• Huyện Kế Sách

Tòa án nhân dân huyện Kế Sách

Không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết án

11/11/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/11/2020 | 13:30

STO - Tòa án nhân dân (TAND) huyện Kế Sách là một trong những đơn vị có lượng án thụ lý cao và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp nhưng chất lượng giải quyết không ngừng được nâng lên. Bởi tập thể đơn vị luôn đoàn kết cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để có những cách làm hay, đề tài sáng kiến, áp dụng có hiệu quả trong giải quyết án.

Năm 2020, TAND huyện Kế Sách đã thụ lý 1.153 vụ án các loại (tăng 215 vụ so với cùng kỳ) và đã giải quyết 1.072 vụ án (tăng 172 vụ việc), đạt tỷ lệ 93%, trong đó, tỷ lệ hòa giải thành chiếm 55,27% và bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 11,17 vụ/tháng. Quan trọng, tỷ lệ án hủy, sửa của TAND huyện Kế Sách đều thấp và nằm trong phạm vi cho phép, không có án quá hạn luật định.

Mỗi thẩm phán của đơn vị luôn có ý thức tự giác, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và công tâm trong công tác xét xử. Các thẩm phán có ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật, kiên quyết bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, tâm huyết với nghề và biết tự giác sửa chữa những khuyết điểm. Còn hội thẩm nhân dân trên địa bàn huyện thì kiến thức pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm hỏi tại phiên tòa không ngừng được nâng cao, nhất là có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật ở địa phương, được quần chúng nhân dân tín nhiệm cao. Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án của đơn vị. Đặc biệt, năm 2020, đơn vị đã thực hiện đề tài “Giải pháp nâng cao tỷ lệ, chất lượng giải quyết các loại án” và có nhiều sáng kiến, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Trước khi áp dụng, đơn vị đã nghiên cứu, sàng lọc, rút kinh nghiệm và giải pháp trên là kinh nghiệm giải quyết án của đơn vị trong thời gian qua, nâng cao được tỷ lệ, chất lượng giải quyết các loại vụ án. Điều này cho thấy, đơn vị đã thành công trong thực hiện nâng cao chất lượng giải quyết án trên tinh thần cải cách tư pháp. 

Đồng chí Thạch Viết Tâm - Chánh án TAND huyện Kế Sách cho biết, để nâng cao chất lượng giải quyết án, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức triển khai, quán triệt về chương trình công tác năm của TAND Tối cao, tỉnh, Huyện ủy và của đơn vị, trong đó, tập trung vào những công việc trọng tâm, những công việc cần quan tâm xử lý, giải quyết. Tổ chức thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp của TAND Tối cao và 3 giải pháp của TAND tỉnh. Lãnh đạo đơn vị thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của cấp trên và địa phương; phát huy trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu trong mọi lĩnh vực; quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đối với những công việc khó khăn thì phải chung tay cùng đồng nghiệp gánh vác và giải quyết triệt để.

Từ phân công công việc đến khen thưởng luôn phải công bằng, khách quan, minh bạch hay đánh giá công việc của cán bộ, công chức, người thủ trưởng đơn vị luôn lấy hiệu quả, chất lượng công việc làm thước đo để đảm bảo khách quan, vô tư. Việc thực hiện quy định trao đổi kinh nghiệm kết hợp trao đổi nghiệp vụ là một giải pháp hiệu quả để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án. Việc tăng cường trao đổi án một mặt là để quán triệt về đường lối giải quyết và áp dụng pháp luật thống nhất khi có các vụ án khác tương tự; mặt khác, trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng giải quyết án cho từng thẩm phán.

Đơn vị tăng cường kỷ luật công vụ, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tòa án; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực thi công vụ, tiến độ giải quyết án từng tuần, từng tháng để nhắc nhở. Đơn vị còn quan tâm thực hiện tốt phương châm cán bộ tòa án phải luôn tận tụy, giúp đỡ, lắng nghe người có việc đến tòa án trình bày những vấn đề họ yêu cầu, những bức xúc của họ được chia sẻ. Từ đó, giúp cán bộ, thẩm phán hiểu được nội tình bên trong, hiểu rõ sự việc, không bỏ sót tình tiết vụ án, giúp hòa giải thành cao hơn. Các vụ án đơn giản như tranh chấp về hợp đồng góp hụi, vay tài sản, mua bán, bồi thường thiệt hại sức khỏe, hợp đồng tín dụng… có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, đơn giản, thì thẩm phán gửi thông báo công khai chứng cứ và hòa giải cùng lúc với gửi thông báo thụ lý cho đương sự để tiết kiệm thời gian.

Đối với vụ án khó khăn, phức tạp mà các thẩm phán hoặc giữa các cơ quan tư pháp có ý kiến khác nhau thì tranh thủ trao đổi nghiệp vụ của cấp trên. Đơn vị luôn làm chủ công việc, không để bị động trong mọi tình huống. Trong năm 2020, mặc dù tình hình bệnh dịch Covid-19 kéo dài gây ra nhiều khó khăn và cản trở trong việc thụ lý và giải quyết án, tuy nhiên, tập thể đơn vị đã kịp thời chỉ đạo về việc nhận, xử lý đơn kiện cùng cách thức giải quyết án cho phù hợp như: trong thời gian giãn cách xã hội, xử lý đơn nhận qua đường bưu điện; phân công thẩm phán nghiên cứu đơn khởi kiện và hồ sơ còn lại để hết thời gian giãn cách có kế hoạch giải quyết nhanh nhất… Kết quả là sau thời gian giãn cách thì tỷ lệ giải quyết án của đơn vị vẫn đảm bảo và bình quân tăng so với cùng kỳ. Không những vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng công tác. Hiện nay, đơn vị đã tạo nhóm gmail, zalo chung của tập thể và ban lãnh đạo mở rộng để kịp thời xử lý công việc, truyền đạt thông tin. Vấn đề này giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian, có nhiều trường hợp xử lý nhanh chóng và tiện lợi, không cần họp cơ quan để triển khai.

C.H

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: