• Huyện Cù Lao Dung

Phân vùng chuyển đổi sản xuất ở Cù Lao Dung

06/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 06/06/2018 | 06:00

STO - Trước những khó khăn trong canh tác cây mía, hiện nay nhiều nông dân ở huyện Cù Lao Dung đang loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền cùng ngành nông nghiệp của huyện đang triển khai kế hoạch chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang đối tượng canh tác khác.

Có lẽ chưa năm nào nông dân chuyên canh cây mía ở Cù Lao Dung phải đối diện với nhiều khó khăn như năm nay, từ chuyện khan hiếm nhân công, thiếu phương tiện vận chuyển đến việc giá mía giảm nặng nề. Để tiếp tục gắn bó với nghề nông, nhiều hộ trăn trở tìm cây trồng khác để thay thế cây mía.

Ông Võ Tấn Thành ở xã Đại Ân 1 chia sẻ: “Tôi có hơn 10 công trồng mía, vụ vừa rồi bán mão được 4,5 triệu đồng/1 công, tính ra mỗi công lỗ 2,5 triệu đồng. Giá mía bấp bênh liên tục nhiều năm nay nên tôi đang chuẩn bị chuyển sang trồng dừa và một số loại rau màu khác để có nguồn thu nhập ổn định”.

Ông Võ Tấn Thành ở xã Đại Ân 1 chuẩn bị chuyển một phần diện tích đất mía kém hiệu quả sang trồng dừa.

Ông Thành là một trong số rất nhiều nông dân phải tìm đối tượng canh tác mới để thay thế cho cây mía khi liên tiếp 3 năm nay, cây trồng chủ lực này ở huyện Cù Lao Dung gặp phải nhiều khó khăn. Theo nhiều hộ trồng mía, việc chuyển đổi sang cây trồng hay vật nuôi gì còn phải tính toán kỹ vì những năm gần đây, khi mía thất thu đã làm nhiều hộ thiếu hụt vốn đầu tư cho vụ canh tác mới.

Anh Nguyễn Hoàng Tiến ở thị trấn Cù Lao Dung trải lòng: “Nếu cứ tiếp tục chuyên canh cây mía e là khó có đời sống ổn định. Qua nhiều năm trồng mía, năm nay tôi thấy ảm đạm nhất, bởi 2 công mía chỉ bán được 12 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư đến 15 triệu đồng. Tôi nghĩ, chuyển đổi sang cây gì cũng phải tính đến đầu ra cho ổn định”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, niên vụ mía năm 2017 - 2018, trên địa bàn huyện có 6.326ha được xuống giống, đến nay còn khoảng 1.000ha chưa thu hoạch do thiếu nhân công và ghe vận chuyển. Giá bán mía tại rẫy trong những ngày cuối tháng 5-2018 chỉ từ 400 đồng/kg trở xuống, trong khi đó mưa xuống càng làm ảnh hưởng đến chữ đường và khó khăn trong khâu vận chuyển nên nhiều hộ còn mía chưa bán được, phải chịu lỗ. Dự đoán, đến giữa tháng 6-2018 thì diện tích mía còn tồn đọng hiện nay mới được thu hoạch dứt điểm. 

Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn, huyện Cù Lao Dung đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với giải quyết những khó khăn cho bà con trồng mía. Theo đó, trong năm 2018, huyện sẽ giảm 918ha mía kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn trái 547ha, nuôi tôm 250ha và trồng màu các loại 121ha. Việc chuyển đổi này được phân vùng để thực hiện, các xã đầu cù lao như: An Thạnh 1, An Thạnh Tây, thị trấn Cù Lao Dung và một phần của xã An Thạnh Đông được quy hoạch chuyển đổi trồng cây ăn trái; các xã: Đại Ân 1, An Thạnh 2, An Thạnh Đông, An Thạnh 3 và An Thạnh Nam được quy hoạch chuyển đổi sang nuôi tôm và các loại rau màu khác; riêng trồng màu tập trung ở các địa phương gồm: thị trấn Cù Lao Dung, An Thạnh Tây, An Thạnh 3, An Thạnh Nam và một phần của xã Đại Ân 1. 

Niên vụ 2017 - 2018, nhiều hộ trồng mía ở Cù Lao Dung chịu lỗ.

Tại xã Đại Ân 1, trong năm 2018, kế hoạch của xã sẽ chuyển khoảng 200ha mía kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác; đến nay, nhiều nông dân đã chuyển hơn 175ha mía sang trồng bưởi, dừa và nuôi tôm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 Trần Trung Ngoan, gần đây khi huyện có chủ trương cho nông dân trồng cây đậu nành rau thí điểm, UBND xã đã phát động cho người dân đăng ký được 3,4ha. Dự kiến, khi mô hình này thành công sẽ nhân rộng cho các hộ khác đang canh tác mía kém hiệu quả. Về phía UBND xã cũng phối hợp với các ngành chuyên môn và UBND huyện để liên hệ công ty, doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho bà con an tâm sản xuất.

Được biết, đậu nành rau là một trong những loại hoa màu đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập ổn định hơn so với một số cây trồng khác đã được một số tỉnh khác áp dụng. Với mô hình này, trong vụ trồng thí điểm đầu tiên, nông dân đăng ký tham gia sẽ được công ty và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ kỹ thuật và chi phí mua giống. Anh Nguyễn Hoàng Tiến ở thị trấn Cù Lao Dung cho biết: “Hy vọng, với hướng đi mới là cây đậu nành rau, sản phẩm được bao tiêu thì nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định hơn so với trồng cây mía”. 

Trong niên vụ 2018 - 2019, kế hoạch xuống giống mía của huyện là 5.444ha, đến nay đã xuống giống được 1.500ha. Ngoài ra còn có 2.800ha mía do lưu gốc từ vụ trước, việc lưu gốc không tốn nhiều chi phí nhưng năng suất sẽ thấp hơn so với trồng mới, điều này cho thấy nhiều hộ đã tính toán cẩn thận hơn trong tái sản xuất.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Đồ Văn Thừa thông tin thêm: “Sắp tới, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ đầu tư xây dựng một số mô hình sản xuất, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm hỗ trợ cây, con giống cho một số hộ nông dân để chuyển đổi từ diện tích mía sang cây trồng, vật nuôi khác. Riêng cây đậu nành rau, hiện nay có Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang đang phối hợp với huyện tiêu thụ sản phẩm của nông dân để xuất khẩu sang Nhật Bản; đồng thời huyện sẽ thành lập hợp tác xã rau màu để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con thành viên hợp tác xã và bà con bên ngoài. Qua tuyên truyền, vận động, bà con đã đăng ký canh tác gần 20ha”.

Việc quy hoạch vùng sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay thế cho diện tích mía kém hiệu quả đang được ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương triển khai tích cực. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Quốc Kha

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: