• Huyện Cù Lao Dung

Hiệu quả từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở xã An Thạnh 1

10/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 10/05/2019 | 06:00

STO - Xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) được công nhận xã nông thôn mới vào tháng 12-2014. Sau khi được công nhận, bộ mặt nông thôn xã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp khang trang. Nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng, từ đó thu nhập của người dân được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, MTTQ và các đoàn thể giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mà cụ thể là thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Với 5 nội dung cụ thể, thiết thực, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Thạnh 1 đã tham mưu giúp cấp ủy đảng, thực hiện tốt quy chế phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức thực hiện cuộc vận động với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, trong thực hiện nội dung đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

Phát huy thế mạnh của xã phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái, qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay toàn xã có 3 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác chủ yếu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Điển hình như mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Thành Lâm, diện tích trên 2ha, trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng/năm hay mô hình trồng xoài cát chu của ông Phan Văn Tòng, Phan Văn Đạt ở ấp An Thường, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm… Qua lợi nhuận của các mô hình, góp phần tăng thu nhập bình quân trên đầu người đến thời điểm hiện tại là 49 triệu đồng/người/năm, so với thời điểm xã được công nhận xã nông thôn mới là 30,5 triệu đồng/người/năm, tăng 18,5 triệu đồng/người/năm. 

Bộ mặt nông thôn xã An Thạnh 1 ngày càng khởi sắc.

Công tác chăm lo cho người nghèo ngày càng được quan tâm. Hàng năm vận động “Quỹ vì người nghèo” trên 100 triệu đồng, xây dựng 4 căn nhà Đại đoàn kết, vận động hỗ trợ gạo, quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, số tiền khoảng 239 triệu đồng. Đến nay, hộ nghèo toàn xã còn 39 hộ, chiếm tỷ lệ 1,99%, hộ cận nghèo còn 133 hộ, chiếm tỷ lệ 6,78%.

Thực hiện nội dung đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái, hàng năm xã tổ chức bình xét đúng tiêu chuẩn, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, tỷ lệ được công nhận gia đình văn hóa đạt từ 93 - 95% và 100% ấp đạt ấp văn hóa.

Thực hiện Quyết định số 217 của UBND tỉnh về ban hành tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, xã đã tuyên truyền, vận động đăng ký thực hiện các tiêu chí. Kết quả năm 2018, có 1.838/1.961 hộ đăng ký, đạt 93,72%; qua bình xét cuối năm có 1.396 hộ đạt hộ văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,18% so với tổng số dân toàn xã. Ngoài ra còn vận động nhân dân xây dựng 95 cột cờ, làm hàng rào cây xanh 45 hộ, làm hàng rào bêtông 26 hộ, kinh phí thực hiện khoảng 650 triệu đồng. Công tác giáo dục, y tế, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, từ đó tạo được lòng tin trong nhân dân. 

Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1 Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết: “Để thực hiện cuộc vận động có hiệu quả, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức hướng dẫn 100% khu dân cư đăng ký thực hiện cuộc vận động với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với từng khu dân cư, tạo phong trào sôi nổi trong lao động sản xuất, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. Xã cũng đã chọn khu dân cư ấp An Thường chỉ đạo thực hiện toàn diện nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các khu dân cư còn lại. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân hiểu mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Từ đó, ý thức của người dân được nâng lên, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc cho xây dựng các đường giao thông nông thôn; chủ động hơn trong việc chỉnh trang nhà ở “xanh - sạch - đẹp”; xây dựng hàng rào, cột cờ; tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế, nhiều hộ chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Mặc dù mô hình trồng nhãn cho thu nhập ổn định, nhưng khi vận động, anh Nguyễn Hồng Tiến ở ấp An Trung A đã tự nguyện hiến đất trồng nhãn xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Anh Tiến chia sẻ: “Tuy có mất một phần thu nhập từ trồng nhãn, nhưng thấy bà con có nơi sinh hoạt, hội, họp tôi cũng thấy vui. Trước đây, không có nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi lần hội, họp phải mượn nhà dân rất bất tiện, tôi mới hiến phần đất này để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng”.

Cùng với chuyện làm ăn khởi sắc, ý thức được sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi gia đình gắn với sự phát triển chung của địa phương, không chỉ riêng anh Tiến hiến đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng mà nhiều bà con cũng có đóng góp thiết thực vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường nông thôn được bêtông hóa, các tuyến đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Diễm Hằng, trong quá trình triển khai cuộc vận động đến nay đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện như: văn hóa, xã hội và môi trường có nhiều tiến bộ, MTTQ và các đoàn thể đã quan tâm phối hợp xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu; bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cuộc vận động đã góp phần tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Cuộc vận động còn khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư đạt văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xã vẫn còn một số khó khăn, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt kết quả ngày càng cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: