• Huyện Long Phú

Bài học và cách đối phó hạn hán, xâm nhập mặn của Long Phú

30/03/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 30/03/2019 | 06:00

STO - Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề luôn được các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp để giúp nông dân lựa chọn cách thức sản xuất, vì vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn trở thành nỗi lo hàng đầu của nông dân. Là huyện từng chịu thiệt hại do hạn, mặn nên Long Phú đã triển khai nhiều cách ứng phó một cách bài bản và hiệu quả.

Thực tế địa phương…

Bắt đầu ngày mới của ông Lê Văn Nhân, ấp Sóc Mới, xã Long Phú là đi nhanh ra con kênh nội đồng gần nhà xem xét màu nước, bởi việc xem màu nước sẽ giúp ông biết được nguồn nước dưới kênh đang mặn hay ngọt. Thói quen đó bắt nguồn từ đợt hạn mặn năm 2016, ông đã bó tay nhìn gần 1ha lúa Xuân - Hè (vụ 3) chết khô. Mặc dù trước đó, chính quyền đã khuyến cáo hộ dân không nên xuống giống vụ 3 nhưng vì thói quen nên hộ dân vẫn canh tác. Sau vụ Xuân - Hè 2016 lúa bị chết nên vụ 3 năm 2017 ông Nhân bỏ đất trống. Cho đến vụ 3 năm 2018, thấy một số hộ làm lúa được mùa trúng giá nên ông cũng “hưởng ứng”. Trong vụ 3 năm 2019, ruộng lúa của ông đang giai đoạn đòng trổ. Do địa phương tuyên truyền hạn chế canh tác lúa vụ 3 nên ông Nhân vô cùng bối rối khi trò chuyện cùng chúng tôi.

Các cống thủy lợi góp phần rất lớn trong việc ngăn mặn trữ ngọt.

Chủ tịch UBND xã Long Phú Nguyễn Hoàng Thơ chia sẻ: “Có thể nói, đợt hạn mặn năm 2016 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều hộ dân canh tác lúa trên địa bàn xã, 200ha lúa xuống giống vụ 3 của xã bị thiệt hại hoàn toàn. Sang năm 2017, diện tích trồng lúa vụ 3 giảm mạnh còn 8,6ha, bởi họ hiểu được sự nghiêm trọng của việc xâm nhập mặn. Trong vụ 3 đó các hộ canh tác lúa trúng mùa được giá. Do vậy, vụ 3 năm 2018 diện tích tăng lên 1.600ha và vụ 3 năm 2019 này diện tích xuống giống lên đến 2.800ha, lúa đang giai đoạn đòng trổ. Theo tôi, nếu có mặn xâm nhập, việc đóng cống trong vòng từ 10 ngày đến 15 ngày vẫn đảm bảo lượng nước tưới cho toàn bộ số lúa trên và năm nay mặn cũng xoay vòng nhanh. Thời điểm trước Tết Nguyên đán cũng có đợt mặn tầm 7 ngày, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đóng cống và sau đó lấy nước ngọt vào. Vấn đề tuyên truyền hộ dân hạn chế xuống giống lúa vụ 3 chuyển sang cây trồng khác, địa phương vẫn tích cực vận động. Tuy nhiên do tập quán, thói quen canh tác nên dân vẫn xuống giống và vấn đề ở đây là chúng tôi đã cơ cấu lại mùa vụ nếu có hạn mặn xảy ra sẽ không làm ảnh hưởng đến cây lúa, bằng chứng là diện tích lúa của xã đang giai đoạn đòng trổ, có thể xem đạt ngưỡng an toàn”.

… và những giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Văn Vũ thông tin: “Đợt xâm nhập mặn năm 2016, diện tích lúa vụ 3 toàn huyện bị thiệt hại 4.777ha/4.375 hộ. Theo ước tính số tiền nông dân bị thiệt hại lên tới 8 tỉ đồng. Vì vậy, huyện rất lo lắng bởi thiệt hại lúa sẽ làm mất thu nhập hộ dân, kéo theo đó có thể nhiều hộ sẽ tái nghèo. Rút kinh nghiệm vụ 3 năm 2016, huyện tăng cường công tác tuyên truyền hộ dân chuyển đổi lúa vụ 3 sang trồng màu cũng như thực hiện các công trình thủy lợi, nhằm ứng phó vấn đề xâm nhập mặn trên địa bàn huyện do đặc điểm của huyện là có nhiều cửa sông, kênh rạch tiếp nối các sông lớn dẫn nước vào sâu nội đồng…”.

Đưa màu xuống chân ruộng là một trong những giải pháp hạn chế sản xuất lúa vụ 3, vẫn đảm bảo lợi nhuận cho hộ dân trong việc ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

Nhằm ứng phó với hạn mặn trong mùa khô năm 2019 cũng như đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú Vương Tấn Vũ cho biết huyện đề ra các giải pháp trọng tâm đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cũng như cung cấp các dự báo hạn, mặn của ngành chức năng, nhằm chủ động ứng phó; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; cơ cấu lại giống lúa bằng cách sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, giống chịu mặn, phèn cho những vùng thiếu nước tưới và bị xâm nhập mặn; đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Đồng thời, áp dụng các mô hình giúp tăng lợi nhuận trong điều kiện thời tiết khô hạn là sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu, mô hình nuôi vịt trời, trồng màu trong nhà lưới…

Đồng chí Vương Tấn Vũ cho rằng, giải pháp công trình cũng là một trong những khâu then chốt, quan trọng trong việc ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Do vậy, huyện đã tiến hành nạo vét các kênh tạo nguồn, nội đồng và gia cố các bờ bao, đắp đập thời vụ phòng chống xâm nhập mặn; thường xuyên kiểm tra hệ thống các cống thủy lợi, theo dõi độ mặn của nước, đóng mở cống kịp thời không để nước mặn xâm nhập vào phía bên trong cống. Ngoài đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nếu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thì huyện còn quan tâm đến nước sinh hoạt của người dân, bằng cách mở rộng các tuyến ống cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho hộ dân trên địa bàn huyện.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: