèn vàng hết các thau chứa nước, cảm thấy lo lắng không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân, gia đình hay không vì nước phèn vàng như nghệ. Để hạn chế phèn thường tôi bơm vào lu chứa rồi lóng phèn chừng 5 đến 7 ngày mới dám dùng nấu ăn. Còn với nước tắm, giặt thì bơm lên xài luôn. Dù vẫn có nước sử dụng nhưng tôi vẫn mong muốn có nước máy dùng, vừa tiện và không phải phập phồng lo sợ nước bị phèn”.

Cũng sử dụng nước giếng khoan hơn chục năm nay, bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp An Lạc đang trông chờ từng ngày đường ống dẫn nước sạch đi ngang nhà để kết nối đồng hồ nước. Bà Hoa chia sẻ: “Ngày trước khi chưa có phong trào khoan nước giếng, hầu hết người dân ở đây đều dùng nước sông cho sinh hoạt hàng ngày. Việc lấy nước trên sông khá vất vả, phải canh con nước lớn thì nước dưới sông trong veo mới dám gánh nước. Hình như phụ nữ ngày đó, vai ai cũng chai sạn vì dùng đôi quang gánh để gánh nước mỗi ngày. Khi có phong trào khoan giếng thì nhiều người có khó khăn đến đâu cũng cố gắng vay mượn để khoan được giếng dùng nhằm giải phóng sức lao động”.

… sẽ đầu tư mở mới trạm cấp nước

Qua lời tâm sự của bà con xứ “cù lao” chúng tôi được biết, dù dùng nước giếng khoan có tiện nhưng qua nhiều năm sử dụng, nguồn nước bơm lên vẫn còn mùi hôi bùn, kèm theo đó là phèn đóng vàng nên bà con thấy “sợ sợ” và lo cho sức khỏe bản thân cùng gia đình vì thau chứa còn đóng vàng, không biết khi sử dụng vào việc nấu ăn, uống như thế nào nhưng vẫn phải dùng, vì nếu không dùng nước giếng khoan buộc phải dùng nước sông thì còn sợ hơn. Do đó, bà con chờ đợi có nguồn nước máy về xã để kết nối đồng hồ nước sạch, an tâm sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Lê Minh Đương cho biết: “Trên địa bàn huyện đã có các trạm cấp nước tập trung đang hoạt động rất hiệu quả và hiện có 1 trạm cấp nước tại xã An Thạnh 2 đang xây dựng; trong đó có 2 trạm cấp nước tập trung đang hoạt động với công suất thiết kế 480m3/ngày đêm và 1 trạm có công suất 960m3/ngày và có 2 trạm cấp nước tại thị trấn Cù Lao Dung và 1 trạm tại xã An Thạnh 3, tuyến ống phục vụ chủ yếu cho các khu vực thị trấn Cù Lao Dung, An Thạnh 3 và An Thạnh 1. Riêng xã An Thạnh Tây chỉ có tuyến mạng cấp nước đi qua một phần. Theo thống kê trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt 40%”. Đồng chí Lê Minh Đương cho biết thêm: “Đối với nguồn nước do Trung tâm NS-VSMTNT cung cấp rất tốt, đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế và nguồn nước luôn ổn định thông qua hệ thống xử lý và phục vụ hộ dân. Đồng thời, việc phối hợp giữa Trung tâm NS-VSMTNT với địa phương chặt chẽ là khi có đầu tư công trình hay mở rộng mạng cấp nước thường thông báo công khai bằng cách họp dân nơi tuyến ống đi qua nên đa số hộ dân đồng thuận”.

Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Nguyễn Thành Dũng chia sẻ: “Nhằm hỗ trợ xã An Thạnh Tây và các xã còn lại trên địa bàn huyện Cù Lao Dung sớm hoàn thành tiêu chí 17.1 trong xây dựng nông thôn mới cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đơn vị sẽ quy hoạch xây dựng nhà máy nước tập trung tại các xã: An Thạnh Tây, An Thạnh Nam; đồng thời sẽ mở rộng các tuyến ống để kết nối đồng hồ nước sạch nông thôn đến hộ dân tại các xã còn lại”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: