• Huyện Long Phú

Người nghèo ở Long Phú phát triển kinh tế nhờ được hỗ trợ vật nuôi

12/11/2019 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 12/11/2019 | 13:30

STO - Toàn huyện Long Phú hiện có 5 xã khu vực II, với 12 ấp đặc biệt khó khăn, có 3 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 16 ấp được thụ hưởng chính sách từ Chương trình 135.

Việc thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2019 đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện giảm từ 2% - 3%, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Thể hiện rõ nhất là các tuyến đường giao thông liên ấp được nhựa hóa, đặc biệt hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo tại ấp, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề nên cuộc sống gia đình ổn định và nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. 

Bà Mỹ Dung, ấp Bưng Long, xã Long Phú (Long Phú) khoe đàn bò được Chương trình 135 hỗ trợ. Ảnh: Thúy Liễu

Nhiệt tình đưa chúng tôi ra xem đàn bò của gia đình, ông Lâm Nhẹm, ở ấp Bưng Long, xã Long Phú (Long Phú) bộc bạch: “Tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 bò cái vào năm 2016. Trong quá trình sản xuất, tôi cũng dành dụm ít tiền mua thêm 1 con bò cái nên đến thời điểm hiện tại, đàn bò của gia đình tôi tăng lên 5 con bò cái sinh sản. Còn bò đực, tôi cũng đã bán được 3 con, thu về số tiền kha khá để trang trải cuộc sống".

Cũng theo lời ông Nhẹm, lợi ích của việc chăn nuôi bò là không tốn tiền mua thức ăn, chỉ cần bỏ chút thời gian đi cắt cỏ cho bò ăn hay tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn ngoài đồng sau những vụ thu hoạch lúa rồi dự trữ để bò ăn dần. "Hiện tại, với đàn bò cái giai đoạn sinh sản như trên, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, tương lai không xa gia đình sẽ khấm khá thông qua việc nuôi bò sinh sản. Tất cả những thành quả như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đã có những chính sách hỗ trợ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống nên tôi rất biết ơn, quyết tâm chăn nuôi đàn bò thật tốt để cuộc sống ấm no, sung túc…” - ông Nhẹm vui vẻ cho biết thêm.

Tâm tình cùng chúng tôi, bà Kim Thị Mỹ Dung, ở ấp Bưng Long, xã Long Phú khoe: “Tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản, qua 1 năm chăm sóc, bò mẹ đẻ thêm 1 con bê nên giờ đàn bò đang phát triển tốt. Dự định tới, tôi sẽ duy trì đàn bò cái lên 3 con để chúng sinh sản ra được nhiều bê hơn để bán, tăng thu nhập gia đình. Giờ thì tôi không còn lo lắng cái nghèo đeo bám, bởi có đàn bò đã đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định trong thời gian tới…”.

Ông Trần Ương, ngụ cùng ấp với bà Dung góp lời: “Tôi có được ngôi nhà khang trang như hiện tại tất cả cũng nhờ vào đàn bò sinh sản của gia đình. Đàn bò này có được cũng nhờ một phần từ nguồn vốn Chương trình 135 của Nhà nước đầu tư. Năm 2012, tôi nhận hỗ trợ vốn vay của Hội Cựu chiến binh huyện mua 2 con bò cái sinh sản và đàn bò tăng số lượng hàng năm. Đến năm 2016, tôi tiếp tục nhận được 1 con bò của Chương trình 135 và đàn bò tăng lên theo con số cộng, hàng năm tăng vài con. Để xây ngôi nhà này, tôi đã bán 12 con bò đực, hiện còn lại 6 con bò đang giai đoạn sinh sản. Tôi đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống gia đình thoải mái, giờ chỉ chăm lo thật tốt đàn bò nhằm tăng thu nhập”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Phú Nguyễn Hồng Tâm cho biết: “Chương trình 135 triển khai trên địa bàn xã đã làm thay đổi bộ mặt làng quê, cụ thể nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong hai mùa mưa nắng, đời sống người dân từng bước được cải thiện nhờ các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư rộng khắp. Đồng thời, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp giống vật nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa nguồn vốn Chương trình 135, xã sẽ bám sát các văn bản hướng dẫn của các cấp nhằm tập trung sử dụng nguồn vốn lồng ghép với các chương trình khác để kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo…”.

Chủ tịch UBND huyện Long Phú Kim Hen cho biết: “Chương trình 135 triển khai trên địa bàn huyện, trong đó có tiểu dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các ấp, xã đặc biệt khó khăn đã giúp huyện xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả chuyển giao đến hộ nghèo như: chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, heo sinh sản, nuôi gà, nuôi dê… Từ các mô hình nêu trên, hộ nghèo có thể lựa chọn thông qua việc họp dân công khai minh bạch và hộ chọn để phát triển chăn nuôi theo nhu cầu của gia đình nhưng đảm bảo vật nuôi phải được chăm sóc tốt. Kèm theo đó, hộ dân còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để họ chăm sóc đàn vật nuôi tốt hơn".

Đồng chí Kim Hen chia sẻ thêm, thông qua Chương trình 135 đã hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo tại xã, ấp đặc biệt khó khăn được đào tạo nghề, được cấp thẻ bảo hiểm y tế; các trạm y tế trên địa bàn các xã của huyện đều có bác sĩ khám, chữa bệnh; học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách miễn giảm học phí ở các cấp học cũng như tham gia học tập tại trường dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, các trang phục lễ hội, điệu hát truyền thống được khôi phục, các xã đều có thiết chế văn hóa, xã có đông đồng bào dân tộc được tiếp tục hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án để hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững…

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: