• Huyện Cù Lao Dung

Cây khoai lang bám rễ trên vùng đất cù lao

10/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 10/10/2019 | 06:00

STO - Ở Cù Lao Dung, ngoài các loại trái cây “có tiếng” thì các loại rau màu cũng được người dân trồng chuyên canh, xen canh nhằm tăng thu nhập. Một trong số các loại rau màu được người dân chọn canh tác chiếm diện tích khá lớn là cây khoai lang, được trồng nhiều nhất tại xã An Thạnh Tây.

Theo số liệu thống kê, tại xã An Thạnh Tây diện tích màu, lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, màu lương thực, thực phẩm, cây ăn trái với tổng diện tích 1.230ha, trong đó, diện tích trồng khoai lang các loại gần 50ha. Đánh giá thực tế qua quá trình sản xuất của bà con nông dân, một số cây trồng có hiệu quả kinh tế như: nhãn, bưởi da xanh, xoài, dừa và khoai các loại, đặc biệt là khoai lang cho lợi nhuận rất tốt sau các vụ mùa thu hoạch nên người dân gắn bó với loại cây trồng này đã nhiều năm.

Chúng tôi đến tham quan rẫy khoai của ông Phạm Văn Bảy, ở ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung), người chuyển đổi cây mía sang trồng khoai lang lâu năm tại địa phương. Ông Bảy bộc bạch: “Mấy mươi năm trước gắn bó cùng cây mía, đời sống gia đình tương đối ổn định. Nhưng mấy năm trở lại đây, cây mía tìm đầu ra khó khăn, giá mía thấp mà trồng mía thời gian dài đằng đẵng, cả năm mới thu hoạch, gặp cảnh bán không được, giá lỗ lã xem như mất trắng một vụ mùa. Chính vì vậy, tôi đã chuyển đổi một phần diện tích mía trồng các loại khoai mì, khoai từ, khoai lang, đặc biệt tôi thích trồng cây khoai lang nhất, bởi năm nào khoai hút hàng bán được 1 công khoai lợi nhuận cao gấp mấy lần so với bán 1 công mía. Tính đến nay, tôi đã có hơn 15 năm gắn bó nghề trồng khoai lang, mỗi năm đều xuống giống 1 đợt khoai từ và 1 đợt khoai lang. Khoai lang thời gian xuống giống vào tháng 10 âm lịch, vì thời điểm này khoai được dùng làm nguyên liệu để làm mứt phục vụ bán thị trường Tết Nguyên đán, hay chế biến một số món trong gia đình”.

Ông Phạm Văn Bảy  ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) đã chuyển đổi cây mía sang trồng khoai lang lâu năm tại địa phương. Ảnh: Thúy Liễu

“Vụ khoai năm nay, tôi trồng 5 công khoai lang bí đỏ, khoai đã được 17 ngày tuổi, lúc xuống giống đến thu hoạch tầm 3,5 tháng - 4 tháng, năng suất đạt mức 4 tấn - 5 tấn/công. Nếu giá thị trường mua ở mức 300.000 đồng/tạ (60kg), người dân sẽ có lợi nhuận tầm 10 triệu đồng/công khoai, có năm giá khoai ở mức 600.000 đồng - 700.000 đồng/tạ, thu lợi hơn 20 triệu đồng/công khoai. So với cây mía, lợi nhuận trồng khoai có nhưng cũng tốn nhiều công chăm sóc, gặp lúc trời nắng phải tưới nước cho khoai 1 lần/tuần, trời mưa phải tạo các rãnh thoát nước để nước nhanh thoát xuống các rãnh, tránh trường hợp khoai bị hư úng do nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo sao cho cây khoai cho củ cũng như năng suất tốt phải am hiểu đặc tính riêng của khoai, kể cả kỹ thuật chăm sóc. Với 5 công khoai lang vụ mùa năm 2019, giá trên 300.000 đồng/tạ, chắc chắn tôi sẽ bỏ túi lợi nhuận kha khá…” - ông Phạm Văn Bảy chia sẻ thêm.

Ông Trần Phước ở ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) cũng là người mạnh dạn bỏ mía trồng khoai lang. Ông Phước bộc bạch: “Tôi có 10 công đất trước kia chuyên canh cây mía, khi thấy mía thu nhập bấp bênh, tôi đã chuyển đổi 3 công đất sang trồng một số cây màu như khoai mì, khoai từ và khoai lang. Tôi vừa thu hoạch xong đám khoai từ thì xuống ngay dây khoai lang để kịp bán trong Tết Nguyên đán 2020 sắp đến. Cây khoai lang dễ trồng, dễ sống nhưng chi phí đầu tư khá cao, 1 công khoai từ lúc xuống giống đến thu hoạch chi phí 10 triệu - 12 triệu đồng/công nhưng bù lại nếu giá thị trường bình ổn hơn 300.000 đồng/tạ khoai, chắc chắn nông dân sẽ có lời hơn 10 triệu đồng/công khoai, chứ không như cây mía trồng cả năm mới thu hoạch, tới bán lo sợ lái không mua vì giá quá thấp, thuê nhân công đốn mía cũng không có, khó đủ đường”.

Ông Phước thông tin thêm: “Giờ thì người dân chúng tôi đã rất ý thức trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên của từng vùng theo định hướng của Nhà nước để việc sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất. Cây khoai lang trồng tại địa phương, chất lượng rất ngon ngọt bởi phù hợp vùng đất và khí hậu…”.

Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) Lê Thị Hồng Loan cho biết: “Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như bưởi, nhãn hay các loại rau màu chính là bắp, khoai các loại. Riêng khoai lang xã sẽ duy trì diện tích 50ha nhằm đa dạng hóa các loại hoa màu, củ, quả xuất bán ra thị trường và hiện tại một phần diện tích trồng khoai đã có liên kết bao tiêu với cơ sở chế biến. Hướng tới, để tạo đầu ra cho cây khoai lang và các loại rau màu, cây ăn trái, xã sẽ phối hợp các cấp chính quyền phát triển kinh tế tập thể theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tích cực chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: