• Huyện Kế Sách

Triển vọng trái vú sữa tím

26/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Hai, 26/11/2018 | 06:00

STO - Kế Sách là huyện có tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế vườn, với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: vú sữa, bưởi, xoài, mận... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để nâng cao giá trị của các loại trái cây đặc sản nói chung và trái vú sữa tím nói riêng đủ sức cạnh tranh không chỉ thị trường trong nước và còn đạt yêu cầu xuất khẩu đang được ngành chức năng và nông dân quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kế Sách có trên 1.400ha vú sữa, chủ yếu là vú sữa tím, tập trung ở xã Xuân Hòa và Trinh Phú. Với nhiều ưu điểm như trái to hơn so với các loại vú sữa khác, màu tím đẹp, vỏ cứng, có thể chuyên chở xa không bị dập, thịt ngọt, dai, giòn, ít mủ, ít hột… nên trái vú sữa tím hiện nay đang được thị trường rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng như nhiều trái cây đặc sản khác của địa phương, khi vào vụ thu hoạch rộ thì trái vú sữa tím thường xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”.

Để khắc phục vấn đề này, tránh rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tăng cường hỗ trợ nhà vườn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, bà con xã viên từng bước thay đổi tập quán sản xuất, hình thành chuỗi liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa. Được sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, hiện nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trinh Phú có 37/41 xã viên đang trồng vú sữa theo quy trình VietGAP, với diện tích 32ha vú sữa tím, trong đó, đang cho trái 20ha, ước tính sản lượng khoảng 750 tấn.

Với mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nên vú sữa tím hiện nay đang được thị trường ưa chuộng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú Hồ Văn Hội phấn khởi cho biết: “Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ bà con chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cách nuôi dưỡng bao bọc trái theo quy trình VietGAP để đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời tạo điều kiện cho xã viên đi học tập kinh nghiệm sản xuất vú sữa ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn kịp thời giúp đỡ HTX thực hiện tốt công tác điều hành sản xuất. Nhờ vậy, các khâu thủy lợi, làm đất, cây trồng, cơ cấu giống và lịch thời vụ đúng quy định nên hạn chế được rất nhiều rủi ro trong sản xuất, giúp kinh tế hộ thành viên phát triển. HTX đang đề xuất ngành chức năng xây dựng mã số vùng trồng, còn đối với tem nhãn hiệu vú sữa tím Trinh Phú đã xong. Chúng tôi đang thương thảo với một số doanh nghiệp thu mua để liên kết bao tiêu sản phẩm cho xã viên”.

Bên cạnh việc hỗ trợ cho xã viên sản xuất vú sữa tím theo quy trình VietGAP thì ngành chức năng đang tăng cường các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Được biết, Tập đoàn Vina T&T cũng như một số doanh nghiệp đã nhiều lần đến khảo sát, tham quan vườn vú sữa tím của HTX Nông nghiệp Trinh Phú và đặt vấn đề hợp tác đầu tư.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ với các thành viên hợp tác xã để trao đổi thỏa thuận các điều kiện ký kết bao tiêu sản phẩm, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho biết: “Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương của tỉnh, chúng tôi đã biết đến vú sữa tím của địa phương và tìm đến để ký kết bao tiêu sản phẩm. Nếu hai bên thống nhất ký kết hợp đồng thì bước đầu công ty sẽ thu mua khoảng 2,5 tấn trở lên mỗi ngày, với mức giá dự kiến ban đầu từ 30.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg và tùy theo giá cả thị trường công ty sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài thu mua trái cho bà con, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con đóng gói tại địa phương để tạo công ăn việc làm và hỗ trợ kỹ thuật để bà con trồng đảm bảo quy trình canh tác cũng như quy cách và chất lượng để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.

“Để đáp ứng theo đúng những yêu cầu, tiêu chuẩn của phía doanh nghiệp, hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của quy trình VietGAP và yêu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi vận động xã viên mở rộng diện tích bao trái vú sữa tím ngay từ khi trái nhỏ để ngăn ngừa sâu bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất nhằm nâng cao mẫu mã, chất lượng để tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ” - ông Hồ Văn Hội chia sẻ thêm.

Để trái vú sữa tím cũng như nhiều trái cây đặc sản của tỉnh đủ sức vươn xa trong thời kỳ hội nhập, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước thì cùng với những cải tiến về kỹ thuật canh tác, vấn đề nâng cao chất lượng, sản xuất ra sản phẩm sạch chính là yếu tố quan trọng, quyết định. Tin rằng với quy trình sản xuất theo hướng an toàn cộng với sản lượng lớn thì vú sữa tím hoàn toàn có thể đủ điều kiện để xuất khẩu đến được các thị trường khó tính trên thế giới, đặc biệt thị trường Hoa Kỳ. Đây sẽ là tín hiệu vui và mở ra triển vọng để nhà vườn yên tâm sản xuất.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: