• Huyện Long Phú

“Khắc nhập” nhãn xuồng cơm vàng với nhãn da bò cho hiệu quả kinh tế cao

22/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 22/08/2019 | 06:00

STO - Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Văn Bỉnh ở ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh (Long Phú) trồng nhãn da bò nhưng nhãn hay bị bệnh, giá cả không ổn định nên ông mạnh dạn chuyển đổi bằng cách ghép nhãn xuồng cơm vàng trên gốc của nhãn da bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian cho thu hoạch.

Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy vườn nhãn xuồng cơm vàng được ghép trên gốc nhãn da bò lại phát triển rất tốt, tán cây sum suê và trái sai trĩu cành. Trao đổi với chúng tôi, ông Bỉnh phấn khởi cho biết: “Hơn 16 năm trồng giống nhãn da bò nhưng hiện nay do giống nhãn này hay bị bệnh, giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy nhãn xuồng cơm vàng là một trong những giống có chất lượng vượt trội so với các giống nhãn khác, nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, giá bán cao. Năm 2016, tôi quyết định chuyển đổi vườn nhãn bằng cách mướn nhân công ở tỉnh Bến Tre qua ghép nhãn xuồng cơm vàng trên gốc nhãn da bò. Qua thời gian ghép chính bản thân tôi cũng không ngờ thành công khoảng trên 90%, nhãn xuồng cơm vàng sinh trưởng và phát triển hoàn toàn theo tự nhiên. Đến nay, vườn nhãn không chỉ phát triển rất tốt mà năng suất không thua kém nhãn da bò”.

Nhãn xuồng cơm vàng được ông Nguyễn Văn Bỉnh ghép trên gốc cây nhãn da bò phát triển rất tốt.

Theo kinh nghiệm của ông Bỉnh thì kỹ thuật ghép đơn giản, chỉ cần chọn giống nhãn xuồng cơm vàng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu thị trường nhưng có khả năng kháng được bệnh để ghép chuyển đổi giống trên những gốc cây nhãn da bò. “Nhãn xuồng cơm vàng nhẹ công chăm sóc nhưng phải đảm bảo đủ phân bón để trái to, mẫu mã đẹp. Do nhãn xuồng cơm vàng có khả năng kháng bệnh tốt nên tôi sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt tưới nước thích hợp thì nhãn ra bông rất nhiều. Từ lúc nhãn ra bông đến khi được thu hoạch khoảng hơn 4 tháng và giá bán nhãn xuồng cơm vàng lại cao gấp 4 lần so với nhãn da bò nên lợi nhuận cao” - ông Bỉnh chia sẻ.

Theo ông Bỉnh, nếu trồng mới thì sau 3 năm đến 4 năm nhãn xuồng cơm vàng mới cho trái nhưng nếu ghép đúng phương pháp thì chỉ đến năm thứ 2 sau khi ghép có thể thu hoạch vụ, chất lượng trái vẫn giữ nguyên mà chi phí đầu tư giảm một nửa so với trồng nhãn da bò. Hiện gia đình ông Bỉnh có 12 công đất, trồng 244 gốc nhãn, mỗi vụ sau khi trừ chi phí lời hơn 200 triệu đồng.

Từ hiệu quả của mô hình ghép nhãn xuồng cơm vàng trên gốc nhãn da bò của gia đình, hiện ông Bỉnh đang hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân trồng nhãn cùng làm theo. Đây là phương pháp giúp nhà vườn nâng cao giá trị cây nhãn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: