• Huyện Kế Sách

Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Kế Sách

17/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 17/01/2019 | 06:00

STO - Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tuy mới được triển khai thực hiện tại các xã: Ba Trinh, Thới An Hội (Kế Sách) vụ đầu tiên nhưng bước đầu đã có tín hiệu khả quan, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe con người.

Thực hiện mô hình sản xuất theo lúa hữu cơ, vụ Đông - Xuân 2018 - 2019 có 25 bà con tham gia, với diện tích 5ha. Đây là mô hình sử dụng hoàn toàn bằng phân chuồng hữu cơ và thuốc dưỡng sinh học dành cho lúa, hạn chế sử dụng phân hóa học, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình do Công ty TNHH Nông nghiệp VK phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện. Qua đó, từng bước chuyển dịch dần từ sản xuất lúa gạo thông thường sang sản xuất lúa gạo an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn. 

Sử dụng phân chuồng hữu cơ và thuốc dưỡng sinh học, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp VK cho biết: “Phân chuồng hữu cơ là loại phân truyền thống, có tác dụng làm tơi xốp đất, giúp cho đất phục hồi dinh dưỡng, hạ phèn mặn, đặc biệt giúp cho cây phát triển mạnh bộ rễ. Qua thời gian khảo nghiệm sử dụng cho cây lúa cho thấy, mô hình đã giúp bà con giảm chi phí sản xuất, giảm phân hóa học nhưng năng suất vẫn ổn định, tăng lợi nhuận”.

Cũng theo ông Khoa, để giúp bà con thực hiện mô hình, công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thăm đồng, tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ để hướng dẫn bà con cách sử dụng theo đúng quy trình. Theo đó, trước khi gieo sạ, bà con cần bón lót từ 100kg/ha đến 120kg/ha phân chuồng hữu cơ để cải tạo đất và hạ phèn mặn. Sau khi sạ được 3 ngày, bà con xịt thuốc sinh học chuyên dùng cho lúa để giúp cây lúa phát triển mạnh, chống cỏ dại. Trung bình cứ 10 ngày bà con xịt một lần thuốc chuyên dùng cho lúa để giúp lúa phục hồi. Khi lúa được 12 ngày, bà con rải 12kg phân chồng hữu cơ cộng thêm 5kg đạm urê/1 công. Khi lúa được 24 ngày, tiếp tục bón lần 2 nhưng số lượng phân hữu cơ tăng gấp đôi khoảng 24kg/1 công lúa. Đến thời kỳ lúa phát triển ổn định thì lượng phân càng giảm, bà con có thể điều chỉnh tăng giảm lượng phân cho phù hợp.

Nếu thực hiện theo đúng quy trình, sẽ giảm 2/3 lượng phân hóa học nhưng vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng để lúa phát triển tốt. Những vụ tiếp thì bà con sẽ bón giảm lượng phân lại vì phân chuồng hữu cơ còn tồn đọng trong đất sẽ làm tăng chất dinh dưỡng và độ màu mỡ cho đất. Đây là yếu tố quan trọng giúp lúa phát triển bền vững, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất.

Hiện đang là thời điểm bà con bước vào vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân, nhiều nông dân phấn khởi vì hiệu quả mô hình mang lại. Chú Phạm Công Thành - Chi hội trưởng Nông dân Ấp 6, xã Ba Trinh chia sẻ: “Vụ này, tôi cũng thực hiện mô hình, đối chứng giữa diện tích lúa làm theo cách truyền thống và diện tích lúa sử dụng phân chuồng hữu cơ tôi thấy có sự khác biệt nhiều. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 vừa rồi, diện tích lúa sử dụng phân hóa học của gia đình bị đổ ngã nhưng diện tích lúa áp dụng mô hình phát triển tương đối tốt. Bông lúa dài, lúa chắc hạt có màu trắng vàng, ít lem lép hạt, cứng cây nên lúa ít sâu bệnh, khi gặp mưa lớn nhưng không bị đổ ngã. Trước đây, sản xuất theo cách truyền thống sử dụng hoàn toàn phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thì 1 công lúa chi phí sản xuất khoảng 1,3 triệu đồng nhưng thực hiện theo mô hình hữu cơ thì chi phí chỉ mất 900.000 đồng/công, tức mỗi công giảm khoảng 400.000 đồng. Với hiệu quả như vậy, tới đây, tôi sẽ vận động bà con nông dân cùng thực hiện nhân rộng mô hình”.

Hiệu quả bước đầu của mô hình đã từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất của nông dân khi mà hiện nay tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác đã ảnh hưởng đến môi trường sống, phát sinh nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng. Qua thực hiện mô hình, nhiều bà con đã thay đổi nhận thức trong quá trình canh tác lúa theo hướng an toàn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Kháng, ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội có hơn 4 công lúa, trước đây anh sử dụng hoàn toàn phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhưng đến vụ Đông - Xuân này, anh chuyển 2 công sang thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đang thu hoạch lúa, anh Kháng phấn khởi khoe: “Bón phân chuồng hữu cơ và sử dụng thêm các thuốc sinh học thì lúa phát triển rất tốt, năng suất cũng tương đối, ước tính năng suất đạt khoảng hơn 800kg/công. Trước đây sản xuất lúa chủ yếu dùng phân hóa học nên đất thoái hóa, kém màu mỡ. Vụ sau tôi chuyển hết diện tích sang sử dụng phân chuồng hữu cơ và các loại thuốc dưỡng sinh học lúa”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới An Hội Trần Hoàng Lê đánh giá: “Vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, một số bà con thực hiện thí điểm mô hình sử dụng phân chuồng hữu cơ và thuốc sinh học chuyên dùng cho lúa bước đầu thấy kết quả khả quan, bà con phấn khởi. Nếu so sánh với vụ trước sử dụng phân hóa học thì năng suất lúa cũng tương đương nhưng khi thực hiện mô hình đã mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và an toàn môi trường sống cho cộng đồng. Vụ tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng an toàn để giảm chi phí trung gian, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân”.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức và tập quán chuyển từ sản xuất sử dụng phân hóa học sang sản xuất sử dụng phân sinh học, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, từng bước sẽ hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: