• Huyện Cù Lao Dung

Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nghêu giống

10/03/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 10/03/2020 | 06:00

STO - Từ năm 2006, khu vực rừng ngập mặn và khu vực bãi bồi địa bàn xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) xuất hiện nhiều loài thủy sản có giá trị như: cua, cá thòi lòi, ba khía, ốc len, vọp, nghêu… đặc biệt trong đó là loài nghêu bố mẹ, nghêu giống xuất hiện nhiều tại khu vực bãi bồi, thời gian cuối tháng 3 đến tháng 8 (dương lịch) hàng năm. Đồng thời, bãi bồi là bãi cát rộng lớn, lấn dần ra biển Đông có diện tích 830ha. Đây được xem là khu vực quy hoạch bảo tồn bãi nghêu giống do phù hợp điều kiện tự nhiên, số lượng nghêu bố mẹ tập trung sinh sản lớn. Tuy nhiên, số lượng người đến khai thác nghêu khá đông vào mùa nghêu sinh sản nên bài toán đặt ra cho ngành chuyên môn cùng địa phương là làm thế nào để quản lý và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn nghêu giống tại bãi bồi để vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa bảo tồn loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao ở vùng ven biển tỉnh nhà.

Đang miệt mài cào lớp cát tìm nghêu, anh Nguyễn Hoàng Khánh, ở xã Trung Bình (Trần Đề), người theo nghề cào nghêu vài năm chia sẻ: “Do gia đình đơn chiếc, nếu đi làm công nhân thì phải đi xa nhà nên tôi đành gắn bó với công việc cào nghêu. Cào nghêu chủ yếu bỏ công sức và thu về lợi nhuận vì đây là "lộc" của biển. Bình quân 1 ngày tôi cào được 2kg - 4kg nghêu thương phẩm, bán được 100.000 đồng - 200.000 đồng. Hiện nay, số lượng nghêu đã giảm hơn 50% so với 4 năm về trước, tôi còn nhớ thời điểm năm 2016, mỗi ngày tôi cào từ 8kg - 10kg nghêu, thu về số tiền 350.000 đồng - 400.000 đồng, giờ không hiểu sao nghêu không còn dồi dào như trước…”.

Bãi nghêu rộng lớn mênh mông tại xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung). Ảnh: Thúy Liễu

Ông Huỳnh Minh Nhật, ở xã Trung Bình (Trần Đề) tâm tình: “Hễ qua tết vào tháng 2 hàng năm là tôi đi cào nghêu, mỗi ngày cào được tầm 2kg, có ngày cào 5kg - 6kg. Năm rồi cào tới tháng 9 mới kết thúc mùa nghêu, năm nay mới bắt đầu cào nhưng lượng nghêu ít quá, không biết vài tháng nữa số lượng nghêu có tăng lên không. Trung bình 1 ngày cào nghêu tôi kiếm được tầm 200.000 đồng. Tôi thấy thực tế số lượng nghêu giảm rõ rệt theo từng năm, có lẽ do số lượng người dân đi bắt nghêu nhiều nên làm giảm số lượng nghêu”.

Nghêu tại bãi bồi xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên nên thịt rất ngon và ngọt, chính vì vậy mà nhu cầu người dân dùng loài thực phẩm này rất cao. Đây là loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, gắn liền với sinh kế của hàng trăm hộ dân vùng ven biển Sóc Trăng hưởng lợi từ “lộc biển”. Với người dân đi cào nghêu, mỗi ngày họ kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Do đó, việc cào nghêu là nguồn sinh kế của hầu hết người dân có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, việc quản lý đánh bắt nghêu chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng khai thác trộm nghêu bố mẹ đối với khu vực bảo tồn bãi nghêu giống, thêm vào đó là tình hình biến động về thời tiết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự thay đổi dòng chảy của sông Mêkông làm cho sản lượng nghêu bố mẹ suy giảm. 

Để bảo tồn và phát triển nghêu giống tại bãi bồi Cù Lao Dung, ngành nông nghiệp đã thực hiện Đề tài “Khảo sát, đánh giá trữ lượng và thời điểm xuất hiện nguồn nghêu giống ở vùng ven bờ biển Sóc Trăng”, qua đó biết được vị trí, thời điểm xuất hiện và trữ lượng nguồn nghêu giống, đưa ra các biện pháp khai thác hợp lý cũng như quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân vùng ven biển.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù Lao Dung Đồ Văn Thừa cho biết: “Sản lượng khai thác nghêu hiện nay so những năm trước khoảng 80%. Trước thực trạng sản lượng nghêu ngày càng cạn kiệt, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng cấp tỉnh và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác nghêu và đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát để bảo vệ bãi nghêu giống trong thời gian tới”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã nhấn mạnh: “Ngành chuyên môn sẽ triển khai kế hoạch, phương pháp tổ chức quản lý, khai thác, xây dựng khung pháp lý để tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Còn vấn đề bảo tồn và khai thác bền vững bãi nghêu giống huyện Cù Lao Dung cần huy động cả sự quản lý của cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tổ chức mô hình nhóm đồng quản lý trong khai thác thủy sản theo quy định, có tổ chức, có kế hoạch là giải pháp bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Thông qua mô hình sinh hoạt tổ, nhóm, phát huy vai trò quản lý của cộng đồng, tổ chức khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường ven biển, vừa khai thác vừa bảo vệ để khôi phục lại nguồn lợi kinh tế từ bãi nghêu của huyện Cù Lao Dung…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: