• Huyện Long Phú

Chính sách “Tam nông” tạo khởi sắc vùng nông thôn

09/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 09/08/2019 | 06:00

STO - Long Phú là một huyện thuần nông, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn nhưng sau 10 năm triển khai Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (còn gọi là Nghị quyết “Tam nông”), giá trị sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện. Trong sản xuất lúa đã triển khai xây dựng được mô hình “cánh đồng mẫu” ở 5 xã với tổng diện tích 1.394,99ha, có 1.366 hộ tham gia.

Ông Võ Văn Mỹ ở xã Long Đức cho biết: “Trước đây, mỗi hộ dân sản xuất nhiều chủng loại giống lúa khác nhau, mùa vụ khó tập trung, khó tạo thành khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều, ổn định nên khó tiêu thụ, vì thế cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra. Từ khi xã quy hoạch mô hình “cánh đồng mẫu” đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, chọn giống chất lượng, xuống giống đồng loạt, góp phần giảm chi phí đầu vào cho nông dân”.

Huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án Phát triển lúa đặc sản, bước đầu cho thấy nhận thức của nông dân ngày càng được nâng lên trong việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, đặc biệt là chủ động ghi chép nhật ký đồng ruộng để làm cơ sở so sánh tính hiệu quả với sản xuất truyền thống. Hiện toàn huyện hiện có 30 tổ hợp tác với 622 thành viên tham gia và 14 hợp tác xã nông nghiệp với 889 thành viên.

Ngoài diện tích trồng lúa, địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ diện tích trồng lúa, mía kém hiệu quả dần chuyển sang trồng cây ăn trái, cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày… cho hiệu quả kinh tế khá cao. Anh Võ Văn Khanh ở ấp Cái Oanh, xã Tân Thạnh chia sẻ: “Từ đất trồng lúa kém hiệu quả, được ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ về kỹ thuật, tôi chuyển đổi thực hiện mô hình trồng cà tím Nhật và trồng khổ qua trên diện tích gần 4.000m2, mỗi năm thu nhập trên trăm triệu đồng”.

Anh Võ Văn Khanh ở ấp Cái Oanh, xã Tân Thạnh chuyển đổi trồng cà tím Nhật và khổ qua cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Chí Bảo

Do giá lúa bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao nên gia đình anh Phạm Anh Kiệt ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh quyết định chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây có múi để nâng cao giá trị kinh tế. Sau khi tìm hiểu, đầu năm 2017, anh đã chuyển đổi gần 5 công đất lúa thành đất vườn và trồng gần 400 gốc bưởi năm roi. Trong khi chờ cây bưởi ra trái, anh còn trồng thêm 300 cây ổi Đài Loan để lấy ngắn nuôi dài, cây bưởi phát triển tốt và anh cũng có thêm nguồn thu nhập từ cây ổi hơn 5 triệu đồng mỗi tháng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả dự án phát triển chăn nuôi bò, cải tạo đàn bò địa phương và triển khai một số mô hình nuôi các loại con giống mới có giá trị kinh tế cao, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại tập trung, xa khu dân cư. Về phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 551,48 tỉ đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2008); toàn huyện có 103 doanh nghiệp, 2.653 hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động thương mại và dịch vụ nông thôn phát triển ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tiêu dùng xã hội năm 2018 đạt 5.675,8 tỉ đồng (tăng 3,9 lần so năm 2008).

Bộ mặt nông thôn khởi sắc

Huyện đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế… nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Qua 10 năm, toàn huyện đã nâng cấp, xây dựng được 179 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 217km, 11/11 xã có đường ôtô đến trung tâm xã. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đến nay, số hộ có điện sử dụng đạt 99,95%. Cơ sở vật chất trường học cũng được đầu tư xây dựng, đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn của huyện, đặc biệt ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn huyện đã có 21/48 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 12 trường so năm 2008). Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân cư nông thôn từng bước được nâng cao; các thiết chế văn hóa được chú trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 9,33%.

Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần đổi mới nhanh chóng diện mạo vùng nông thôn, được nhân dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tân Thạnh, Trường Khánh và Long Đức. Sự đổi thay rõ nét nhất ở nông thôn là hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn, nhiều tuyến đường liên ấp, liên xã đã được nhựa hóa, người dân các địa phương trong huyện tích cực hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn. Tại nhiều tuyến đường, người dân trồng cây xanh, trồng hoa dọc hai bên, tạo cảnh quan thông thoáng, xanh - sạch - đẹp.

Đồng chí Kim Hen - Chủ tịch UBND huyện Long Phú khẳng định: “Có thể nói, từ chính sách phát triển “tam nông” cùng các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Long Phú ngày càng thay da đổi thịt, nông nghiệp phát huy lợi thế; chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng cao. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết “tam nông”, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...”.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: