• Huyện Kế Sách

Báo Xuân Đinh Dậu - 2017

Say lòng với cây trái miệt vườn

15/01/2017 20:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 15/01/2017 | 20:04

STO - Kế Sách là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh. Nhờ đất đai trù phú nên trồng được nhiều loại cây ăn trái đặc sản, như: măng cụt, sầu riêng... Nhưng đề cập đến hiệu quả kinh tế theo xếp hạng vị trí số một là cam sành, theo sau là bưởi da xanh, bưởi Năm roi, quýt...

Một trong những “địa chỉ” có nhiều diện tích chuyên trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, phải kể đến xã Kế Thành. Lượn qua những vườn cây trĩu trái hay những cánh đồng lúa chín vàng, xe chúng tôi đến trung tâm xã. Anh Huỳnh Hoàng Nhu - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện đi cùng chúng tôi, hồ hởi: “Từ khi có Quốc lộ Nam Sông Hậu, giao thông được kết nối, không chỉ việc đi lại của bà con dễ dàng, mà chuyện vận chuyển nông sản, hàng hóa cũng được thuận lợi”. Mãi “đàm đạo”, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Đức Khanh, ngụ ấp Cây Sộp, xã Kế Thành lúc nào không hay.

Anh Khanh mới làm quen với nghề trồng cây ăn trái được 3 năm. Tuy “thâm niên” chưa bằng ai, nhưng cách làm và hiệu quả của nhà vườn 49 tuổi này đáng để học hỏi. Nghe Trưởng Trạm Khuyến nông huyện “xúi”, năm 2013, anh Khanh chuyển 1,3ha đất trồng lúa sang trồng cam sành. Những ngày đầu tập tành làm quen với cây trồng mới, ngoài kiến thức học hỏi từ các nhà vườn ở Vĩnh Long, Tiền Giang, anh Khanh còn được kỹ sư Huỳnh Hoàng Nhu “cầm tay chỉ việc”. Do vậy, không có gì lạ khi chỉ với trên 5.000 gốc cam sành trồng đợt đầu cho trái chiếng, anh thu hoạch được 50 tấn, nhân giá bán 25.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 700 triệu đồng. Anh Khanh phấn khởi cho hay: “Năm rồi, bị nước mặn hoành hành te tua, chi phí giải mặn và phèn tăng cao, nếu không, lợi nhuận sẽ còn cao hơn nhiều”. Theo anh Khanh, đợt thu hoạch tới, khi 4.000 gốc cam sành trồng sau cho trái chiếng, nếu thuận buồm xuôi gió, 9.000 gốc cam sành cho sản lượng không dưới 100 tấn.

Cam sành nghịch mùa của anh Nguyễn Đức Khanh cho lợi nhuận cao

Nhìn vườn cam sành của anh Khanh được trồng xen với cây tràm, tôi không khỏi tò mò. Đọc được suy nghĩ của tôi, kỹ sư Nhu giải thích: “Việc cây tràm sống chung với cây cam sành, mang lại nhiều “lợi hại”. Đầu tiên, cây tràm sẽ che mát cho cây cam, hạn chế ánh nắng rọi trực tiếp vào, giúp trái không bị nám. Cây tràm còn giữ vai trò điều hòa gió, chống rụng trái”. Bây giờ thì tôi mới biết sự “lợi hại” của việc trồng xen này. Tôi hỏi: “Nhiều người trồng cam sành, nhưng ít khi bán được giá cao. Năm rồi do anh may mắn?”. Anh Khanh cười tươi, đưa mắt nhìn về hướng kỹ sư Nhu, chậm rãi: “Cũng nhờ có thầy Nhu mà tôi học được bí kiếp cho thu hoạch trái mùa. Trồng cam sành, trúng năng suất, chưa chắc đã có lời. Không ít người thu hoạch nhiều, nhưng vẫn bị lỗ. Mình phải tính toán được thị trường, thu hoạch thời điểm trái mùa, mới bán được giá cao, lợi nhuận nhiều”. Kỹ sư Nhu rôm rả châm vào: “Qua thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, tay nghề của anh Khanh đã cứng hơn. Bây giờ, anh Khanh đã tự bơi giỏi một mình, khi nào cần tư vấn, anh mới gọi điện thoại cho tôi”.

“Anh có dự định mở rộng diện tích trồng cam sành” - tôi gợi ý. “Từ hiệu quả bước đầu, tôi đang tính mở rộng diện tích. Nhưng cách làm mà tôi đang ấp ủ, đó là liên kết nhiều nhà vườn lại, cùng trồng cam sành với quy mô lớn, đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Với điều kiện hiện tại, tôi tin rằng hiệu quả của mô hình trồng cam sành cho trái nghịch mùa nằm trong tầm tay. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm có được của mình cho bà con, để cùng nhau làm giàu” - anh Khanh trải lòng.

Kế Sách là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh, với khoảng 14.000ha. Nhờ đất đai trù phú, trồng được nhiều loại trái cây đặc sản, như: măng cụt, sầu riêng... Nhưng khi đề cập đến hiệu quả kinh tế, theo “xếp hạng” của kỹ sư Huỳnh Hoàng Nhu, vị trí “số một” là cam sành, theo sau là bưởi da xanh, bưởi Năm roi, quýt. Cũng theo kỹ sư Nhu, tay nghề trồng cây ăn trái của nhà vườn ở Kế Sách được liệt vào loại “kỹ thuật đầy mình”, không chỉ giỏi tay nghề, trong những năm qua, nhiều nhà vườn Kế Sách đã mạnh dạn chuyển sang mô hình trồng chuyên canh với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Nhắc đến nhà vườn Kế Sách, thật thiếu sót nếu không kể đến những cái tên, như: Đặng Văn Nám - “vua” bưởi Năm roi; Huỳnh Hồng Trong - “vua” bưởi da xanh (cùng ngụ ấp Kinh Giữa 2, xã Kế Thành); Lê Văn Hầu - “vua” bưởi Năm roi (ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành); Nguyễn Văn Mười, Phan Văn Ruột - “vua” sầu riêng (Ấp Tư và Ấp Năm, xã Kế Thành) hay Trần Quang Vinh, tỉ phú cây nhãn của xã An Lạc Tây.  

Bưởi da xanh Kế Sách. Ảnh: X.T

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Huỳnh Anh Dũng, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020; từng bước hình thành vùng cây ăn trái có chủng loại đa dạng, cho trái quanh năm. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, thích ứng với tình hình xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GloBalGAP để có cơ sở đăng ký mã số vùng trồng, chú trọng trồng các loại cây ăn trái đặc sản và sản xuất theo hướng đăng ký thương hiệu sản phẩm, như: cam sành Ba Trinh; bưởi da xanh, bưởi Năm roi Kế Thành; nhãn tiêu da bò An Lạc Tây và xoài cát chu Thới An Hội, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Để làm được điều này, theo đồng chí Huỳnh Anh Dũng, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác,  Kế Sách sẽ tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và sở, ngành tỉnh có liên quan để tiếp sức, chung tay xây dựng đề án phát triển loại hình du lịch miệt vườn trên địa bàn; nhất là khai thác tốt Khu du lịch cồn Mỹ Phước; quy hoạch lại các khu vui chơi, giải trí, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan và giới thiệu các loại trái cây đặc sản của địa phương, góp phần phát triển điểm du lịch sinh thái ngày hấp dẫn hơn...

Những dự tính của hôm nay rồi sẽ được triển khai, hứa hẹn vùng đất trù phú Kế Sách có thêm những vườn cây ăn trái trĩu quả được trồng với quy mô lớn, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại đời sống ấm no, giàu sang cho người dân xứ vườn này.

TRỌNG HỮU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: