• Huyện Kế Sách

Bà con miệt vườn ứng phó với hạn mặn

09/03/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 09/03/2017 | 06:00

STO - An Mỹ (Kế Sách) là xã nằm ven sông Hậu được phù sa bồi đắp quanh năm, nên có thế mạnh rất lớn về kinh tế nông nghiệp, mà chủ lực là vườn cây ăn trái - với các loại, như: sầu riêng, vú sữa, mận An Phước, măng cụt... và nhiều loại cây trồng khác, đã góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương này ngày càng phát triển.

Trong quá trình canh tác, do có tâm lý là địa phương có nước ngọt quanh năm nên bà con nhà vườn An Mỹ chủ yếu chỉ tiến hành đắp bờ bao nhằm ngăn những con nước lớn tràn bờ, chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc bị mặn xâm nhập, làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái. Chính vì vậy, trong đợt xâm nhập mặn vào đầu năm 2016 đã hư hại nặng diện tích vườn cây vú sữa lò rèn và các loại cây ăn trái khác của nhiều hộ dân. 

Bà Vân bên khu vườn vú sữa sum suê ngày nào giờ đã đốn sạch, chỉ còn trơ lại vài gốc cây khô

Nhằm ứng phó với hạn, mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt, trong năm 2017, xã An Mỹ đã bám theo sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành để bảo vệ diện tích cây ăn trái còn lại của địa phương, kéo giảm thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Phú Danh - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: “Rút kinh nghiệm đợt mặn lịch sử năm 2016, lãnh đạo xã đã tranh thủ các nguồn vốn từ cấp trên để đầu tư nạo vét 19 tuyến kênh nội đồng nhằm dự trữ nước ngọt lúc mặn lên. Đồng thời, tất cả các cống, bọng đều làm nắp chắc chắn, nếu mặn lên thì kịp thời đậy lại, ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng”.

Cũng theo đồng chí Danh, tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã có ít nhất 2 đợt mặn cách nhau khoảng 1 tháng, nhưng độ mặn khá thấp nên không ảnh hưởng đến việc sản xuất, trồng trọt của người dân. Ngoài ra, do xã đã bám sát các thông báo của ngành chức năng khuyến cáo nên lúc độ mặn trên sông Hậu lên cao, tiến sâu vào địa bàn, xã sẽ thông tin cho tất cả các ấp đóng cống lại.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, thông tin đến bà con khi nước mặn lên và khuyến khích người dân tự đầu tư những chiếc cống nhỏ đặt tại vườn nhà để tháo nước và cho nước vào vườn cây ăn trái được thuận tiện hơn. Đối với các ấp, đều có trang bị dụng cụ đo độ mặn, nhằm nhanh chóng phát đi thông báo cho người dân nắm, kịp thời ứng phó.

Theo số liệu thống kê, tính riêng đợt mặn năm 2016, toàn xã An Mỹ có các loại cây ăn trái bị thiệt hại nhiều nhất là vú sữa, dâu, mít... với diện tích gần 500ha; trong đó gần 400ha vú sữa bị mất trắng”. Trước thông tin trên, chúng tôi ghé tham quan vườn vú sữa của ông Nguyễn Văn Huấn, ấp Phú Tây. Qua trao đổi được biết, vườn vú sữa sum suê trái ngày nào giờ đây trở nên tiêu điều, xơ xác, khi những trái vú sữa trên cành chỉ to bằng quả bóng tenis.

Ông Huấn bên vườn cây vú sữa bị ảnh hưởng mặn, sau phục hồi cho trái rất còi cọc

Ông Huấn với gương mặt buồn tâm tình: “Tôi có hơn 60 gốc vú sữa, trồng được 8 năm. Nếu như so với cùng kỳ tháng này của năm trước thì vườn cây đang vào vụ thu hoạch trái; nhưng đùng một cái, chỉ khoảng 1 tháng sau toàn bộ lá trên cây rụng sạch, qua tìm hiểu nguyên nhân mới biết do mình tưới phải nước mặn nên cây mới bị rụng lá. Sau đó, cây vẫn ra lá mới nhưng năng suất trái không có”.

Theo tính toán của ông Huấn, cả vụ vú sữa vừa rồi thu hoạch chỉ khoảng 300kg, so với trước khi bị mặn gây thiệt hại thu hoạch gần 2,5 tấn trái. Chỉ tay về phía những cây vú sữa vừa mới thu hoạch, ông Huấn cho biết thêm: “Tới đây, biết có mặn xâm nhập, tôi đã lên các phương án ứng phó như: làm lại các cống dẫn nước vào vườn, thường xuyên nghe thông báo trên loa phát thanh của xã về độ mặn. Dự kiến, tôi sẽ đốn bỏ vườn vú sữa trồng lại cây bưởi da xanh. Hy vọng cho thu nhập cao hơn”.

Không như ông Huấn vì vườn vú sữa còn trái để bán vớt vát ở vụ này, bà Thạch Thị Ngọc Vân, ấp Phú Tây dẫn chúng tôi ra vườn phía sau nhà với toàn bộ hơn 70 gốc vú sữa đã bị đốn dọn sạch sẽ, chỉ còn lại vài gốc. Bà Vân bộc bạch: “Từ vườn vú sữa này mà trước đây gia đình tôi có thu nhập 20 triệu đồng/năm, số tiền trên đủ trang trải mấy tháng trong khi đợi thu hoạch vụ lúa. Năm nay, xem như trắng tay, giờ trong vườn còn lại số chanh không hạt đang trong giai đoạn cho trái và vài chục gốc bưởi Năm roi. Rút kinh nghiệm năm rồi bị mặn, năm nay gia đình cẩn thận hơn trong việc lấy nước tưới vào vườn cây, nhất là vào thời điểm hiện tại. Vì vậy, mỗi ngày tôi đều chờ nghe thông tin từ loa phát thanh của xã nhằm biết diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có kế hoạch lấy nước, cũng như đóng mặt cống, nhằm không để cảnh cũ lập lại làm hư hại phần diện tích cây ăn trái còn lại trong vườn”.

Đồng chí Huỳnh Phú Danh cho biết thêm: “Vú sữa là một trong những loại cây ăn trái chủ lực của xã nhiều năm qua nên khi thiệt hại đã làm cho nhà vườn hết sức hoang mang và lo lắng vì không những mất thu nhập mà còn tốn thời gian trồng loại cây trồng mới. Qua đợt mặn vừa rồi mới nhận thấy, cây vú sữa chịu mặn kém nên xã khuyến cáo bà con xuống giống một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá, như: xoài Đài Loan, dừa hay các loại cây có múi khác và đây được xem là những loại cây trồng chống chịu hạn mặn khá tốt. Do vậy, trên địa bàn xã hiện người dân đang tiến hành đốn hạ diện tích cây vú sữa bị chết trồng lại các loại cây trên”. 

Riêng cây lúa, để tránh hạn, mặn gây ảnh hưởng, lãnh đạo xã khuyến cáo bà con làm lúa nên chọn giống lúa ngắn ngày canh tác. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ Huỳnh Phú Danh nhận định: “Tình hình năm nay, nếu thời tiết vẫn bình ổn như hiện tại thì chắc chắn bà con xã An Mỹ sẽ trúng vụ lúa Xuân - Hè, vì lúa đang giai đoạn chuẩn bị làm đòng, trổ - chín. Riêng với cây ăn trái, giá cả cũng tương đối ổn đảm bảo người trồng có lợi nhuận”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: