• Huyện Kế Sách

Phát triển vườn cây ăn trái theo hướng an toàn

25/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Năm, 25/04/2019 | 06:00

STO - Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các mô hình trồng cây ăn trái, hiện nay, nhiều nhà vườn ở huyện Kế Sách đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến, sử dụng phân bón hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu.

Kế Sách là huyện có diện tích trồng cây ăn trái lớn của tỉnh, với hơn 16.130ha, trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt, nhãn… Tuy nhiên, để tăng năng suất, nhiều hộ nông dân không ngần ngại sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và môi trường xung quanh, cũng như không an toàn cho người sử dụng.

Để phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, ngành chuyên môn thường xuyên hướng dẫn nông dân cải tạo vườn kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Nhờ vậy mà nhiều nhà vườn đã thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng kỹ thuật mới để cải tạo đất, chọn cây giống sạch bệnh, phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Đây là hướng phát triển an toàn, bền vững để tạo ra sản phẩm trái cây đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Mô hình cam sành của gia đình chú Trần Văn Thâu phát triển theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả tương đối cao.

Trong các sản phẩm cây ăn trái chủ lực thì cam sành là loại trái cây được nông dân trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, được nhiều nhà vườn trồng theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây cam sành tại Hợp tác xã Đại đoàn kết, xã Ba Trinh là một điển hình.

Trong quá trình canh tác cây lúa, nhận thấy kém hiệu quả, nên cách đây 4 năm, chú Trần Văn Thâu ở Ấp 7, xã Ba Trinh chuyển sang mô hình trồng cam sành. Khi mới trồng do thiếu kinh nghiệm, nên chú Thâu cũng không tránh khỏi tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Sau này, nhờ kinh nghiệm và thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, tập huấn nên chú chuyển sang dùng phân chuồng hữu cơ truyền thống và các loại phân vi sinh dạng nước của Công ty TNHH Nông nghiệp VK Sóc Trăng sản xuất để bón cho cây cam sành. Hiện nay, vườn cam sành hơn 10 công, với khoảng 4.000 gốc đang cho trái sai trĩu cành, mỗi năm gia đình chú thu hoạch trên 100 tấn cam, thu về hàng tỉ đồng.

“Lúc đầu cũng chưa biết đến loại phân này, nhờ công ty tổ chức hội thảo và mời tôi tham gia. Phân chuồng hữu cơ giá rẻ, một bao 50kg có giá 300.000 đồng. Qua quá trình thử nghiệm, thấy đây là loại phân tốt, cam cho trái sai, cây xanh tốt, đất tơi xốp lại an toàn sức khỏe và môi trường. Vì vậy, năm nay với vườn cam sành này, tôi chuyển sang dùng phân chuồng hữu cơ để thay thế phân hóa học. Khoảng 2 tháng tôi rải phân một lần, mỗi lần chỉ mất 50 bao, tiết kiệm chi phí trên 40% so với dùng phân hóa học” - chú Thâu chân tình chia sẻ.

Vườn bưởi da xanh của chú Phan Hồng Thái phát triển bền vững nhờ sản xuất theo hướng an toàn.

Với hiệu quả mang lại, hiện nay, phân chuồng hữu cơ truyền thống và các loại phân sinh học dạng nước do Công ty TNHH Nông nghiệp VK Sóc Trăng sản xuất đã được nông dân trên địa bàn huyện Kế Sách sử dụng khá phổ biến. Không chỉ dùng thành công trên cây lúa, cây cam sành mà được bà con dùng cho cây bưởi da xanh và các loại cây khác.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và tiết kiệm chi phí sản xuất, chú Phan Hồng Thái ở ấp Chót Dung, xã Kế An đã sử dụng 100% phân chuồng hữu cơ và các loại phân sinh học dạng nước để trồng bưởi da xanh. Chú Thái chia sẻ: “Gia đình có hơn 5 công bưởi da xanh, với trên 200 gốc và đang cho thu hoạch. Tôi sử dụng phân chuồng hữu cơ từ lúc mới trồng cho đến nay, thấy cây bưởi xanh tốt và bền cây hơn nhiều so với dùng phân hóa học và đặc biệt là tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất. Mỗi lần bón chỉ khoảng 5 bao phân chuồng hữu cơ, chi phí 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc dưỡng vừa ngăn ngừa sâu bệnh lại không độc hại, mẫu mã bưởi lại đẹp”.

Việc dùng phân chuồng hữu cơ không chỉ đảm bảo mức độ an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng mà còn kéo dài tuổi thọ cho cây trồng, phát triển bền vững. Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp VK Sóc Trăng Đặng Văn Khoa cho biết: “Việc sử dụng phân hữu cơ trong chăm sóc cây trồng không những giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, mà điều quan trọng là còn tạo được độ tơi xốp cho đất, giúp cây hấp thu chất dinh dưỡng một cách dễ dàng. Từ những hiệu quả bước đầu mang lại ở cây lúa, cam sành hay bưởi da xanh… nên chúng tôi đang phối hợp với địa phương nhân rộng mô hình để tạo ra sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân”.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: