• Huyện Kế Sách

Thoát nghèo từ mô hình “buôn bán nhỏ”

17/07/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Thanh Thảo
  • Thứ Hai, 17/07/2017 | 09:00

STO - “Nếu chăm chỉ làm việc và tích cóp dần chắc chắn không lâu đời sống sẽ trở nên khấm khá” - với cùng lối suy nghĩ đơn giản như trên, hai phụ nữ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đã thoát nghèo bằng mô hình buôn bán nhỏ.

Là một trong những hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực của bản thân, cô Huỳnh Thị Sáu, ngụ ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội (Kế Sách) đã “khởi nghiệp” với số vốn 2 triệu đồng đầu tư cho tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Trò chuyện với chúng tôi, cô Sáu hồi tưởng: “Ngày trước, vợ chồng tôi cùng mấy đứa con che một cái lều tạm bợ gần bờ sông để sống tạm qua ngày. Để có “miếng ăn”, vợ chồng tôi thay phiên nhau đi làm thuê, hôm nào không ai thuê làm thì khổ lắm”.

Cô Sáu bên quán bán nước của gia đình.

Biết hoàn cảnh khó khăn của cô Sáu nên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động cô vào hội để được giúp vốn làm ăn. “Tôi xin gia nhập vào hội và được vay 2 triệu đồng, cầm số tiền đó xem như cả một gia tài. Suy tính cách làm ăn sinh lời, sau nhiều ngày tính toán tôi quyết định dựng lại căn lều cho chắc đỡ xập xệ, số tiền còn lại hơn 500.000 đồng tôi mua vài thứ bánh kẹo lặt vặt bán trước nhà, kèm theo là mua nước đá về làm nước đá bàu bán cho trẻ con trong xóm”. Chỉ bán vặt vậy thôi nhưng hàng ngày tích lũy cũng kha khá, khi số tiền nhiều hơn, cô tiến hành mở rộng kinh doanh bằng cách mua thêm các nguyên vật liệu để nấu bún, hủ tiếu, cơm tấm phục vụ cho người dân ăn sáng. Dần dần, lợi nhuận ngày càng tăng, nên gia đình đã cất được căn nhà cấp 4 tươm tất và quán bán nước kiên cố hơn. Nhờ vậy mà khách tới quán ủng hộ đông đúc hơn xưa.

“Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm đi qua quả là một cuộc hành trình dài trong việc mưu sinh, nhờ Hội Phụ nữ xã, tôi mới có cơ hội thoát nghèo. Nếu không có số tiền vay từ hội chắc chắn gia đình tôi không thể có cuộc sống ổn định như hiện tại” - cô Huỳnh Thị Sáu trải lòng. Giờ đây, bình quân mỗi ngày gia đình cô Sáu có thu nhập hơn 200.000 đồng từ quán ăn kèm bán nước uống và tạp hóa. Ngoài buôn bán, hiện cô còn tranh thủ nuôi thêm vài chục con gà, vịt để kiếm thêm nguồn thu nhập. 

Cô Liên với công việc làm bánh hàng ngày.

Chia tay cô Huỳnh Thị Sáu, chúng tôi tìm đến nhà cô Huỳnh Thị Liên, cũng ngụ tại ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội. Khi chúng tôi ghé cũng đúng lúc cô Liên đang chuẩn bị các loại bánh cho vào túi nilông để kịp giao cho khách hàng. Ngồi bên trong ngôi nhà khá khang trang của cô Liên, chúng tôi nghe chia sẻ về những gian khó, cô đã trải qua trong suốt thời gian dài để thu về “thành quả“ là căn nhà tinh tươm, con cái trưởng thành và lo làm ăn chăm chỉ. Cô Liên tâm sự: “Tôi lập gia đình, ra riêng được ba má cho 2 công đất ruộng và 1 công vườn, nhưng thời đó làm ruộng khó khăn nên năng suất lúa cũng chỉ đủ ăn, vườn toàn là cây tạp nên thu nhập chính của gia đình nhờ vào tiền làm thuê của hai vợ chồng. Vất vả nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, còn căn nhà thì rách nát, ở trong nhà mà chẳng khác gì ở ngoài trời. Cuộc sống gia đình ổn định hơn khi được Hội Phụ nữ xã cho vay số tiền 3 triệu đồng làm vốn chăn nuôi heo. Với 2 con heo nái sinh sản, qua 2 năm chăm sóc, đàn heo đã mang về tiền lãi hàng năm hơn 20 triệu đồng. Lúc heo bắt đầu có dấu hiệu giảm giá, tôi ngưng nuôi và chuyển sang làm các món bánh bán hơn 3 năm nay. Mỗi ngày, chuẩn bị nguyên liệu làm 7 món bánh các loại, vừa bỏ mối tại chợ vừa đem đi bán lẻ nên lợi nhuận thu về từ 300.000 đồng - 350.000 đồng/ngày”.

Với mức thu nhập như trên, gia đình cô Liên đã xây dựng ngôi nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi; đồng thời, chuyển đổi 1 công vườn tạp sang trồng chanh xen xoài Đài Loan. Hướng tới, cô Liên sẽ chuyển 2 công đất lúa kém hiệu quả trồng các loại cây ăn trái nhằm tăng lợi nhuận.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thới An Hội Dương Thị Kim Thi cho biết: “Hàng năm, để giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên, chúng tôi đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: buôn bán nhỏ, kết cườm, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đồng thời, triển khai các hoạt động về góp vốn xoay vòng để các chị có đồng vốn mở rộng sản xuất. Riêng đối với chị Sáu và chị Liên là những hội viên phụ nữ điển hình trong việc vươn lên thoát nghèo bằng chính nghị lực bản thân thông qua đồng vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ”.

Thanh Thảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: