• Huyện Long Phú

Mô hình thích ứng với hạn, mặn

17/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/02/2020 | 06:00

STO - Thực hiện chủ trương khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ Đông - Xuân muộn hay lúa vụ 3 của ngành chuyên môn, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Hưng (Long Phú) đã chuyển sang mô hình trồng nấm rơm, vừa giải quyết việc làm trong những tháng mùa khô vừa có nguồn thu nhập cao.

Gia đình bà Lê Thị Ánh, ở ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng đã tận dụng hơn 2.000m2 đất không làm lúa Đông - Xuân muộn để trồng 100m mô nấm rơm, với hơn 100 bịch meo giống, trong đó tiền rơm và meo giống là 2,5 triệu đồng do Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc. Sau gần 1 tháng đã bắt đầu thu hoạch nấm và hiện đã bán được 126kg, với giá được thương lái mua tại ruộng bình quân 70.000/kg, thu về lợi nhuận hơn 6 triệu đồng và từ nay đến cuối vụ còn thu hoạch thêm khoảng 20kg. Bà Ánh chia sẻ: “Năm nay nhờ nấm rơm được giá hơn năm ngoái nên bỏ túi được nhiều tiền hơn. Tôi thấy mô hình này làm cũng dễ. Nhờ trồng nấm rơm mà cuộc sống cũng đỡ khỏi đi xa làm mướn”.

Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cùng nông dân tham quan mô hình trồng nấm rơm của bà Lê Thị Ánh.

Thấy có hiệu quả kinh tế, ngành Nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương đã đưa một số nông dân địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mọi người đều thấy rằng mô hình này rất dễ thực hiện, có thể trồng quanh năm trên đất ruộng, trong vườn cây hay những khoảng đất trống xung quanh nhà, thời gian sinh trưởng ngắn, chi phí đầu tư thấp, ít sử dụng nước, thu hoạch nhanh, giá cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Hữu Tài cho biết: “Năm nay tình hình xâm nhập mặn sớm, thấy hiện trạng như thế, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng hoa màu và các loại cây giống khác, trong này có mô hình trồng nấm rơm. Qua tham quan thực tế, mô hình cũng mang lại hiệu quả, bà con có thu nhập hàng ngày và cũng đã nhân rộng một số hộ lân cận. Hướng tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn nhân rộng mô hình để giúp bà con chuyển đổi đất lúa không hiệu quả, trước diễn biến phức tạp của khí hậu”.

Xã Tân Hưng hiện có 10 hộ thực hiện mô hình trồng nấm rơm, với diện tích trên 1.800m mô, đa số tập trung ở ấp Sóc Dong và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do nguồn cung không đủ cầu, ít người trồng và thiếu nước tưới vì ảnh hưởng nước mặn, nếu bà con biết cách giữ nước ngọt trong ao quanh nhà hay sử dụng nước từ cây nước gia đình, đảm bảo nguồn nước tưới sẽ giúp mô hình đạt hiệu quả cao hơn.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Long Phú Nguyễn Văn Quân thông tin: “Để giúp bà con trồng nấm rơm đạt hiệu quả cao, bà con nên quan tâm đến quy trình ủ rơm, làm sao cho rơm đủ chín; nên lựa chọn meo cho năng suất cao; về độ ẩm và nhiệt độ, bà con cũng nên quan tâm và theo dõi thường xuyên, đặc biệt nếu tưới nước bị nhiễm mặn, tơ nấm không phát triển, ảnh hưởng đến năng suất”.

Thanh Đồng

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: