• Huyện Kế Sách

Người dân “sợ” game bắn cá

13/05/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: V.Đ
  • Thứ Bảy, 13/05/2017 | 06:00

STO - Tuy xuất hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng game bắn cá có sức hút “đặc biệt” với mọi lứa tuổi. Ban đầu chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí nhưng về sau game bắn cá dần biến tướng thành một dạng cờ bạc lan rộng từ thành thị đến các vùng nông thôn.

Tập thể bà con (gồm 20 hộ dân), ngụ ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) rất bức xúc trước sự tồn tại và hoạt động của game bắn cá tại địa phương. Bởi tình trạng game bắn cá “mọc ra” vô tình tiếp tay cho nạn trộm cắp “nổi lên” và bao gia đình phải rơi vào cảnh nợ nần, ly tán… Do đó, người dân có đơn khẩn thiết yêu cầu các ngành chức năng hãy dẹp ngay game bắn cá để đảm bảo trật tự, an ninh ở địa phương.

Người dân bất an

Theo bà T.E, người em trai của bà rất hiền lành, chân chất chỉ lo chí thú làm ăn. Nhưng có một thời gian, bà T.E thấy em trai mình thường hay vắng nhà và hay đi sớm, về khuya. Mọi người nghĩ, chắc anh chàng này đang “mê gái” nhưng ở cái tuổi 25 thì việc lập gia đình là phù hợp nên gia đình không ngăn cấm. Sau đó, bà T.E mới giật mình phát hiện em trai mình không hề “mê gái” mà là mê game bắn cá.

“Tôi chẳng biết em mình bắn kiểu gì mà chỉ khoảng 10 ngày đã mất trắng trên 20 triệu đồng. Rất may là gia đình tôi phát hiện, can ngăn kịp thời; cũng rất mừng là em tôi đã thức tỉnh và đồng ý tránh xa trò chơi vô bổ đó. Chứ nhiều người trong xóm càng chơi, càng mê và bất chấp sự khuyên nhủ của người thân; đến nỗi gia đình lâm nợ nần chồng chất nhưng vẫn lao vào game bắn cá” - bà T.E nói.

Liên ngành huyện Kế Sách thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đại lý game bắn cá thực hiện đúng quy định.

Đúng như lời của bà T.E đã nói, trong ấp Mỹ Phước đang có nhiều gia đình phải khốn đốn vì game bắn cá. Hiện vợ chồng bà M đang lo âu và chẳng biết xử lý sao với món nợ vừa vay tạm để giải quyết hậu quả từ game bắn cá. Một ngày nọ, con trai bà M khóc lóc nói đã trót nợ người quản lý game bắn cá khoảng trên 30 triệu, nếu không trả họ sẽ “xử đẹp”.

Nhưng số nợ đó, đối với vợ chồng bà M là một vấn đề nan giải. Nhiều người hàng xóm biết chuyện, khuyên vợ chồng bà M không cần lo, bởi đây là hình thức đánh bạc trá hình vốn đã vi phạm pháp luật. Với lại, việc vay nợ đó chẳng có giấy tờ hay người làm chứng nên họ cũng chẳng đủ chứng lý để đòi. “Bọn họ chỉ xài luật rừng, chứ có căn cứ vào pháp luật đâu mà đòi”. Mới đây, trên địa bàn xảy ra vụ đánh người mà nguyên nhân là từ việc đòi nợ của game bắn cá.

“Những người quản lý game, toàn là dân xăm mình, nhìn thấy mà phát sợ rồi. Thôi, ráng lo trả xong cho yên mà không biết vùng quê này còn bình yên được không khi game bắn cá vẫn tồn tại”- bà M thở dài ngao ngán.

Sự hoang mang đó thể hiện rõ khi đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Kế Sách đến kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở game bắn cá ở địa phương. Lúc đó, người dân đến khá đông và thi nhau kể tội game bắn cá, nhất là các chị em phụ nữ, như: game bắn cá lôi kéo mọi lứa tuổi từ trẻ đến già; các “con nghiện” game bỏ hết việc làm ăn; phát sinh trộm cắp; gây mất an ninh trật tự…

Một bà cụ bức xúc, oán trách đoàn kiểm tra: “Tại sao chính quyền địa phương và các ngành chức năng không dẹp ngay loại game này. Chơi loại game này chẳng thấy lợi ích gì mà toàn thấy hư đốn và nợ nần”. Đồng thời, bà còn chỉ tay về phía ông cụ đang lủi thủi bước ra từ cơ sở chơi game khi đoàn đến kiểm tra với giọng điệu cay cú “tuổi trẻ bồng bột bị cám dỗ đã đành, đằng này gần 70 tuổi mà lạị bám lấy game bắn cá, có đồng nào là chơi game hết đồng đó.  Như vậy thì làm sao dạy bảo, khuyên răn con cháu”.

Địa phương đành “bó tay”

Nói về hoạt động của các cơ sở game bắn cá đặt tại địa phương, đồng chí Trần Văn Chênh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) cũng khá bất bình nhưng đành “bó tay”; bởi các chủ game bắn cá đặt máy trên địa bàn đều không thông qua chính quyền địa phương. Hầu hết, họ là người từ địa phương khác đến. Với góc độ quản lý địa phương và khi phát hiện, UBND xã kiến nghị về trên kiểm tra hoạt động của cơ sở game bắn cá có đúng quy định, chứ không có thẩm quyền “dẹp”, vì đây là dịch vụ trò chơi công cộng, pháp luật không cấm.

Đồng chí Hồ Thị Thanh Thủy - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kế Sách cho biết: Đầu năm 2017, trên địa bàn huyện có khoảng 31 máy game bắn cá nhưng đến nay số lượng đã giảm, do trong quá trình kiểm tra đã rút giấy phép kinh doanh đối với những hộ không đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, ngay từ đầu năm, phòng đã cho mời các hộ, người quản lý game bắn cá trên địa bàn để triển khai các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động này và phần lớn các cơ sở game đáp ứng các thủ tục hồ sơ theo quy định. Bên cạnh đó, liên ngành của huyện thường xuyên tăng cường, kiểm tra đối với hoạt động này nhưng chưa phát hiện họ thực hiện “trá hình” hay cờ bạc mà chỉ nghe phản ánh từ phía người dân. Theo thông tin phòng nắm được, việc các cơ sở game bắn cá hoạt động, kinh doanh “trá hình” là có nhưng chưa được phát hiện và liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra hơn nữa đối với hoạt động này.

Cũng theo đồng chí Hồ Thị Thanh Thủy, việc quản lý đối với hoạt động game này vô cùng khó khăn. Khi đoàn vừa kiểm tra, yêu cầu cơ sở game bắn cá phải tạm ngưng hoạt động để chờ cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ hoặc vừa kiểm tra, nhắc nhở. Sau đó, cơ quan chuyên môn quay lại, người quản lý game bắn cá đã “ôm” máy chạy sang địa phương khác để hoạt động và hễ “bị đánh động”, họ lại tiếp tục chuyển máy sang tiếp địa phương khác. Đặc biệt, gây khó khăn nhất cho địa phương trong công tác quản lý game bắn cá là vấn đề pháp lý. Đối với hoạt động game bắn cá, văn bản pháp luật không yêu cầu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh như đối với hoạt động game online.

Không riêng gì ở Kế Sách, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang nóng lên và gây bức xúc trong nhân dân việc các cơ sở game bắn cá đang có chiều hướng gia tăng đáng kể. Điều đáng nói là hậu quả của trò chơi điện tử này không chỉ mất nhiều thời gian, mà đang bị “biến tướng” thành hình thức đánh bạc ăn thua bằng tiền gây hậu quả khôn lường. Chính vì thế, các ngành chức năng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động này và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

V.Đ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: