• Huyện Cù Lao Dung

Khảo sát dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu

01/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 01/12/2017 | 06:00

STO - Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới vừa đến huyện Cù Lao Dung để khảo sát về Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung”.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thái Văn Thu - Phó Bí thư Huyện ủy; Lê Minh Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp.

Đoàn khảo sát các cống trên tuyến đê biển.

Theo đơn vị tư vấn, mục tiêu của dự án nhằm phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế người dân khu vực Cù Lao Dung dựa trên việc phát huy những lợi thế, tiềm năng của khu vực. Bên cạnh đó, nhiệm vụ dự án là phục vụ bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện theo hướng sản xuất hàng hóa trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường bảo vệ bờ biển, phục hồi bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo an toàn cho dân sinh, kinh tế - xã hội trước nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, kết nối giao thông nội vùng với hệ thống giao thông hiện có để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn, khu vực, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh...

Dự án triển khai thực hiện năm 2017 - 2022, với nguồn kinh phí gần 800 tỉ đồng và diện tích đất dự án là 26.140ha. Dự án gồm một số hạng mục, như: xây dựng các mô hình sinh kế; đánh giá hiện trạng sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong vùng dự án; mô hình chuyển đổi; các giải pháp phi công trình; giải pháp xây dựng công trình kỹ thuật; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển; xây dựng mới hệ thống đê sông; nâng cấp tuyến đường giao thông 933B; cải tạo và xây dựng hệ thống điện; hệ thống nội đồng phục vụ chuyển đổi sản xuất; trồng rừng ngập mặn...

Qua thuyết minh của đơn vị tư vấn, đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đặt một số câu hỏi trọng tâm, như: việc đầu tư xây dựng công trình nhằm tạo sinh kế cho người dân; hiệu quả của dự án trong 10 năm tới sau đầu tư; việc khai thác nước ngầm tại địa phương và hướng chuyển đổi việc sử dụng nguồn nước ngầm; vấn đề trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển, đê sông. Dự kiến việc triển khai xây đê biển chiều cao và bề rộng; đưa hình ảnh minh họa và các thiết kế xây dựng tuyến đê; đưa vào dự án nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; sắp xếp ưu tiên thứ tự đầu tư trong dự án... Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cần phải đưa vào báo cáo các vấn đề đoàn đã nêu cũng như sắp xếp các hạng mục công trình ưu tiên, khi triển khai dự án gửi đến đoàn trong thời gian sớm nhất để báo cáo đến nhà tài trợ cho ý kiến.

* Trước đó, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát thực địa một số hạng mục công trình nằm trong dự án sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho ý kiến về các vấn đề liên quan dự án.

Điểm đầu tiên đoàn đến khảo sát là tuyến đường 933B nối liền các xã và xem như con đường vận chuyển hàng hóa , phục vụ đi lại của người dân trên địa bàn toàn huyện bắt đầu từ xã An Thạnh 1 đến điểm cuối xã An Thạnh 3 nhằm đánh giá hiện trạng con đường. Kế đến, đoàn đã xem toàn tuyến đê biển dài 22km và tuyến đê sông dài 82km để đánh giá hiện trạng tuyến đê, cũng như những đoạn xung yếu khi mực nước dâng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân; xem xét các cống trên toàn tuyến đê biển; thăm khu vực rừng và mô hình nuôi các loài thủy sản dưới tán rừng tạo sinh kế cho bà con nông dân sống trong đê biển.

Qua khảo sát, đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới đặt ra một số câu hỏi về vấn đề lấy nước để dự trữ phục vụ sản xuất của người dân trong tuyến đê biển, tìm hiểu đời sống người dân khi nuôi các loại thủy sản dưới tán rừng; đánh giá hiệu quả của tuyến đê biển đối với đời sống người dân và đoàn quan tâm nhiều đến việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn huyện...

Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Lê Minh Đương đã thông tin đến đoàn về tình hình đời sống của người dân quanh khu vực đê biển cũng như việc lấy nước phục vụ sản xuất. Theo đó, vùng Cù Lao Dung có tuyến đê biển nhưng qua thời gian gần 20 năm xây dựng đã xuống cấp và đến khi triều cường dâng thì địa phương rất khó khăn trong việc bảo vệ đê, trường hợp khẩn cấp phải di dời dân đến nơi an toàn và về đất liền. Riêng với hệ thống cống trên tuyến đê làm nhiệm vụ đóng, xả nước khi cần thiết, đê biển và cống là yếu tố “sống còn” của người dân cù lao trong việc “ngăn mặn, trữ ngọt” phục vụ trồng trọt, sản xuất và ngăn nước tràn vào bên trong đê. Chính vì vậy, địa phương rất mong đoàn chuyển tải đến nhà tài trợ nhu cầu cấp thiết về đê biển, đê sông của địa phương nhằm sớm hỗ trợ huyện triển khai Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết gửi lời cảm ơn đến đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đến Cù Lao Dung để khảo sát đánh giá dự án. Qua đó, ngành nông nghiệp mong muốn đoàn nên cân nhắc, xem xét hỗ trợ tất cả các hợp phần trong dự án đã nêu do tất cả các hợp phần đều quan trọng như nhau. Vì tất cả các công trình dự án đều phục vụ đời sống sinh kế của người dân trên địa bàn huyện cũng như góp phần vào việc thích ứng biến đổi khí hậu.

Thúy Liễu - Thanh Thảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: