• Huyện Cù Lao Dung

Đại Ân 1: Giải bài toán làm kinh tế của nông dân

03/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 03/03/2018 | 06:00

STO - Về xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung), vùng quê cho tôi cảm giác bình yên bởi xung quanh được tô điểm bởi màu xanh của mía, hoa màu, cây ăn trái… Và còn đó những gương mặt mộc mạc của những lão nông luôn nở nụ cười tươi rói bởi một năm làm lụng vất vả đã được đền bù xứng đáng.

Hay tin khách đến nhà, ông Nguyễn Văn Tấn ở ấp Nguyễn Tăng vội lên xe đạp phi nhanh ra chợ mua đồ về làm mấy món đãi khách. Sau màn chào hỏi là ông nói luôn: “Có làm cơm canh đạm bạc, mời mọi người dùng nghe”. Thấy ông phấn khởi, nhiệt tình, tôi bắt chuyện rất nhanh. Khi nghe hỏi vì sao vẫn duy trì được 50 công đất trồng mía, ông cười khề khà đáp: “Trước đây cái việc làm mía chỉ thủ công, có sử dụng máy móc gì đâu, tính ra tốn chi phí thuê mướn nhân công lắm. Rồi nhờ có máy vô chân mía (được hỗ trợ 50% chi phí mua máy với số tiền 13 triệu đồng) mà tôi tiết kiệm nhiều tiền, tương đương 1 triệu đồng/công/vụ. Tuy giá mía bấp bênh, người trồng mía mấy phen thăng trầm nhưng nhà tôi cũng vượt qua do tiết kiệm chi phí sản xuất”.

Việc tiếp cận, ứng dụng máy móc vào sản xuất, giúp gia đình ông Nguyễn Văn Tấn ở ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung) giảm chi phí đầu tư, có lợi nhuận.

Không riêng gì gia đình ông Tấn mà còn nhiều nông hộ trồng mía cũng được hỗ trợ. Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 Trần Hoàng Kha cho biết: “Tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía, đầu năm 2017, xã được huyện chọn quy hoạch xây dựng cánh đồng mía mẫu, có tổng diện tích 18,28ha với 19 hộ tham gia. Tham gia cánh đồng mía mẫu, người dân được hỗ trợ giống, chi phí cải tạo đất, tập huấn kỹ thuật chăm sóc mía… áp dụng cơ giới hóa trong khâu vô chân mía. Hiện có 10 hộ sử dụng 12 máy vô chân mía, giúp giảm tiền thuê mướn nhân công”.

Bên cạnh đó, năm 2017, cán bộ địa phương cũng vận động nông dân chuyển đổi 70ha trồng mía sang trồng cây, vật nuôi khác thích hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến năm 2018 sẽ vận động chuyển đổi 200ha diện tích trồng mía.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Ân 1 Nguyễn Văn Sử cho biết: “Các cấp ủy đảng rất quan tâm, tìm và thực hiện nhiều giải pháp mang lại hiệu quả phát triển nông nghiệp địa phương. Qua đó, chọn lựa những cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế hiện nay, thích ứng với biến đổi khí hậu để quy hoạch, nhân rộng ở địa phương, dần thay đổi độc canh cây mía. Nhưng việc vận động không hề đơn giản vì nông dân đã gắn bó với cây mía bao đời nay, cho nên đảng viên phải đi trước, chuyển đổi trước. Theo đó, nhiều cán bộ, đảng viên của xã đã chuyển sang trồng mãng cầu gai, bưởi da xanh, dừa… và thấy cây trồng thích ứng tốt với đất đai nơi đây nên người dân đồng tình hưởng ứng. Hiện nay có nhiều hộ đã thu nhập cao từ cây trồng chuyển đổi”.

Về vật nuôi, ngoài duy trì chăn nuôi heo, gia cầm, địa phương cũng đang hướng tới phát triển đàn bò. Trong năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 300 triệu đồng, đã hỗ trợ 25 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, mỗi hộ 1 con bò sinh sản. Hiện nay, đàn bò của xã đã phát triển được 250 con, tăng 90 con so với năm trước. Về nuôi thủy sản cũng khuyến cáo người dân thả nuôi theo đúng lịch thời vụ của ngành chức năng, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường để đảm bảo lợi nhuận được duy trì kéo dài.

Cuộc họp chi bộ ấp quan tâm bàn giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, thì hiện nay địa phương đang hướng đến hình thức hợp tác, liên kết sản xuất. Hiện xã đã có 4 tổ hợp tác (nông nghiệp 30/4, cánh đồng mía mẫu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bò) hoạt động hiệu quả với 65 thành viên và chuẩn bị ra mắt 1 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở ấp Sáu Thử với tổng số 15 thành viên.

Một trong những cách làm hay của địa phương trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là hiện nay, mỗi ấp (xã Đại Ân 1 có 5 ấp) đều thành lập tổ cung ứng lao động. Bí thư Đảng ủy xã Đại Ân 1 Nguyễn Văn Sử thông tin: “Nhiều năm nay, người dân trồng mía không có lãi, một phần do không thuê được nhân công thu hoạch kịp nên bị thương lái ép giá. Xuất phát từ nhu cầu đó, tổ cung ứng lao động ở mỗi ấp ra đời năm 2016, vừa giải quyết cái khó của địa phương, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn. Sự liên kết trong lao động không chỉ làm theo mùa vụ mà có việc làm liên tục ở những địa phương khác, nên mỗi thành viên tổ đều có nguồn thu ổn định mỗi tháng”.

Ông Huỳnh Quốc Toản - Tổ trưởng Tổ cung ứng lao động ấp Văn Sáu chia sẻ: “Hiện tổ có 20 tổ viên. Thời gian vào vụ thì có đến 30 – 40 tổ viên. Công việc của tổ viên xuống mía, làm cỏ, đánh lá mía, thu hoạch mía… Vào mùa vụ mía có khi thu nhập 150.000 – 250.000 đồng/ngày”.

Một năm lao động vất vả, người dân nông thôn chỉ ao ước làm có dư. Thế nhưng hiện nay, việc trồng trọt, chăn nuôi không hề đơn giản. Giảm chi phí, tìm được đầu ra, tăng lợi nhuận luôn là mục đích của người nông dân. Hiểu rõ điều đó, cán bộ, đảng viên địa phương luôn đồng hành với người dân, lắng nghe những trăn trở và tìm hướng đi để nông dân kết thúc vụ mùa với niềm vui và gật đầu hài lòng với định hướng phát triển nông nghiệp.

Định hướng tới, Bí thư Đảng ủy xã Đại Ân 1 Nguyễn Văn Sử thông tin thêm: “Trong năm 2018, dự kiến hình thành vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh, dừa, nuôi thủy sản… với diện tích 200ha, có đầu tư hệ thống tưới tiêu, đê bao. Dự kiến sẽ tổ chức họp dân để triển khai. Theo đó, hộ tham gia sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ bán cây giống trả chậm, chỉ cần trả trước 30%, khi thu hoạch thì hoàn trả phần còn lại; sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá thị trường”.

Ngọc Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: