• Huyện Cù Lao Dung

Nhiều chợ nông thôn Cù Lao Dung chưa phát huy hiệu quả

06/04/2017 16:45 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 06/04/2017 | 16:45

STO - Là huyện cách trở về giao thông, nên người dân Cù Lao Dung muốn giao thương hàng hóa với các huyện khác trong và ngoài tỉnh phải phụ thuộc vào những chuyến phà. Chính điều bất lợi trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để phát huy được thế mạnh của vùng đất cù lao, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã đầu tư nhiều công trình giao thông vận tải, thủy lợi nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất nông nghiệp của người dân. Ngoài việc đầu tư các công trình trên, việc xây dựng các chợ nông thôn để làm nơi trao đổi buôn bán của người dân là rất cần thiết. Do vậy, ngoài nguồn vốn do Nhà nước đầu tư, huyện còn vận động các doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng chợ bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do tập quán của người dân quen nhóm chợ gần nơi dân cư, có nhiều người qua lại nên khi các khu chợ được xây dựng cách đó không xa, mặc dù khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn không thu hút được các tiểu thương vào kinh doanh.

Chợ Rạch Đáy, xã Đại Ân 1 đìu hiu không có một hộ kinh doanh.

Khác với sự tấp nập vào buổi sáng của các chợ vùng nông thôn, chúng tôi có dịp đến chợ Rạch Đáy (Đại Ân 1), nhận thấy không có một bóng người, toàn bộ khu bên trong chợ được quét dọn sạch sẽ nhưng trống trải, nằm hiu quạnh giữa rẫy mía rộng mênh mông. Thấy chúng tôi, một phụ nữ trung niên với gương mặt đượm buồn đi nhanh đến hỏi: “Có phải cô chú đến để đầu tư mới công trình nào khác hay không?”. Hỏi ra mới biết, gia đình bà đã tự nguyện hiến khu đất rộng hơn 2.000m2 để thành lập chợ Rạch Đáy.

Trao đổi với chúng tôi, bà giới thiệu tên Đầy và chia sẻ thêm: “Thấy ở xã mình trước giờ chẳng có khu chợ đàng hoàng, hễ sáng ra, ai muốn bán gì cứ cho vào một cái thau hoặc cái rổ nhỏ để cặp dọc theo mép lộ mà bán, người đi chợ ở quê cũng quen tập tính buôn bán như vậy nên cứ chạy xe vụt đến và ngồi trên xe mua hàng. Trước đây, bán mua như vậy là chuyện thường nhưng giờ đường giao thông thuận lợi, xe máy chạy vèo vèo rất nguy hiểm. Bản thân tôi ao ước quê mình có một ngôi chợ đàng hoàng để người bán, người mua thuận tiện hơn khi có chỗ ngồi đàng hoàng”.

Cũng theo bà Đầy, chính nguyên nhân trên, khi địa phương vận động hiến đất làm chợ, gia đình bà đồng ý ngay, với suy nghĩ đơn giản, có chợ gần nhà sẽ thuận tiện hơn, khi muốn mua thức ăn hay có chợ rồi thì đất gia đình thêm giá trị. Khi chợ xây xong vào năm 2005, gần 20 hộ đến bán buôn nhưng người mua không đến, hàng ế ẩm, các tiểu thương cầm cự khoảng 2 tuần, họ quay lại chỗ bán cũ, thế là chợ bỏ trống nhiều năm nay.

“Tôi xót phần đất mình tự nguyện hiến chẳng được lợi ích gì nên dọn dẹp phần đất xung quanh chợ trồng mía, kiếm thêm thu nhập”, bà Đầy bộc bạch. Cùng với tiếng thở dài, bà hướng ánh mắt xa xăm tiếp lời: “Không biết khu đất làm chợ do tôi hiến sẽ được chuyển đổi như thế nào trong tương lai vì chợ đã bán buôn thất bại!”.

Cũng là người tự nguyện hiến đất làm chợ An Thạnh 2, bà Nguyễn Việt Thùy tâm tình: “Gia đình tôi có truyền thống cách mạng lâu đời nên việc tiếp tục cống hiến cho Nhà nước những gì làm được thì sẵn sàng làm. Chẳng hạn, khi địa phương vận động hiến đất làm chợ, gia đình đồng ý ngay. Mặc dù đất gần lộ bêtông liên xã và có giá trị cao nhưng gia đình vẫn dành hơn 1.000m2 để hiến làm chợ nhưng buồn thay, chợ được xây kiên cố, ở vị trí đẹp như thế mà nhiều hộ kinh doanh không thể bán buôn vì ế ẩm. Tôi nghĩ, người dân ở quê đã quen với việc “xề” mua hàng cặp theo lộ rồi nên đi vào chợ, gởi xe, rồi “cuốc bộ” họ không thích”.

Cũng theo lời bà Thùy, thấy chợ bỏ trống mấy năm nay, sợ xuống cấp, hàng ngày bà quét dọn, tối đến thì mở đèn và mở bán đồ ăn sáng, ngày kiếm vài chục nghìn đóng tiền điện. “Tôi hy vọng chính quyền sẽ có hướng phát triển mới trên diện tích đất tôi đã hiến để gia đình cảm nhận được rằng đã đóng góp phần nhỏ cho việc xây dựng xã nhà trong thời bình”, bà Thùy cho biết thêm.

Chợ An Thạnh 1 có nhiều ki-ốt “cửa đóng then cài” chỉ có 2 hộ kinh doanh.

Rời hai khu chợ vắng vẻ đìu hiu không một bóng người kinh doanh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với chợ nông thôn mới An Thạnh 1. Khác xa với sự tấp nập dòng người trên các cung đường, vì có những chuyến phà đưa rước khách sang sông, khung cảnh tại chợ quá đỗi khang trang, bề thế, khu vực kinh doanh được phân định thành từng khu riêng biệt, nhưng nhiều ki-ốt “cửa đóng then cài”.

Một khu chợ rộng thênh thang chỉ có hai hộ kinh doanh là bán tạp hóa và bán cà phê. Thấy có khách lạ ghé đến chợ, hai tiểu thương này nhanh chân đến “do thám” tình hình. Một tiểu thương tên Hạnh bộc bạch: “Tôi hy vọng các cấp chính quyền sớm dời các hộ bán buôn chỗ chợ cũ về chợ mới cho đông hơn, để việc buôn bán thuận lợi hơn, chứ họ cứ bán vậy làm gì khách chịu đến chợ mới mua hàng”.

Nghe những lời tâm sự buồn não ruột của các chị bán ở chợ mới, chúng tôi tìm về khu chợ cũ - nơi vẫn đang hoạt động náo nhiệt dọc theo tuyến lộ. Nở nụ cười hiền lành, cô Bùi Thị Anh Thư, ấp An Thường chân tình thổ lộ: “Tôi bán tại chợ này được hơn 9 năm rồi, thấy có chợ mới cũng vui lắm, muốn vào đó bán cho “xôm tụ” nhưng do không đủ tiền để thuê ki-ốt nên đành phải tiếp tục bám trụ bán ở đây được ngày nào hay ngày đó”.

Còn chị Thắm thông tin thêm: “Tôi biết xã mình là xã nông thôn mới, nên việc mua bán phải có trật tự, nề nếp, tạo nên diện mạo của xã nhà, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn, bán tiền lãi hôm nào xài hết hôm đó, kiếm tiền đâu vài chục triệu đồng để thuê ki-ốt, nếu tiền thuê hạ xuống chút đỉnh, chúng tôi sẽ cân nhắc lại vào khu chợ mới để kinh doanh”.

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cù Lao Dung Chung Chí Trường cho biết: “Trên địa bàn toàn huyện có 6 chợ/8 xã, thị trấn; trong đó, có 3 chợ hoạt động tốt và là các chợ được hình thành lâu đời do Nhà nước đầu tư, còn với 3 chợ do tư nhân đầu tư, như: Rạch Đáy, An Thạnh 1, An Thạnh 2 hoạt động không hiệu quả, có các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Khi nhà đầu tư tiến hành xây chợ có nhiều hộ dân đăng ký vào bán và dựa trên cơ sở đó, xây dựng theo nhu cầu, nhưng khi hoàn thiện số hộ vào kinh doanh ế ẩm nên họ lại quay về nơi bán cũ”.

Theo lời Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cù Lao Dung Chung Chí Trường, do tập quán của người dân quen bán buôn tại nhà nên họ không có nhu cầu vào chợ và với người mua ít nhu cầu mua sắm nếu cần mua hàng sẽ tới các chợ lớn vì đường giao thông thuận tiện. Riêng với chợ An Thạnh 1, do nhà đầu tư mới xây dựng xong không lâu nên đơn vị tiếp tục vận động hộ dân vào kinh doanh và nếu chợ không hiệu quả sẽ hướng tới kêu gọi nhà đầu tư mở siêu thị hay vựa nông sản. Còn đối với các chợ xã hoạt động kém hiệu quả sẽ xin ý kiến của lãnh đạo huyện, tỉnh có hướng chuyển đổi phù hợp.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: