• Huyện Cù Lao Dung

Nghề rèn trên đất cù lao

24/06/2017 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Bảy, 24/06/2017 | 13:00

STO - Những chiếc phà chở khách qua dòng sông Hậu hiền hòa quanh năm bồi đắp phù sa đưa chúng tôi về miền đất Cù Lao Dung trù phú. Mỗi lần trở lại nơi đây lại thấy xứ cù lao “thay da đổi thịt” nhanh chóng.

Tại thị trấn Cù Lao Dung, bên cạnh những con đường nhựa rộng thênh thang là những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát, cuộc sống đô thị đang len lỏi mọi ngõ ngách của đời sống, nhưng đâu đó vẫn nghe thấy những âm thanh quen thuộc của máy đập, máy mài đều đặn vang lên từ các lò rèn.

Theo lời kể các bậc cao niên, nghề rèn là nghề truyền thống ở Cù Lao Dung, có sức sống mạnh mẽ và được duy trì đến ngày nay. Chú Phạm Văn Bào, ở ấp An Lạc (An Thạnh Tây) hơn 40 năm gắn bó với nghề rèn cho biết: “Theo ông cha kể lại, nghề rèn có từ rất lâu rồi, khi lưu dân đến đây khai khẩn đất đai, do nhu cầu đời sống nông nghiệp của cư dân nên những nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không thể thiếu, như: rựa, dao, lưỡi hái… Từ đó, nghề rèn được ra đời, gắn bó với đời sống nhà nông và tiếp tục phát triển đến ngày nay. Đối với tôi, nghề rèn là nghề gia truyền nên không thể bỏ được, khi nào không còn làm được nữa mới thôi”. 

Máy móc dần thay thế sức lao động của con người.

Chú Bào năm nay 64 tuổi, nhưng vẫn mở một tiệm lò rèn ngay tại nhà để cung cấp các công cụ phục vụ cho bà con tại địa phương. Lò rèn của chú làm thủ công là chính, vì đã lớn tuổi nên chú chỉ làm cho đỡ nhớ nghề. Chú Bào cho biết thêm: “Nghề rèn làm thủ công đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt thì mới làm ra nhiều sản phẩm. Hơn nữa phải có sự yêu nghề, cần cù khéo léo tạo ra những sản phẩm tinh xảo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Người dân ở xứ cù lao sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó mía là cây chủ lực nên những nông cụ phục vụ cho sản xuất lao động đã trở thành những vật dụng quen thuộc của bà con”. 

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy móc ra đời thay thế sức lao động, nên những người thợ rèn cũng đỡ vất vả hơn. Chúng tôi đến thăm cơ sở rèn của anh Phạm Tấn Hiệp (37 tuổi), ở ấp Phước Hòa B (thị trấn Cù Lao Dung). Cơ sở của anh Hiệp là 1 trong 3 cơ sở rèn lớn của thị trấn được đầu tư phương tiện máy móc hiện đại. Ngoài ra, còn một số lò rèn nhỏ lẻ nằm rải rác ở khắp các ấp trong huyện.

Anh Hiệp vốn là con nhà nòi vì gia đình anh đã 8 đời theo nghề rèn. Với vóc dáng cao to, nước da khỏe khoắn và niềm đam mê với nghề nên anh rất vui vẻ kể cho chúng tôi nghe tường tận về nghề rèn. Do ngày trước, đời sống còn khó khăn nên khi còn là một cậu bé, sáng cắp sách đến trường, chiều về phụ giúp cha làm rèn nên nghề đã gắn bó với anh Hiệp từ khi nào không hay.

Khi lớn lên lập gia đình, ra riêng với đồng vốn ít ỏi, năm 2007 anh đã tự mở cơ sở rèn. Nhờ sự kiên trì và chịu khó, nên cơ sở của anh Hiệp từ lúc vốn liếng chỉ có mấy chục triệu đồng, đến nay quy mô của cơ sở đã được mở rộng lên đến khoảng 600 triệu đồng, với đầy đủ máy móc hiện đại và anh đã tạo công việc thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương. Tùy theo tay nghề của thợ, nếu giỏi trung bình thu nhập mỗi người từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. 

Anh Phạm Tấn Hiệp cho biết: “Nghề rèn vốn là nghề rất lao tâm, lao lực nên muốn làm được và gắn bó lâu dài với nghề rèn thì phải kiên trì, yêu nghề, phải có năng khiếu và mắt thẩm mỹ, óc sáng tạo vì công cụ sản xuất ở mỗi vùng miền khác nhau. Muốn sản phẩm làm ra chất lượng và tạo được uy tín trên thị trường thì sắt phải tốt, tuy nhiên tay nghề của thợ vẫn là quyết định. Muốn có nguyên liệu sắt tốt và giá rẻ, tôi phải lấy ở tận TP. Hồ Chí Minh. Để làm được một sản phẩm, khi còn làm thủ công thì phải mất nhiều thời gian và công sức. Bây giờ, có các loại máy, như: máy đập, máy chặt, cán sắt… và một số máy tôi tự sáng chế như máy đập sắt đã thay thế sức lao động rất nhiều, sản phẩm làm ra vừa có năng suất và chất lượng gấp 10 lần so với làm thủ công. Hồi đó, ngồi lò phải cần từ 2 đến 3 thợ, bây giờ chỉ cần 1 thợ thôi”. 

Để có được những sản phẩm tưởng chừng đơn giản ấy, những người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn gia công khác nhau. Từ một thanh sắt còn thô nhưng tùy theo nguyên liệu và sản phẩm, những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của các sản phẩm, rồi cho vào máy chặt, sau đó đưa qua lò lửa nung. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu và sản phẩm tạo ra dày mỏng thời gian nung sẽ khác nhau, rồi đưa ra đập, gọt, mài, giũa, sau đó đến giai đoạn chui là khâu hoàn thiện, sản phẩm có sắc bén hay không thì khâu này quyết định và làm cán cũng cần phải có một thợ làm riêng. 

Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện nay rất nhiều gia đình ở Cù Lao Dung đã đầu tư mua máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất làm việc. Giờ đây, máy móc đã thay cho bàn tay con người. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế. Do vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt.

Cũng nhờ có máy móc, rất nhiều gia đình ở thị trấn Cù Lao Dung đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn, như: cơ sở của anh Phạm Chí Tâm; cơ sở Phương Thảo... Các sản phẩm rèn làm ra ngày càng tinh xảo, sắc bén, phong phú về chủng loại, đa dạng về kích cỡ, phù hợp với từng vùng, miền và điều kiện sản xuất trong tình hình mới. Nhờ uy tín và chất lượng nên các sản phẩm rèn ở Cù Lao Dung làm ra có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con ở địa phương mà còn có mặt ở khắp các tỉnh lân cận, như: Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ… 

Dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng nhu cầu về các mặt hàng rèn phục vụ sinh hoạt trong gia đình và trong sản xuất nông nghiệp vẫn rất lớn, nên nghề rèn ở Cù Lao Dung vẫn sẽ tồn tại và gắn bó với đời sống xã hội, đặc biệt ở vùng nông thôn. Mùa nắng thì làm không hết việc và các sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, vì thế đời sống của người dân làm nghề này ngày càng khấm khá hơn. Cùng với tiến bộ về kỹ thuật và lòng yêu nghề, người dân Cù Lao Dung đã gìn giữ được nghề rèn truyền thống và từng bước đưa nghề rèn phát triển mạnh mẽ cùng thời gian trong xu thế hội nhập và phát triển. 

  K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: