• Huyện Kế Sách

Chủ động ứng phó với hạn, mặn

25/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/02/2020 | 06:00

STO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, xã Xuân Hòa (Kế Sách) đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng trong sản xuất của nhà vườn.

Những ngày qua, ông Đoàn Văn Tám ở ấp Hòa Lộc 2 thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên sông qua hệ thống loa truyền thanh của xã và tự dùng dụng cụ đo độ mặn ở con sông cạnh khu vườn. Ðể bảo vệ 49 gốc sầu riêng đang cho trái và các loại cây trồng khác trong vườn, ông Tám đã chủ động kiểm tra cống bọng để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu.

Theo ông Tám, từ khi mặn xâm nhập đến nay đã hơn 2 tháng, có lúc mặn lên đến 2,7‰, có lúc thì thấp hơn. Do theo dõi độ mặn mỗi ngày nên khi nào độ mặn dưới sông còn 0,50‰ trở xuống là ông Tám bắt đầu dẫn nước ngọt vào để trữ và tưới cây, còn lúc nào độ mặn lên cao hơn là nhanh chóng đóng các nắp bọng lại. Dự kiến thời gian tới, nếu tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn biến gay gắt thì ông Tám sẽ cải tạo các mương trong vườn và lót bạt nilông để tiếp tục trữ nước ngọt.  

Lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa thường xuyên đi thăm vườn cây và khuyến cáo nông dân về tình hình hạn, mặn. Ảnh: Hải Hà

Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Hòa có 3.261ha trồng cây ăn trái, trong đó sầu riêng gần 400ha, vú sữa khoảng 700ha còn lại là các loại cây ăn trái khác như: mận, mít Thái… Nhiều năm nay, các loại cây trồng này đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn. Vì thế, công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ cây trồng thời điểm này đang được chính quyền cũng như nhiều nông dân quan tâm và tiến hành khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó. Ông Đoàn Út Xuân – Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi 1, ấp Hòa Lộc 2 chia sẻ: “Trong hợp tác xã chúng tôi có trang bị sẵn máy đo độ mặn để kịp thời theo dõi và ứng phó trong thời điểm này. Những ngày qua, khi mặn xâm nhập vào kênh nội đồng, các thành viên đã kịp thời dùng máy bơm ra và đợi đến khi mặn giảm xuống ở độ thích hợp thì dẫn nước ngọt vào để trữ lại phục vụ tưới tiêu. Nhờ thế diện tích trồng sầu riêng của hợp tác xã vẫn đảm bảo phát triển tốt, không bị ảnh hưởng”.

Cùng với các địa phương khác, xã Xuân Hòa cũng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi thông báo về tình hình xâm nhập mặn để UBND xã và nông dân chủ động theo dõi từ sớm nhằm có biện pháp ứng phó. Do đó, thời gian qua, UBND xã thường xuyên thông báo, tuyên truyền về tình hình xâm nhập mặn qua nhiều hình thức để người dân nắm rõ và chủ động đóng cống, bọng và trữ nước ngọt lại. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Xuân Hòa không bị thiệt hại do tình hình xâm nhập mặn do nông dân sớm được khuyến cáo và việc tưới tiêu cho cây trồng vẫn đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phan Hải Hoàng Tâm cho biết, do đặc thù của xã là trồng cây ăn trái nên nếu bị mặn xâm nhập vào sẽ gây thiệt hại nặng nề và nhà vườn sẽ mất nhiều thời gian hơn để khắc phục lại vườn cây ăn trái. Qua theo dõi tình hình, khi độ mặn giảm xuống đến mức an toàn thì UBND xã thông báo cho người dân hay để trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu. Ngoài ra, UBND xã đã đề xuất với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của huyện nạo vét một số con sông để khai thông dòng chảy; đồng thời nâng cấp bờ bao đảm bảo ngăn mặn, đối với những cống, bọng đã xuống cấp, không sử dụng được nữa, xã lập danh sách đề nghị nếu có kinh phí sẽ đầu tư nâng cấp.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, qua công tác theo dõi dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 sẽ diễn ra gay gắt, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó từ rất sớm. Cụ thể, trong tháng 8-2019, các đơn vị trong ngành nông nghiệp đã triển khai các lớp tập huấn về nâng cao năng lực ứng phó hạn, mặn đối với 6 địa phương thường bị ảnh hưởng do mặn nhiều nhất gồm: Nhơn Mỹ, An Mỹ, thị trấn Kế Sách, Thới An Hội, An Lạc Tây và Kế Thành. Đối với cây lúa, ngành chuyên môn đã lưu ý về lịch thời vụ, cơ cấu giống ngắn ngày, chống chịu mặn. Riêng vườn cây ăn trái thì khuyến cáo nhà vườn nạo vét mương vườn để tăng khả năng chứa nước, tu sửa cống, bọng, bờ bao để chủ động trữ ngọt, ngăn mặn và chuẩn bị vật liệu che phủ liếp vườn để giảm sự bốc thoát hơi nước trong vườn cây. Qua hơn 2 tháng bị xâm nhập mặn nhưng vụ lúa Đông - Xuân sớm của huyện đã được thu hoạch kịp thời và không bị thiệt hại, vụ lúa Đông - Xuân muộn bị thiệt hại 279,5ha/10.582ha (chiếm 2,64% diện tích gieo trồng). Riêng diện tích trồng cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản hiện chưa ghi nhận thiệt hại

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: