• Huyện Cù Lao Dung

Mong manh cây mía cù lao

08/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 08/07/2018 | 06:00

STO - Năm nay, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung thật sự nếm “trái đắng” khi tiền bán mía không đủ để bù đắp chi phí đầu tư. Chưa hết, những dự báo còn cho thấy, trong niên vụ tới ngành mía đường cả nước sẽ còn tiếp tục gặp khó do giá đường trong nước vẫn khó có khả năng cạnh tranh với đường nhập khẩu và đường nhập lậu.

Thất vọng và ngán ngẩm

Sau khi kết thúc niên vụ mía 2017 – 2018, có dịp trở lại vùng trồng mía Cù Lao Dung mới thấy hết sự thất vọng ngày càng lớn đối với cây mía của nông dân. Họ thất vọng cũng phải, bởi dù đã giảm hơn 1.000ha so với niên vụ trước để mong giữ được giá, nhưng giá mía năm nay vẫn tuột dốc không phanh và chỉ chịu dừng lại khi chạm đáy ở mức… 300 đồng/kg. Ngay cả nông dân sản xuất giỏi Lê Thành Phương cũng không khỏi thất vọng: “Mấy chục năm trồng mía, chưa có năm nào nông dân gặp cảnh thê thảm như năm nay. Giá mía lúc đầu vụ cũng còn vớt vát được đôi chút, nhưng càng vào vụ giá mía càng giảm và đến cuối vụ nông dân phải khó khăn lắm mới bán tháo được giá 300 đồng/kg, trong khi giá thành mỗi ký mía ít gì cũng 600 – 700 đồng/kg”.

Cây mía vẫn cho năng suất, chữ đường cao trên đất Cù Lao Dung, nhưng do tác động của thị trường nên nông dân đã không còn mặn với nó.

Giá mía xuống thấp cùng những dự báo không mấy khả quan cho ngành mía đường khi hiệp định thương mại tự do khối ASEAN chính thức mở cửa cho đường nội khối nhập vào Việt Nam với mức thuế suất thấp nhất càng khiến nông dân không còn thiết tha với cây mía. Một cuộc “tháo chạy” khỏi cây mía diễn ra ngày càng rầm rộ hơn, số lượng lớn hơn và rủi ro vì thế cũng sẽ cao hơn. Theo kế hoạch, niên vụ mía 2018 – 2019, huyện Cù Lao Dung sẽ giảm khoảng 1.000ha trồng mía xuống còn 5.400ha so với niên vụ 2017 – 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua rà soát của các địa phương trong huyện, số diện tích mía thực tế còn lại chỉ vào khoảng 3.200ha, tức đã có thêm 2.000ha mía “ngoài kế hoạch” được chuyển đổi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Bé Tư, năm nay do tác động của thị trường khiến giá mía xuống thấp, có lúc chỉ bằng một nửa giá thành, nên có sự xáo trộn lớn trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, đặc biệt là 2.000ha mía được chuyển đổi ngoài dự kiến. Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Ngoài 1.000ha mía chuyển đổi theo kế hoạch, 2.000ha còn lại hiện vẫn còn “lơ lửng” chưa biết phải chuyển sang cây trồng, vật nuôi gì để đảm bảo hiệu quả. Đây thật sự là một thử thách không nhỏ cho cả nông dân và lãnh đạo địa phương”.

Linh hoạt để thích ứng

Do mía rớt giá, hàng trăm hécta mía đã được nông dân chuyển sang đào ao nuôi tôm.

Tiềm năng và dư địa phát triển nông nghiệp của Cù Lao Dung còn rất lớn, nhưng nếu chuyển đổi một cách ồ ạt và đồng loạt ngân sách cũng như khả năng của nông dân sẽ không thể đảm đương nổi. Vì vậy, theo ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong quá trình chuyển đổi phải hết sức linh hoạt để thích ứng với tình hình thực tế và quan trọng là phải có doanh nghiệp đồng hành để đảm bảo khâu tiêu thụ. Ông Vân đề xuất: “Đối với những diện tích mía chưa có đủ điều kiện để chuyển đổi thì nên khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp giảm giá thành sản xuất, như: lưu gốc, cơ giới hóa, cân đối lượng phân bón để tăng năng suất, chữ đường…”.

Do nông dân không có vốn và cũng chưa biết phải chuyển sang cây trồng gì có hiệu quả hơn, nên việc chọn giải pháp lưu gốc để tiết giảm chi phí đầu tư cho 2.000ha mía “lơ lửng” là khá phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Phương, việc buộc phải tiếp tục lưu gốc cũng đồng nghĩa với việc nông dân không đầu tư mạnh cho khâu chăm sóc, nên năng suất, chữ đường niên vụ tới chắc chắn sẽ thấp, thu nhập sẽ lại giảm và khó khăn lại tiếp tục chồng chất. Cũng theo ông Phương, đất Cù Lao Dung không những thích hợp cho nhiều loại cây ăn trái phát triển tốt, mà còn cho chất lượng ngon hơn khi trồng ở những vùng khác, đặc biệt là bưởi da xanh. Ông Phương dẫn chứng: “Qua thời gian sản xuất 3 loại cây chủ lực là: mía, dừa và bưởi da xanh, đến giờ tôi có thể khẳng định rằng, chỉ có cây bưởi da xanh là mang lại hiệu quả cao nhất và ổn định nhất”.

Vào thời hoàng kim, diện tích mía ở Cù Lao Dung lên đến 15.000ha, trở thành cây trồng chủ lực của xứ cù lao. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã thay đổi rất nhanh và nếu thị trường tiêu thụ không được cải thiện, chỉ cần đôi ba năm nữa thôi “đảo mía” nhiều khả năng sẽ không còn mía. Cái viễn cảnh ấy nếu trở thành hiện thực xét về mặt quy luật cũng là chuyện hết sức bình thường như phân tích của Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn: “Trong điều kiện phải chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và thị trường, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất là một tất yếu, nhưng quá trình chuyển đổi cần phải xác định theo hướng sạch, thân thiện môi trường và phù hợp với xu thế thị trường, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đảm bảo mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững”. 

Xuân Trường

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: