• Huyện Cù Lao Dung

Canh tác mía thích ứng với hạn, mặn

02/03/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 02/03/2017 | 06:00

STO - Thời gian gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn cho ngành mía đường cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Để chuyển đổi giống mía mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã thực hiện mô hình “Canh tác mía thích ứng với hạn, mặn”.

Mô hình “Canh tác mía thích ứng với hạn, mặn” được tiến hành thực hiện trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Ngoài việc góp phần chuyển đổi cơ cấu giống mía mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình trên còn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác mía nhằm nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả trong sản xuất mía đường.

Là một trong những hộ được chọn để thí điểm thực hiện mô hình, ông Huỳnh Quốc Toản, ngụ ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1 cho biết: “Gần 2 tháng nữa thì rẫy mía của tôi mới thu hoạch. Ở vụ này, do làm theo hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện nên mặc dù từ đầu vụ có gặp khó khăn về thời tiết nhưng mía vẫn phát triển tốt. Có được kết quả như trên là do khi canh tác, tôi đã bón phân theo hướng dẫn và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên ước tính chi phí đầu tư giảm được 3 triệu đồng/ha và nếu chữ đường đạt từ 10CCS thì có thể lời được 40%”.

Còn ông Điều Văn Nhanh, ở xã An Thạnh Đông tâm sự: “Tôi nhận thấy giống mía Khonkhaen 3 phù hợp với vùng đất ở đây và có nhiều ưu điểm như dễ đánh lá, khả năng lưu gốc cao mà vẫn phát triển tốt khi nắng hạn, thiếu nước. Do đó, tôi dự định vào những vụ sau sẽ áp dụng mô hình này trên phần diện tích còn lại”.

Rẫy mía của Huỳnh Quốc Toản áp dụng mô hình canh tác mía thích ứng với hạn, mặn có triển vọng

Hiện nay, các rẫy mía áp dụng mô hình “Canh tác mía thích ứng với hạn, mặn” đang ở giai đoạn 7 tháng tuổi, chiều cao cây khoảng từ 2,5m/cây, trọng lượng bình quân 2,4kg/cây, ước năng suất đạt khoảng 140tấn/ha. Theo đánh giá của người dân, giống mía KPS 01-25 và Khonkhaen 3 có khả năng nhảy con mạnh, số lượng cây con nhiều, giống mía không bị trổ cờ, kháng sâu đục thân, kháng rầy đầu vàng, kháng bệnh than... trên mía. Việc đưa cơ giới vào canh tác sẽ tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất. Do đó, tại buổi hội thảo giống mía thích ứng với biến đổi khí hậu vừa qua, nhiều nông dân trồng mía đã chọn các giống trên thay thế cho các giống mía cũ đã thoái hóa và không còn hiệu quả với tình hình thời tiết như hiện nay.

Nói về quy trình kỹ thuật và cách chăm sóc theo mô hình, đồng chí Cao Văn Minh - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cù Lao Dung lưu ý: “Về khâu chọn giống, bà con nên chọn hom thân có đường kính 2,5 - 3,5cm, không quá già, giống đảm bảo nguồn gốc và không lẫn tạp giống khác, ít sâu bệnh, không dập mắt mầm. Trước khi trồng, dùng dung dịch benomyl 0,2% trong khoảng thời gian 20 - 30 phút, sau đó ủ 2 - 3 ngày cho nhú mầm mới đem trồng”.

Đối với kỹ thuật làm đất, đồng chí Cao Văn Minh lưu ý thêm: “Trong khâu kỹ thuật làm đất, phải cày bừa sâu 25 - 30cm, cày đi, cày lại 2 vòng sao cho đất tơi xốp, sạch cỏ, kết hợp san lấp bằng phẳng, chia hàng và tiến hành đánh rãnh và nên trồng hàng xuôi để thuận tiện cho máy vô chân; đồng thời, sử dụng phân bón theo công thức: 330 - 125 - 120 + TE, tăng cường trung vi lượng, trả lại dinh dưỡng cho đất, tăng sức chống chịu nắng hạn, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu. Điều quan trọng nữa là đất trồng mía không được để nước ngập úng, phải thoát nước nhanh”.

Từ nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn lồng ghép khác, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai 10 điểm thực hiện mô hình trình diễn giống mía mới gắn với đổi mới phương pháp kỹ thuật canh tác và mô hình canh tác mía thích ứng với điều kiện hạn, mặn xâm nhập tại huyện Cù Lao Dung với diện tích 3,3ha.

Theo đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, các giống KPS 01-25, Khonkhaen 3 được ngành Nông nghiệp huyện chọn để thực hiện mô hình thích ứng với hạn, mặn và triển khai thí điểm tại 3 hộ ở các xã: An Thạnh Đông, An Thạnh Tây và Đại Ân 1, với diện tích 0,3ha/hộ. Tham gia thực hiện mô hình trên, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón, phần còn lại sẽ do các hộ dân đối ứng”.

Được biết, niên vụ mía năm 2016 - 2017, huyện Cù Lao Dung xuống giống 6.510ha, đạt 100,92% kế hoạch, chủ yếu là các giống, như: K95-156, K88-92, K95-84, K833, Roc16... Đến thời điểm này, đang bước vào vụ thu hoạch, năng suất bình quân ước khoảng 120 tấn/ha, ước tổng sản lượng cả vụ khoảng 781.000 tấn. Theo đó, giá bán đầu vụ tại nhà máy 1.150 đồng/kg với 10CCS, cao hơn 120 đồng/kg so với đầu vụ năm trước.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: