• Huyện Cù Lao Dung

Thành quả từ chuyển đổi sản xuất

13/06/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 13/06/2020 | 06:00

STO - Trước những tác động của biến đổi khí hậu và giá cả thị trường bấp bênh nên thời gian qua, nhiều nông dân trồng mía ở Cù Lao Dung đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong số đó, mô hình nuôi dê của ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Đại Ân 1 đã và đang mang lại nhiều kết quả khả quan.

Sau thời gian chuyên canh cây mía kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Bé quyết định đi tham quan nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm về những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả thay thế cho cây mía. Theo đó, trong dịp về tỉnh Bến Tre, ông Bé thấy mô hình nuôi dê khá hấp dẫn nên khi về quê, ông ấp ủ sẽ thực hiện mô hình này.

Chuồng dê được ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung) dựng cao ráo, thông thoáng. Ảnh: Thiện Hải

Bằng những kinh nghiệm được tích góp sau chuyến đi và bản thân tự tìm hiểu thêm cách nuôi dê trên báo chí và mạng internet, năm 2016, ông Bé mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ và mua 10 con dê về nuôi. “Ban đầu nuôi còn gặp một số khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc nhưng mình tự học hỏi dần. Lúc đó, tôi không dám chuyển diện tích đất trồng mía sang trồng cỏ mà phải đi cắt cỏ, cắt rau hơn 1 năm để nuôi dê. Đến khi thấy nuôi dê dần có hiệu quả mới dám chuyển 1.000m2 đất trồng mía sang trồng cỏ” - ông Bé nhớ lại.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi mà đàn dê của gia đình ông Bé dần tăng lên. Đến nay, ông Bé sở hữu gần 60 con dê, lúc cao điểm, đàn dê của gia đình lên tới hơn 100 con, các chuồng nuôi dê được xây dựng trên diện tích khoảng 200m2 được phân chia ra khu nuôi dê đẻ và khu nuôi dê thịt để tiện lợi chăm sóc. Đầu ra trong việc nuôi dê của ông Bé cũng ổn định, dê thịt thì ông Bé bán cho các nhà hàng, quán ăn, còn dê giống được bán cho những hộ dân có nhu cầu chăn nuôi trong và ngoài huyện. Hiện nay, mỗi tháng ông Bé có thu nhập ít nhất 15 triệu đồng từ việc bán dê giống và dê thịt, chưa tính thêm lợi nhuận từ việc bán phân dê để người dân sử dụng trong trồng trọt.

Theo ông Bé, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước ngọt càng khan hiếm thì việc trồng mía sẽ càng gặp khó khăn. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cần thiết phải thực hiện. Chia sẻ về định hướng tới, ông Bé cho biết, dự định sẽ chuyển đổi một phần diện tích đất trong tổng số 4.000m2 đất trồng mía còn lại sang trồng cỏ để phục vụ cho nghề nuôi dê, bởi nuôi dê cho thu nhập và lợi nhuận cao hơn so với trồng mía.

Những năm gần đây, nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn và nhiều vấn đề khác như: thiếu hụt nhân công thu hoạch, giá cả thị trường bấp bênh. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Cù Lao Dung đã chuyển đổi dần diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác để thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân. Trong số các mô hình đang thực hiện thì mô hình nuôi dê là con vật dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật lại có vốn đầu tư ít, không chiếm quá nhiều diện tích đất nên đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện chọn nuôi.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: